Bộ Giao thông vận tải đề nghị tuyệt đối không chuyển nhượng thầu, bán thầu trái phép
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm nội dung hợp đồng đã ký kết, vi phạm sử dụng nhà thầu phụ hay chuyển nhượng thầu trái quy định pháp luật, nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án giao thông....
Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị được Bộ giao là đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Sở Giao thông vận tải các địa phương, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam; Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trong triển khai, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng do Bộ Giao thông vận tải quyết định đầu tư.
YÊU CẦU TUÂN THỦ NGHIÊM VIỆC CHỌN NHÀ THẦU
Bộ Giao thông vận tải đánh giá thời gian qua, các cơ quan, đơn vị được giao thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án đường bộ cao tốc đã có nhiều nỗ lực, đảm bảo chất lượng, phát huy được hiệu quả đầu tư.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải chỉ rõ một số hạn chế vẫn còn tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn nguyên vật liệu, hệ thống định mức, tiến độ...
Do đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, thực hiện các dự án tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
Đồng thời, thực hiện nghiêm các chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải liên quan đến công tác quản lý chất lượng, tiến độ thi công, siết chặt kỷ cương, trách nhiệm trong quản lý đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
“Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu. Thực hiện đúng quy định đối với việc lập, thương thảo và ký hợp đồng, đảm bảo chặt chẽ, đầy đủ và rõ ràng các điều khoản về quyền, trách nhiệm của các bên có liên quan, nhất là đối với nội dung điều chỉnh giá", Bộ Giao thông vận tải đề nghị.
Cùng với đó, quản lý chặt chẽ việc thực hiện hợp đồng đã ký kết, thường xuyên kiểm tra, rà soát danh sách toàn bộ nhà thầu chính, thầu phụ, giá trị và nội dung hợp đồng, các hợp đồng thuê nhân công, thiết bị, các đơn vị, tổ đội đã và đang tham gia thực hiện các dự án trên công trường.
"Kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của hợp đồng, của pháp luật đối với các nhà thầu vi phạm sử dụng nhà thầu phụ, chuyển nhượng thầu…, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chuyển nhượng thầu trái pháp luật”, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu.
Nhằm tăng cường quản lý công tác lựa chọn nhà thầu, Bộ Giao thông vận tải cũng giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng chủ trì làm việc với Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch Đầu tư) để làm rõ các căn cứ, quy định liên quan đến hành vi chuyển nhượng thầu trái quy định pháp luật (nếu cần) làm cơ sở kiểm tra, giám sát.
Trên cơ sở thông tin do các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, doanh nghiệp dự án báo cáo, Cục Quản lý xây dựng phải tăng cường công tác kiểm tra, tham mưu Bộ xử lý hoặc chỉ đạo xử lý nghiêm đối với các nhà thầu vi phạm nội dung hợp đồng đã ký kết, theo đúng quy định pháp luật.
Cùng với đó, "phải tăng cường kiểm tra, giám sát công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, hồ sơ thiết kế kỹ thuật, hồ sơ mời thầu của các chủ đầu tư để lựa chọn các nhà thầu có năng lực phù hợp với yêu cầu của công trình, dự án, bảo đảm dự toán tính đúng, tính đủ, giảm thiểu tối đa việc điều chỉnh, bổ sung, phát sinh trong quá trình thực hiện”, văn bản nêu rõ.
Thực tế cho thấy vấn nạn chia nhỏ gói thầu, bán thầu tràn lan ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng của công trình như dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Tổng công ty cổ phần Sông Hồng sử dụng thầu phụ không đúng quy định tại Gói thầu số 9 thuộc dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh, đoạn qua tỉnh Đắk Lắk...
GIÁM SÁT CHẶT NHÀ THẦU, ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH
Để các dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng theo yêu cầu, Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của địa phương trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục cấp phép, gia hạn giấy phép, nâng công suất khai thác mỏ vật liệu đảm bảo đúng quy định của pháp luật, rà soát các phương án tận dụng vật liệu trong quá trình thi công.
“Quá trình quản lý, giám sát, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhà thầu sử dụng các vật liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng đưa vào thi công tại các dự án, công trình”, Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.
Đồng thời, công tác tạm ứng, thanh toán của các nhà thầu chính cho các nhà thầu phụ phải kịp thời, đúng quy định nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án.
“Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải tăng cường công tác quản lý về chất lượng công trình; chất lượng hồ sơ quản lý chất lượng thi công, nghiệm thu; trình tự thủ tục, hồ sơ pháp lý các hạng mục điều chỉnh, bổ sung, phát sinh trong quá trình thi công; chỉ đạo các đơn vị tham gia thực hiện dự án đẩy nhanh việc lập, trình hồ sơ điều chỉnh, bổ sung, phát sinh làm cơ sở triển khai thi công, nghiệm thu, thanh toán theo đúng quy định.
Việc nghiệm thu, thanh, quyết toán, đưa công trình vào khai thác, sử dụng, phải đảm bảo đầy đủ, đúng với thực tế thi công.
"Công tác điều hành hành phải quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm giữa các bộ phận, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ; tăng cường công tác quản lý, giám sát nhà thầu trong quá trình thực hiện dự án, tuyệt đối không lặp lại những hạn chế, thiếu sót đã được chỉ ra qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán”, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo.
Đối với Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu rà soát, thống kê, tổng hợp đề xuất của các chủ đầu tư về danh mục định mức cần xây dựng mới, điều chỉnh, làm việc, thỏa thuận với Bộ Xây dựng làm cơ sở tổ chức xây dựng, điều chỉnh định mức để ban hành, đảm bảo tính hiệu quả, kinh tế, phù hợp điều kiện thực tế của các dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc.