15:08 17/02/2023

Dự án đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành: Làm rõ khả năng bố trí quỹ đất

Xuân Nghi

Cần tiếp tục nghiên cứu kỹ, phân tích các số liệu đầu vào để làm rõ sự cần thiết đầu tư dự án. Phân tích rõ sự phù hợp của dự án đối với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch, hiện trạng khu vực thực hiện dự án, ảnh hưởng và tác động về vận tải dự án có liên quan.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban quản lý Dự án đường sắt, đơn vị tư vấn cần làm rõ khả năng bố trí quỹ đất của dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban quản lý Dự án đường sắt, đơn vị tư vấn cần làm rõ khả năng bố trí quỹ đất của dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành.

Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Ban quản lý Dự án đường sắt, đơn vị tư vấn làm rõ nhiều nội dung trong báo cáo đầu kỳ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, nhất là về quy hoạch sao cho bảo đảm phù hợp, đồng bộ. 

Các nội dung cần làm rõ theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải bao gồm: Tốc độ thiết kế, khả năng bố trí quỹ đất cho dự án và phương án hướng tuyến của dự án. Theo đó, đơn vị nghiên cứu cần lựa chọn khung tiêu chuẩn áp dụng; đồng thời bổ sung phân tích, luận chứng khoa học (cả định tính và định lượng) trong việc đề xuất lựa chọn tốc độ (vận tốc tối đa 80 km/h; vận tốc khai thác 60 km/h).

Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành hiện vẫn đang được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đô thị liên vùng. Cụ thể, tuyến thuộc hành lang giao thông có “độ nén”, tập trung nhiều dự án giao thông lớn như tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, sân bay quốc tế Long Thành, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án Vành đai 4, tuyến Metro số 2 TP.HCM,...

Bộ Giao thông vận tải cũng nói rõ: Tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có chức năng vận chuyển hành khách như một tuyến đường sắt đô thị nhưng kết nối liên vùng. Vì tầm quan trọng của tuyến nên dự án được nghiên cứu vấn đề kết nối với mạng lưới đường sắt quốc gia nhằm phát huy công năng. Việc nghiên cứu dự án vì vậy cần được xem xét một cách toàn diện nhằm bảo đảm hiệu quả, tính khả thi.

Tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành nối TP.HCM với sân bay Long Thành, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg năm 2021, là dự án trong danh mục dự án quan trọng quốc gia, ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2030. Dự án này được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đô thị liên vùng, được xây dựng với tổng đầu tư dự kiến 40.500 tỷ đồng.

Về quy mô, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành được quy hoạch dài 38 km, ray khổ đôi 1.435 mm, kết nối giữa sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) và Thủ Thiêm (TP.HCM), chủ yếu phục vụ vận tải hành khách giữa trung tâm TP.HCM với sân bay quốc tế Long Thành. Tuyến kết nối với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam tại Thủ Thiêm.

Ga Biên Hòa. Ảnh minh họa.
Ga Biên Hòa. Ảnh minh họa.

Theo kế hoạch dự kiến, toàn tuyến dự án đường sắt nhẹ này có 20 ga. Tuyến có điểm đầu là ga Thủ Thiêm (phường An Phú, quận 2, nay là TP. Thủ Đức, TP.HCM), điểm cuối là ga cảng hàng không quốc tế Long Thành. Chiều dài tuyến là 37,35 km, gồm qua TP.HCM 11,8 km và qua Đồng Nai 25,55 km.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban quản lý Dự án đường sắt, đơn vị tư vấn nghiên cứu toàn diện nhằm bảo đảm hiệu quả, tính khả thi. Dự kiến báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sẽ hoàn thành trong năm 2023, trình cấp có thẩm quyền trong năm 2024.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 5241/VPCP-CN ngày 16/8/2022 truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về việc giao cơ quan có thẩm quyền đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và Thủ Thiêm - Long Thành.

Theo đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thống nhất với Ủy ban nhân dân các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM và các cơ quan liên quan về phương án đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và Thủ Thiêm - Long Thành theo đúng ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 1941/VPCP-CN ngày 30/3/2022 của Văn phòng Chính phủ.

 

Tỉnh Đồng Nai từng đề nghị được làm chủ đầu tư hai dự án đường sắt nói trên, cụ thể là làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên sau đó, tỉnh này đã có văn bản báo cáo Chính phủ xin không làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện hai dự án này. Thay vào đó, Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải là cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm với lý do “Tỉnh Đồng Nai không đủ thẩm quyền”.