08:21 19/10/2024

Vùng Đông Nam Bộ tháo gỡ điểm nghẽn, tăng tốc giải ngân đầu tư công

Thanh Thủy

Đến nay, vùng Đông Nam Bộ mới chỉ giải ngân hơn 45.594 tỷ đồng vốn đầu tư công đạt 35,46% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân cả nước. Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu các địa phương trong vùng cần phải đánh giá sát hơn, có giải pháp quyết liệt hơn để thực hiện các mục tiêu đã đề ra….

Vùng Đông Nam Bộ phấn đấu tăng tốc giải ngân đầu tư công - Ảnh minh họa.
Vùng Đông Nam Bộ phấn đấu tăng tốc giải ngân đầu tư công - Ảnh minh họa.

Sáng 17/10, Phó Thủ tướng Lê Thành Long - Tổ trưởng Tổ công tác số 3 của Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đã có buổi làm việc với các tỉnh, thành phố: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu.

GIẢI NGÂN VÙNG ĐÔNG NAM BỘ CÒN THẤP

Năm 2024, Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao cho 6 địa phương trong vùng Đông Nam Bộ gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước là hơn 128.580 tỷ đồng.

Theo số liệu giải ngân của Bộ Tài chính, tổng số vốn ước giải ngân đến 30/9 của 6 địa phương trong vùng là hơn 45.594 tỷ đồng, đạt 35,46% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân cả nước là 47,29%.

Trong đó, 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình cả nước là TP.HCM (hơn 16.870 tỷ đồng, đạt 21,29%), Bình Phước (hơn 1.780 tỷ đồng, đạt 32,27%) và Đồng Nai (hơn 5.840 tỷ đồng, đạt 46,77%); 3 địa phương có tỉ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình cả nước là Bà Rịa – Vũng Tàu (hơn 11.000 tỷ đồng, đạt 93,75%), Tây Ninh (hơn 2.370 tỷ đồng, đạt 56,87%), Bình Dương (7.630 tỷ đồng, đạt 49,95%).

Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, những khó khăn, vướng mắc này mang tính "truyền thống" của các địa phương khác nhau trong cả nước. Đó là khó, vướng trong giải phóng mặt bằng khiến kéo dài thời gian thực hiện dự án; các vấn đề liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, vướng luật, thiếu vật liệu xây dựng;…

Với mức giải ngân thấp hơn bình quân cả nước, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ cần phải đánh giá sát hơn, có giải pháp quyết liệt hơn để thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

Đồng thời, các địa phương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đánh giá sát hơn nữa khó khăn vướng mắc, những gì thuộc thẩm quyền của mình phải cố gắng, quyết liệt tháo gỡ hơn.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương chú trọng công tác phối hợp của các cơ quan, năng lực điều phối, trách nhiệm của những người thực thi công vụ trong giai đoạn hiện nay, nhất là năng lực của các ban quản lý dự án.

TP.HCM PHẤN ĐẤU GIẢI NGÂN TỪNG NGÀY

Năm 2024, Chính phủ giao kế hoạch vốn cho TP.HCM là 79.263 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, Thành phố mới chỉ giải ngân 16.871 tỷ đồng, chiếm 21,29%. Tỷ lệ này rất thấp so với kế hoạch của Thành phố và mức trung bình chung của cả nước.

Lý giải nguyên nhân giải ngân đạt thấp, theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi là do đặc thù của Thành phố là vốn lớn và chậm bố trí nguồn vốn trong trung hạn nên công tác chuẩn bị đầu tư chậm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Vũ Phong.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Vũ Phong.

Ngoài ra là do công tác giải phóng mặt bằng; có một số trường hợp chậm là do phải chờ các luật sửa đổi như Luật Đấu thầu, Luật Đất đai,…

“Dù vậy, vẫn có những  nguyên nhân chủ quan như  điều hành của Ủy ban nhân dân Thành phố trong việc đề xuất bổ sung vào trung hạn vốn, vào kế hoạch vốn hằng năm cũng bị chậm”, ông Mãi nhìn nhận.

Bên cạnh đó, trách nhiệm, sự phối hợp của các sở, ngành trong giải quyết các thủ tục về chuẩn bị dự án và triển khai dự án, mất nhiều thời gian. Công tác quy hoạch, công tác đất đai, các thủ tục khác khi đi vào chi tiết như giấy phép môi trường, đánh giá tác động môi trường, điều chỉnh quy hoạch 1/500, 1/2000 mất đến hàng tháng.

Về các giải pháp để giải ngân gần 63.000 tỷ đồng còn lại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết Thành phố đã chia thành các nhóm để giải quyết.

Nhóm thứ nhất dành cho giải phóng mặt bằng chiếm khoảng 30.000 tỷ đồng. Trong số này, qua rà soát thì khả năng Thành phố sẽ giải ngân được trên 28.000 tỷ đồng, nằm ở 3 dự án lớn là dự án rạch Xuyên Tâm với 13.245 tỷ đồng; dự án Bờ Bắc - kênh Đôi với 5.465 tỷ đồng và dự án đường Vành đai 2 là 7.567 tỷ đồng.

“Ba dự án này tổng cộng 26.277 tỷ đồng, cộng với vốn giải phóng mặt bằng các dự án khác nữa là khoảng trên dưới 3.000 tỷ đồng. Như vậy, Thành phố sẽ gỡ được gần 30.000 tỷ đồng”, ông Mãi cho biết.

Nhóm thứ hai là các dự án chuyển tiếp đang đúng tiến độ thì Thành phố sẽ giải ngân được khoảng 9.600 tỷ đồng.

Nhóm thứ ba là nhóm khởi công mới thì có thể giải ngân được 8.000 tỷ đồng.

Nhóm cuối cùng, đó là nhóm có 2 dự án lớn đang vướng mắc. Dự án thứ nhất là chống ngập 10.000 tỷ đồng. Ông Mãi cho biết năm 2023, Thành phố bố trí trong kế hoạch vốn để thanh toán cho chủ đầu tư là 6.700 tỷ đồng nhưng cuối cùng không thanh toán được đồng nào. Năm nay, Thành phố bố trí 6.800 tỷ đồng và khả năng cũng không thanh toán được.

Theo ông Mãi, nguyên nhân là do chưa hoàn thiện được pháp lý thì đối với dự án chống ngập này và Thành phố đã có đề xuất lên Thủ tướng các giải pháp để thanh toán cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, 6.800 tỷ đồng này về cơ bản là không giải ngân được trong năm nay và phải điều chuyển sang các dự án khởi công mới.

Dự án thứ 2 là Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) với khoảng 3.700 tỷ đồng thì qua rà soát lại, khả năng Thành phố sẽ giải ngân được trong năm nay.

Đối với nhóm vướng mắc về quy hoạch của Thành phố nằm rải rác ở 57 dự án, ông Mãi cho biết vừa rồi Thành phố đã gỡ vướng được các dự án, hiện còn một số dự án với khoảng 4.600 tỷ đồng Thành phố sẽ tập trung giải quyết và giải ngân được.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết: “Cho đến giờ này, Thành phố vẫn kiên trì chỉ tiêu mặc dù phải tính từng ngày để có thể đạt được mục tiêu đó. Thành phố hiểu rằng sẽ rất khó đạt được mục tiêu giải ngân 95% nhưng sẽ phấn đấu điều hành ở mức từ 80 - 90%”.