Bộ Giao thông vận tải tìm cách tăng thị phần vận tải đường thủy nội địa, đường sắt năm 2023
Năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu tăng trưởng 7% sản lượng vận chuyển hàng hoá và 8% sản lượng hành khách. Cùng với đó, tiếp tục tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường thủy nội địa và đường sắt...
Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Một trong những chỉ tiêu được Bộ Giao thông vận tải đặt ra đó là khối lượng hàng hóa tính theo tấn tăng khoảng 7%, hành khách tăng khoảng 8% so với năm 2022; còn khối lượng luân chuyển hàng hóa (tấn.km) dự kiến tăng khoảng 8,5%, luân chuyển hành khách (hk.km) dự kiến tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2022.
TIẾP TỤC GIẢM THỊ PHẦN VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ
Bộ Giao thông vận tải đánh giá năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021- 2025, góp phần triển khai các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Trong bối cảnh tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định, nền kinh tế trong nước có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, Bộ Giao thông vận tải xác định trong năm 2023 cần tiếp tục quyết tâm, nỗ lực, đổi mới tư duy, phương thức thực hiện trên các mặt công tác của ngành giao thông vận tải để tận dụng mọi cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng và Quốc hội.
Về giải pháp quản lý vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải gắn với công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, Bộ Giao thông vận tải giao Vụ Vận tải việc tiếp tục triển khai các giải pháp tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường thủy nội địa và đường sắt.
Cùng với đó, chú trọng phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, giảm chi phí logistics; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành hoạt động vận tải.
Song song là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý vận tải.
Quản lý, khai thác hiệu quả các tuyến vận tải thủy, tuyến bờ ra đảo, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn phương tiện mang cấp VR-SB hoạt động trên biển, nhất là hoạt động vận tải hành khách tuyến từ bờ ra đảo.
"Nghiên cứu mở các đường bay nội địa và quốc tế mới; tăng cường điều phối hợp lý các slot tại các cảng hàng không, sân bay, đặc biệt là các cảng hàng không quốc tế Tân Sân Nhất, Nội Bài; triển khai các giải pháp giảm thiểu tình trạng chậm, huỷ chuyến", Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ.
Với đường sắt, triển khai kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội và tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện biểu đồ chạy tàu, giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải sắt.
"Tiếp tục duy trì kiểm soát tải trọng phương tiện. Tập trung kiểm soát phương tiện từ khâu xếp hàng, đón khách nhằm ngăn chặn các vi phạm từ gốc; giám sát, xử phạt nghiêm các vi phạm về bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, tình trạng xe dù, bến cóc, xe khách trá hình, chạy quá tốc độ…", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Ngoài ra, Vụ Vận tải phối hợp với các địa phương trong công tác quản lý phát triển giao thông đô thị hướng tới văn minh, hiện đại, thân thiện môi trường, ưu tiên giao thông công cộng làm nền tảng, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội.
Bộ Giao thông vận tải cũng giao Vụ Kế hoạch – Đầu tư chủ trì nhiệm vụ tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu nâng hạng nhóm chỉ số về hạ tầng đã đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
SẢN LƯỢNG VẬN TẢI PHỤC HỒI RÕ RỆT
Nhìn lại năm 2022, sản lượng các loại hình vận tải đều phục hồi, phát triển vượt bậc, chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ được đẩy mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, tiết kiệm chi phí xã hội.
Sản lượng vận tải hàng hóa năm 2022 đạt 2.009 triệu tấn, tăng 23,7% so với cùng kỳ; luân chuyển hàng hóa ước đạt 441,3 tỷ tấn.km, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Vận chuyển hành khách năm 2022 đạt 3.664 triệu lượt khách, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2021; luân chuyển hành khách đạt 171,8 tỷ hành khách.km, tăng 78,3% so với cùng kỳ.
Kết quả này cho thấy hoạt động vận tải năm 2022 phục hồi trên cả 5 lĩnh vực, trong đó, vận tải hành khách ngành hàng không và đường sắt tăng trưởng 3 con số. Vận tải đường sắt bắt đầu có lãi sau 2 năm liên tục thua lỗ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải tổ chức các buổi làm việc trực tuyến với các hiệp hội, doanh nghiệp và triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các giải pháp liên quan đến giảm cơ chế thuế, phí...