17:38 21/03/2022

Đường nhập lậu đang “ép” ngành sản xuất trong nước

Chu Khôi

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), lũy kế từ đầu vụ sản xuất đường 2021-2022 đến hết tháng 2/2022, toàn ngành đã ép được 3.845.000 tấn mía, sản xuất được 365.000 tấn đường…

Đường sản xuất trong nước vẫn đang bị chèn ép bởi đường lậu.
Đường sản xuất trong nước vẫn đang bị chèn ép bởi đường lậu.

Nhận định về xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cung – cầu đường và giá đường trên thế giới, các nhà phân tích quốc tế cho hay, Nga sản xuất 6 triệu tấn đường mỗi năm, do đó đã tự cung tự cấp kể từ năm 2016 và không còn là nhà nhập khẩu đường lớn.

Tuy nhiên, sản lượng hai vụ thu hoạch củ cải đường gần đây nhất là vụ 2020 – 2021 và 2021 - 2022 đều ở dưới mức trung bình và Nga đã cạn kiệt nguồn dự trữ đường.

GIÁ ĐƯỜNG TĂNG CAO

Theo phân tích dự báo từ Czarnikow, đến tháng 8 năm nay, dự trữ đường của Nga có thể giảm xuống dưới 10% mức tiêu thụ hàng năm. Hiện Chính phủ Nga đã áp đặt các biện pháp kiểm soát giá và tìm cách nhập khẩu đường.

Tuy nhiên, xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ ảnh hưởng đến việc vận chuyển tại khu vực này. Đồng thời, có một lỗ hổng khác trong kế hoạch tự cung tự cấp đường của Nga đó là nước này hiện nhập khẩu hơn 95% hạt giống củ cải đường.

Czarnikow cho hay, hạt giống cho vụ gieo trồng 2022 tại Nga đã được mua nhưng việc bảo đảm hạt giống củ cải đường cho năm 2023 trong bối cảnh hiện nay do các lệnh trừng phạt và xa hơn nữa sẽ rất khó khăn. Với những yếu tố đó, Czarnikow cho rằng ngày càng có khả năng Nga phải nhập khẩu đường để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.

 

"Các nhà máy đường nước ta đã tăng giá mua mía đến mức cao nhất trong 5 năm gần đây và tăng chi phí qua các biện pháp hỗ trợ nông dân nhằm khôi phục trồng mới vùng nguyên liệu khiến giá thành đường tăng so với vụ trước hầu như không thể cạnh tranh với đường nhập lậu và đường nhập khẩu, đành phải chấp nhận tồn kho không bán được hàng".

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA)

Theo thông tin từ Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), từ cuối tháng 2/2022 đến nay, giá đường trên thế giới chuyển tăng sau khi Nga chính thức bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine từ ngày 24/2. Cuộc chiến Nga - Ukraine và các động thái liên quan đến các hoạt động trừng phạt kinh tế đã gây ra những tác động khó lường đến nguồn cung đường trên thế giới, khiến giá mặt hàng này tăng. Hiện giá đường thô trên thế giới vẫn đang đứng ở mức cao nhất trong 4 năm gần đây.

Các nhà phân tích cho rằng, giá nhiên liệu tăng có thể khiến lượng đường xuất khẩu của Brazil - nhà cung cấp lớn nhất thế giới sẽ giảm đáng kể trong mùa vụ sắp tới khi Brazil ưu tiên sản xuất ethanol hơn so với sản xuất đường.

Tại thị trường Việt Nam, giá đường vẫn giữ ổn định trong tháng 2/2022 khi nhu cầu tiêu thụ giảm do dịch Covid – 19, trong khi nguồn cung dồi dào từ đường nhập khẩu chính ngạch và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam, cộng với đường từ vụ ép 2021 – 2022.

Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội Mía Đường Việt Nam (VSSA), trong tháng 2 tất cả các nhà máy của ngành đường Việt Nam đã vào vụ ép mía. Lũy kế đến cuối tháng 2 toàn ngành đã ép được 3.845.000 tấn mía, sản xuất được 365.000 tấn đường.

VSSA dự báo các nguồn cung đường dồi dào và sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 3 và các tháng kế tiếp, ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu và giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới.

NHẬP LẬU ĐƯỜNG VẪN DIỄN BIẾN PHỨC TẠP

Về nhập khẩu đường chính ngạch từ Thái Lan, theo số liệu của Cơ quan Hải quan Thái Lan, trong tháng 1/2022, xuất khẩu đường của Thái Lan tăng mạnh gấp đôi so với tháng 12 năm ngoái lên mức 556.902 tấn.

