07:02 17/11/2023

Ngày càng nhiều doanh nghiệp bất động sản chú trọng phát triển dự án xanh

Phan Nam

Theo Bộ Xây dựng, lĩnh vực xây dựng, bất động sản tiêu thụ khoảng 37 - 40% tổng tiêu thụ năng lượng và phát thải trên 30% tổng lượng khí nhà kính. Do đó, phát triển công trình xanh, công trình phát thải ròng bằng không đã và đang là một trong những ưu tiên của của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Phát biểu tại Hội thảo “Phát triển bền vững và Hành động của chúng ta” do báo Đầu tư tổ chức ngày 16/11, nhiều đại biểu cho rằng việc phát triển các dự án bất động sản xanh tại Việt Nam đang gặp không ít khó khăn song cũng có rất nhiều cơ hội. Cơ hội rõ nét nhất là sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự hưởng ứng nhiệt tình của ngày càng nhiều doanh nghiệp bất động sản.

DOANH NGHIỆP TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC ĐỀU ĐÃ “VÀO CUỘC”

Ông Wong Wai Foo, Giám đốc bộ phận Tái tạo đô thị bền vững, Tập đoàn Keppel tại Việt Nam, nhận định: Chính phủ Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu tham vọng và các tiêu chuẩn bền vững cho ngành xây dựng và lĩnh vực bất động sản, bao gồm cả việc giảm lượng khí thải carbon. Tại Keppel, bộ phận bất động sản đang thực hiện nhiều biện pháp khác nhau như loại bỏ dần việc sử dụng các thiết bị chạy bằng dầu diesel không cần thiết, đặt mục tiêu đạt được các chứng nhận công trình xanh cho các dự án thương mại mới, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của các tòa nhà hiện hữu bằng cách tối ưu hoá năng lượng, chiến lược số hóa thông tin, tối đa hóa năng lượng tái tạo tại chỗ và mua chứng chỉ năng lượng tái tạo.

Keppel cũng đang xem xét việc tăng cường sử dụng các vật liệu và sản phẩm có nhãn xanh và ít khí thải. Ngoài ra, Keppel cũng đang triển khai công nghệ SUR (Tái tạo đô thị bền vững) tại các dự án của mình và sẽ hợp tác với các đối tác tốt nhất trong nước và quốc tế để tiến hành ứng dụng các giải pháp đô thị sáng tạo như an ninh và di chuyển thông minh cũng như các giải pháp cơ sở hạ tầng môi trường vào các dự án để biến các dự án này tiết kiệm năng lượng hiệu quả hơn.

“Chúng tôi tin rằng tái tạo đô thị bền vững là một giải pháp đầy hứa hẹn, khi Việt Nam hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net zero)”, ông Wong Wai Foo nói.

Cùng chia sẻ về hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực này, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phuc Khang Corporation, khẳng định: “Với Phúc Khang, các yếu tố ESG (môi trường - xã hội và quản trị doanh nghiệp) không còn là sự lựa chọn, mà đã trở thành xu hướng tất yếu trong hành trình phát triển. Chúng tôi luôn theo sát và cam kết hành động dựa trên 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Các hoạt động cụ thể về từng khía cạnh môi trường, xã hội và quản trị đã được triển khai cụ thể tại Tập đoàn. Trong đó, nổi bật là việc áp dụng kinh tế tuần hoàn vào hoạt động kinh doanh, sản phẩm bất động sản được đăng ký và thực hiện theo các chứng nhận công trình xanh quốc tế, tổ chức các chương trình, hội thảo về công trình xanh…".

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Hội thảo “Phát triển bền vững và Hành động của chúng ta” 
Các đại biểu tham gia thảo luận tại Hội thảo “Phát triển bền vững và Hành động của chúng ta” 

Nhận định chung về sự quan tâm của các doanh nghiệp tới ESG, tại báo cáo mới đây nhất, Savills cho biết hiện có hơn 85% công ty thuộc nhóm các doanh nghiệp phát triển nhanh nhất tại Việt Nam đã và đang tham gia cam kết về ESG. Điều này giúp thúc đẩy nhu cầu đang tăng vọt đối với văn phòng đáp ứng tiêu chuẩn xanh. Tại Hà Nội, từ nay tới cuối năm 2025, thị trường đón nhận thêm khoảng 68.400 m2 không gian văn phòng xanh từ các dự án 27-29 Lý Thái Tổ, Grand Terra hay Tiến Bộ Plaza... Còn tại TP.HCM, hơn 80% nguồn cung hạng A và B của thành phố trong tương lai dự kiến đều có chứng nhận xanh.

