Đồng thuận bố trí thêm 2 làn riêng cho xe máy, mở rộng 3 cầu lớn trên Vành đai 4 Hà Nội
Bộ Giao thông vận tải đồng thuận việc mở rộng mặt cắt ngang ba cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở và cầu Hoài Thượng thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô từ 17,5m lên 24,5m bằng việc bố trí thêm 2 làn phục vụ các phương tiện xe máy và thô sơ...
Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn gửi UBND TP. Hà Nội, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội tham gia ý kiến đối với một số nội dung liên quan đến thiết kế dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô.
Được biết, dự án đường Vành đai 4 sẽ có 3 cầu vượt vượt sông, gồm: 2 cầu vượt sông Hồng là cầu Hồng Hà (dài 5.023m) và cầu Mễ Sở (dài 2.674m); cầu Hoài Thượng vượt qua sông Đuống (dài 990m).
XEM XÉT SỰ CẦN THIẾT, CHI PHÍ BỐ TRÍ THÊM 2 LÀN PHỤC VỤ XE MÁY, XE THÔ SƠ
Cụ thể, liên quan đến đề xuất điều chỉnh mặt cắt ngang cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở và cầu Hoài Thượng, Bộ Giao thông vận tải cho biết theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được Quốc hội thông qua các cầu nêu trên có bề rộng cầu là 17,5m.
Tuy nhiên, trong hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội gửi Bộ Giao thông vận tải tham gia ý kiến, đã đề xuất điều chỉnh bề rộng cầu từ 17,5m thành 24,5m thông qua việc bố trí thêm 2 làn có giải phân cách để phục vụ các phương tiện xe máy và thô sơ qua cầu kết nối giữa hai bờ sông.
Trước đề xuất này, Bộ Giao thông vận tải đánh giá việc việc mở rộng mặt cắt ngang các cầu nêu trên là cơ bản phù hợp, sẽ tiết giảm được chi phí xây dựng do không phải xây dựng thêm đơn nguyên cầu độc lập để kết nối hai đường song hành.
Đồng thời, tăng tính mỹ quan công trình, tạo thuận lợi về giao thông kết nối khu vực hai bên sông và đảm bảo khai thác đồng bộ, hiệu quả tuyến đường Vành đai 4.
Tuy nhiên, để có cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội, tư vấn thiết kế kiểm tra, rà soát, bổ sung số liệu điều tra về điều kiện giao thông khu vực, việc tổ chức giao thông giữa làn xe thô sơ và làn xe cơ giới… làm cơ sở xác định sự cần thiết phải bố trí làn đường phục vụ xe máy, thô sơ trên mặt cắt ngang cầu.
Cùng với đó, nghiên cứu kỹ giải pháp thiết kế có tính đến giai đoạn hoàn chỉnh nhằm đảm bảo an toàn, thuận lợi cho các phương tiện khi tham gia giao thông.
Đồng thời, theo hồ sơ do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội gửi chưa có dự kiến chi phí cho việc điều chỉnh mặt cắt ngang cầu nêu trên, do vậy, Bộ Giao thông vận tải đề nghị ban và tư vấn thiết kế rà soát, tính toán, dự kiến chi phí điều chỉnh bổ sung, làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, đảm bảo nguyên tắc không vượt sơ bộ tổng mức đầu tư dự án đã được Quốc hội thông qua.
RÀ SOÁT VIỆC BỔ SUNG NÚT GIAO
Về vị trí, thiết kế các nút giao liên thông, các nhánh lên xuống, các nút quy hoạch trên toàn tuyến, Bộ Giao thông vận tải cho biết theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, dự án được thiết kế với 8 nút giao liên thông.
Trong đó, TP. Hà Nội có 5 nút giao (cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Trục Mê Linh, Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ.6, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ); tỉnh Hưng Yên có 1 nút giao (cao tốc Hà Nội – Hải Phòng); tỉnh Bắc Ninh có 2 nút giao (Quốc lộ.38, cao tốc Nội Bài – Hạ Long).
