16:54 11/12/2024

Đông Nam Bộ tập trung phát triển các dự án xanh

Quỳnh Nguyễn

Đông Nam Bộ đang chuyển mình mạnh mẽ với sự phát triển các khu công nghiệp xanh và công nghệ cao. Trong đó, ba tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh dẫn đầu trong việc kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững…

Các khu công nghiệp ở khu vực Đông Nam Bộ đang đi theo hướng "xanh hoá" - Ảnh minh họa.
Các khu công nghiệp ở khu vực Đông Nam Bộ đang đi theo hướng "xanh hoá" - Ảnh minh họa.

Khu vực Đông Nam Bộ đang thực hiện một cuộc chuyển mình mạnh mẽ không chỉ trong công nghiệp hóa mà còn trong việc áp dụng các mô hình tăng trưởng sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao và bảo vệ môi trường. Đây là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững, góp phần quan trọng vào việc định hình nền kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN NHIỀU DỰ ÁN XANH  

Trong những năm qua, Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh đã thể hiện sự sáng tạo và quyết tâm trong việc chuyển đổi mô hình phát triển, đặc biệt là phát triển các khu công nghiệp xanh và thông minh.

 

Khu vực Đông Nam Bộ đang chuyển mình với nhiều dự án đầu tư xanh, tập trung chủ yếu tại ba tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh.

Tại Bình Dương, nhà máy LEGO trị giá 1,3 tỷ USD là một ví dụ điển hình về áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, từ việc sử dụng năng lượng tái tạo đến tối ưu hóa quy trình sản xuất nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.

Ngoài ra, còn có dự án nhà máy Jakob Sài Gòn tại Tân Uyên với gần 40% diện tích được phủ xanh và hệ thống năng lượng mặt trời giúp giảm khí thải và tiết kiệm năng lượng.

Các khu công nghiệp ở Bình Dương cũng tích cực triển khai các hệ thống quản trị thông minh, không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và nước sạch.

Nhà máy LEGO đã hoàn thành 90% các hạng mục xây dựng và lắp đặt tại Bình Dương.
Nhà máy LEGO đã hoàn thành 90% các hạng mục xây dựng và lắp đặt tại Bình Dương.

Đồng Nai cũng đang thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp sinh thái, đặc biệt là tại khu công nghiệp Amata. Tại đây, các doanh nghiệp tập trung vào tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm và nâng cao hiệu quả sản xuất. Chính sách ưu đãi về thuế và đất đai của tỉnh đã thu hút một lượng lớn vốn đầu tư vào các ngành công nghệ cao và công nghiệp sạch.

Trong khi đó, Tây Ninh tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao với mục tiêu đến năm 2030, 50% giá trị sản phẩm nông nghiệp sẽ ứng dụng công nghệ cao. Khu chăn nuôi DHN Tây Ninh là một ví dụ điển hình, ứng dụng công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng an toàn.

Theo ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus, tập đoàn chọn Tây Ninh là trọng điểm đầu tư nhờ có lợi thế lớn về vị trí chiến lược như gần các quốc gia trong khu vực và cơ sở hạ tầng giao thông phát triển. Đây là yếu tố then chốt giúp tỉnh thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, góp phần tạo ra chuỗi cung ứng bền vững.

KHAN HIẾM NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO

Một trong những chiến lược quan trọng tại Bình Dương là phát triển năng lượng mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp.

Bình Dương đặt mục tiêu đạt 1.497 MW điện mặt trời vào năm 2030 và 5.359 MW vào năm 2050, nhằm giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và bảo vệ môi trường. Các khu công nghiệp thông minh ở Bình Dương cũng áp dụng công nghệ tự động hóa để tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu chi phí và tăng năng suất.

Để khu vực Đông Nam Bộ nói chung thực sự phát triển bền vững, yếu tố quan trọng nhất là con người. Mặc dù tỷ lệ lao động qua đào tạo của khu vực hiện nay đã đạt khoảng 70%, nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế như các ngành công nghiệp sáng tạo và công nghệ cao.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Đông Nam Bộ đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ, với GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD/năm. Tuy nhiên, khu vực này vẫn đối mặt với thách thức lớn trong việc vượt qua "bẫy thu nhập trung bình" để tiếp tục phát triển.

Để vượt qua thách thức này, Đông Nam Bộ cần phải chuyển mình mạnh mẽ từ nền kinh tế sản xuất truyền thống sang nền kinh tế tri thức. Trong đó, công nghệ, đổi mới sáng tạo và giáo dục đóng vai trò quyết định để nâng cao giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp.

Chính vì vậy, các tỉnh Đông Nam Bộ đang tập trung vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo các kỹ sư công nghệ, chuyên gia về nông nghiệp công nghệ cao, tự động hóa và các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D).

Mặt khác, TP.HCM đang tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số với sự vận hành của Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 (C4IR), là nơi ứng dụng các công nghệ tiên tiến như AI, IoT, và công nghệ sinh học. Trung tâm sẽ giúp các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, tạo động lực cho cả khu vực Đông Nam Bộ phát triển bền vững.

Theo Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đông Nam Bộ sẽ phát triển theo hướng kinh tế số, xanh và tuần hoàn, kết nối các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ và logistics với các hành lang giao thông hiện đại.

Tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ 5 ngày 2/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị khu vực Đông Nam Bộ phấn đấu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025 để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Với các chiến lược phát triển công nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo và bảo vệ môi trường, Đông Nam Bộ đang vững vàng trên con đường trở thành một hình mẫu của sự phát triển bền vững trong nền kinh tế Việt Nam.