SỐ LƯỢNG CÔNG TRÌNH XANH TĂNG NHƯNG VẪN CÒN HẠN CHẾ

Theo ông Paul Tostevin, Giám đốc Savills World Research, các nhà đầu tư toàn cầu đang quan tâm nhiều hơn đến ESG. Vì vậy, nhằm tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, Việt Nam cần đề ra một kế hoạch phát triển toàn diện bao gồm các biện pháp môi trường bền vững. Cùng với đó là những tiêu chuẩn bền vững về xã hội, đảm bảo quá trình phát triển dự án có các biện pháp an toàn, chính sách bảo vệ người lao động, quá trình di dân, giải phóng mặt bằng...

"Đây sẽ là yêu cầu trên toàn cầu đối với các nhà đầu tư, khi họ chuyển đến thị trường mới để mua tài sản hoặc phát triển dự án thì nơi đó cần đạt các tiêu chí rõ ràng. Khi đề cập đến ESG, nếu địa điểm đó không đạt được những yêu cầu cơ bản trong chính sách phát triển của doanh nghiệp, họ không thể đầu tư. Vì vậy, yếu tố ESG sẽ tiếp tục lan rộng và ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của ngành bất động sản. Các quốc gia cần xây dựng chính sách và nền tảng luật tạo sự minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài", ông Paul Tostevin nói.

Mặc dù vậy, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, Việt Nam chưa có quy định bắt buộc áp dụng đối với công trình xanh, việc phát triển công trình xanh được thực hiện theo hình thức tự nguyện, khuyến khích. Qua hơn 15 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện đạt khoảng trên 300 công trình với tổng diện tích khoảng trên dưới 7,2 triệu m2 sàn xây dựng. Các loại hình công trình xanh đã mở rộng từ công trình văn phòng, trụ sở cơ quan đến khách sạn, trung tâm thương mại, trường học, nhà xưởng công nghiệp… Số lượng công trình xanh dù đã tăng lên đáng kể hàng năm nhưng so với tổng số công trình được xây dựng thì con số này còn khá khiêm tốn.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, việc phát triển công trình xanh trong thời gian qua đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Ngoài tác động của đại dịch Covid-19, sự phát triển chậm lại của thị trường bất động sản, các chủ đầu tư dự án công trình xanh còn gặp những khó khăn về: tiếp cận và đảm bảo nguồn vốn đầu tư tăng thêm cho dự án, công trình để đáp ứng tiêu chuẩn xanh; thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật có đủ trình độ trong lập dự án, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý vận hành công trình xanh.

Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có quy định bắt buộc dán nhãn, đánh giá chứng nhận các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng để đưa vào sử dụng trong công trình. Do vậy, cần có cơ chế chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế ưu đãi, tín dụng xanh, tài chính xanh… nhằm tạo điều kiện thuận lợi, dỡ bỏ các rào cản, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển công trình xanh ở nhiều loại hình, cấp độ, quy mô công trình ở tất cả các địa phương trong cả nước.

Từ kinh nghiệm của Singapore, ông Wong Wai Foo cho rằng để ngành bất động sản đạt được mục tiêu net zero, các nhà làm chính sách cần phải xây dựng quy hoạch, lộ trình rõ ràng, đặc biệt là cần có nguồn tài chính nhằm khuyến khích, tạo điều kiện xây dựng, vận hành các toà nhà xanh…

 

Theo IFC, trung bình, một công trình xanh tiết kiệm được khoảng 20% điện năng và 40% lượng nước sạch so với công trình bình thường. Với việc xây dựng và vận hành theo hướng giảm thiểu tác động đến môi trường, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, công trình xanh còn cung cấp môi trường sống và làm việc tốt cho người sử dụng. Nhờ đó, giá bán và giá cho thuê của công trình xanh đều có xu hướng cao hơn công trình bình thường. Vì vậy, công trình xanh không chỉ mang lại lợi ích về môi trường, sức khỏe cộng đồng mà còn là cơ hội giúp doanh nghiệp tạo được lợi thế cạnh tranh bền vững.