Bên cạnh đó sẽ hoàn thiện nút giao Tây Nam thuộc tỉnh Bắc Ninh; 8 nút tách nhập (nhánh lên xuống): Quốc lộ.32, Trục Nam Hà Nội, Đường di sản văn hóa Hưng Yên, Đường tỉnh.385, Quốc lộ.217, các vị trí đầu cầu Hồng Hà, Mễ Sở, Hoài Thượng.
Các nút giao quy hoạch sẽ được rà soát cập nhật và thỏa thuận với các cơ quan thẩm quyền trong bước báo cáo nghiên cứu khả thi.
Theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị tham gia ý kiến, trong giai đoạn phân kỳ dự án được thiết kế gồm 8 nút giao liên thông và hoàn thiện nút giao Tây Nam thuộc tỉnh Bắc Ninh tuân thủ theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Đồng thời, điều chỉnh các vị trí tách nhập (nhánh lên xuống) so với bước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho phù hợp với thực tế và thỏa thuận với các địa phường gồm 7 nút tách nhập tại các vị trí như sau: Cầu Hồng Hà (đê Hữu Hồng), Cầu Mễ Sở (đê Hữu Hồng), đường trục di sản Hưng Yên, Đường tỉnh.379, Quốc lộ.5, Quốc lộ.17, Quốc lộ.38 mới; dự kiến các nút giao quy hoạch được tư vấn thiết kế rà soát, cập nhật và đã được thỏa thuận với các địa phương được đầu tư bằng nguồn vốn khác gồm 07 nút giao tại các vị trí như sau: Quốc lộ.32, Hồ Tây – Ba Vì, Ngọc Hồi – Phú Xuyên, Đường tỉnh.385, Đường tỉnh.283, Đường tỉnh.276, Đường tỉnh.282B.
Trên cơ sở đề xuất của Ba Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội và tư vấn thiết kế trong bước báo cáo nghiên cứu khả thi, việc bố trí 8 nút giao liên thông và hoàn chỉnh nút giao Tây Nam (tỉnh Bắc Ninh) với khoảng cách trung bình 9,42km/nút giao liên thông là cơ bản phù hợp với quy định tại mục 8.4.2 của Tiêu chuẩn TCVN 5729-2012.
Hiện nay, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội đang đề xuất quy hoạch bổ sung thêm 7 nút giao liên thông (TP. Hà Nội: 3 nút; tỉnh Hưng Yên 1 nút; tỉnh Bắc Ninh 3 nút) không sử dụng nguồn vốn của dự án.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải đánh giá một số vị trí đề nghị bổ sung nút giao như: nút giao Hồ Tây - Ba Vì (Km24+300) cách nút giao Quốc lộ 32 liền kề khoảng 3,9km; nút giao Đường tỉnh.283 cách nút giao Đường tỉnh.385 liền kề khoảng 1,9km thì khoảng cách giữa hai nút giao liên thông là chưa phù hợp theo khuyến cáo tại điều 8.4.2 của Tiêu chuẩn TCVN 5729-2012 trong trường hợp áp dụng đối với “phạm vi xung quanh các thành phố lớn và các khu công nghiệp quan trọng thì khoảng cách này có thể bố trí từ 5km đến 10km”.
Ngoài ra, việc bố trí nhiều nút giao liên thông gần nhau sẽ tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc giao thông.
Bộ Giao thông vận tải đề nghị Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội kiểm tra, rà soát nhu cầu vận tải đối với từng nút giao liên thông (kể cả các nút giao đề xuất quy hoạch bổ sung) để lựa chọn phương án thiết kế phân kỳ và hoàn chỉnh cho phù hợp đảm bảo tuân thủ quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo tính kinh tế - kỹ thuật và tuân thủ quy định về khoảng cách giữa các nút giao liên thông tại mục 8.4 Tiêu chuẩn TCVN 5729-2012.
“Đồng thời, đề nghị tư vấn thiết kế nghiên cứu kỹ các giải pháp thiết kế tại các vị trí bố trí các làn tách, nhập (nhánh lên xuống) vào đường cao tốc cho phù hợp nhằm đảm bảo an toàn, thuận tiện cho các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc”, Bộ Giao thông vận tải nêu quan điểm.
Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô dài 112,8 km, đi qua ba tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh với tổng mức đầu tư sơ bộ 85.800 tỷ đồng. Dự án chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, khởi công tháng 6/2023, dự kiến hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.