Thế nhưng riêng xuất khẩu đường chính ngạch từ Thái Lan sang Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2019 với chỉ 4.350 tấn trong tháng 1/2022, giảm 52,4% so với tháng 12 năm ngoái và giảm 24 lần so với con số 105.794 tấn của cùng kỳ năm ngoái.

Kể từ khi bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời từ tháng 2/2021 và chính thức bị áp thuế 5 năm kể từ giữa tháng 6/2021, xuất khẩu đường của Thái Lan vào Việt Nam đã liên tục giảm.

Theo VSSA, mặc dù đường chống bán phá giá và chống trợ cấp từ Thái Lan đã được ngăn chặn, nhưng trong thời gian qua lượng đường chính ngạch nghi ngờ gian lận xuất xứ từ các nước ASEAN cũng như đường nhập lậu vẫn tràn vào Việt Nam khiến ngành đường vẫn chưa thể phục hồi mạnh như mong đợi. 

Thực tế cho thấy, đường nhập lậu từ các tỉnh biên giới với Campuchia và Lào tràn về với số lượng lớn và giá thấp hơn cả giá đường nhập khẩu.

 

"Các vụ việc được phát hiện trên đây chỉ là phần rất nhỏ của các hoạt động thương mại đường nhập lậu, vì đường Thái Lan xuất hiện tràn ngập trên thị trường với giá rẻ (đây là điều không thể được đối với đường Thái Lan nhập chính ngạch có đóng thuế chống phá giá chống trợ cấp lên đến 47,64%)".

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA).

VSSA nêu lên nhiều dẫn chứng về việc các lực lượng chức năng liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu đường cát.

Tại Long An, ngày 16/2/2022, trên đường KT3 thuộc địa bàn xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, Đội quản lý thị trường số 2 đã phát hiện, bắt giữ xe ô tô tải do Trần Hoàng Tài, ngụ tại khu phố 3, thị trấn Vĩnh Hưng, Long An điều khiển, có hành vi vận chuyển 2,45 tấn đường cát do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. 

Ngày 22/2, cũng tại tuyến đường này, lực lượng chức năng tỉnh Long An đã bắt giữ 2 ô tô tải vận chuyển 10 tấn đường do nước ngoài sản xuất cũng không có hóa đơn chứng từ.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An, tháng 2/2022, các lực lượng chức năng Long An đã phát hiện, bắt giữ gần 46 tấn đường cát nhập lậu các loại.

Tại Quảng Trị, trong tháng 2, Đội Quản lý thị trường số 2 đã phối hợp với Đội Trinh sát đặc nhiệm Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị phát hiện và xử lý 4 vụ vận chuyển, kinh doanh đường cát nhập lậu do Thái Lan sản xuất.

Tại Hà Tĩnh, ngày 16/02/2022, Đội Quản lý thị trường số 6 phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Hà Tĩnh phát hiện xe 74C-063.05 vận chuyển 2 tấn đường tinh luyện do Thái Lan sản xuất không có bất cứ hóa đơn, chứng từ gì chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Mặt khác, thông tin từ VSSA cho biết thêm, sự xuất hiện sản phẩm đường đóng cây 12 kg và đường đóng túi 1 kg của các cơ sở sang chiết đóng gói (của các trùm buôn lậu từ các tỉnh nêu trên và các tỉnh khác như Kiên Giang, An Giang, Bình Phước, Tây Ninh và một số tỉnh phía bắc) với các nhãn hàng mới phân phối trực tiếp đến người dùng qua các cửa hàng lẻ và bán trực tuyến không đòi hỏi hóa đơn, là một trong những chiêu thức mới của giới tiêu thụ đường lậu.

VSSA nhận định, mặc dù giá đường thế giới tăng cao do ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine, nhưng giá đường trong nước chưa tăng tương xứng, là bởi đường lậu vẫn đang tràn vào với số lượng lớn. Như vậy, hiện chỉ giới buôn lậu đường được hưởng lợi, trong khi các nhà máy đường trong nước vẫn đang chịu thiệt, thậm chí nhiều nhà máy đường bị tồn kho lớn mà không bán được hàng.

“Giá đường trong thời gian sắp đến cũng phụ thuộc phụ thuộc vào hiệu quả của các nỗ lực chống gian lận thương mại đường nhập lậu. Nếu việc kiểm soát đường nhập lậu có hiệu quả giá đường sẽ ở mức tiệm cận với giá đường các nước trong khu vực (nhưng vẫn thấp hơn)”, VSSA nhấn mạnh.