15:28 22/01/2022

Phân chia lợi nhuận bất hợp lý trong chuỗi sản xuất mía đường

Chu Khôi

Chia sẻ lợi ích giữa các khâu trong chuỗi cung mía đường hiện đang bất hợp lý, nông dân trồng mía có vai trò quan trọng nhưng lợi nhuận nhận được thấp nhất. Đây chính là lý do khiến người trồng mía mất niềm tin vào nhà máy đường, chặt bỏ mía để trồng cây khác…

Người trồng mía thiệt thòi vì thiếu thông tin từ các nhà máy sản xuất đường.
Người trồng mía thiệt thòi vì thiếu thông tin từ các nhà máy sản xuất đường.

Tại hội thảo Hướng tới phát triển bền vững ngành mía đường Việt Nam do Tổ chức Forest Trends tổ chức ngày 21/01/2021, nông dân, các chuyên gia, cơ quan nghiên cứu và cơ quan quản lý chỉ ra, nhà máy mía đường và nông dân cần có sự hợp tác đi kèm với sự minh bạch về giá cả, chất lượng mía cũng như chia sẻ lợi ích có được từ cây mía để đưa ngành mía đường Việt Nam phát triển bền vững, tránh sự lệ thuộc vào nhập khẩu trong tương lai.

NÔNG DÂN “TỐ” NHÀ MÁY THIẾU MINH BẠCH

Ông Hồ Thành Biên – hộ nông dân trồng mía ở Tây Ninh cho biết: hiện nay, tất cả vật tư, nguyên liệu đầu vào đều tăng phi mã dẫn tới chi phí sản xuất tăng cao nhưng giá bán sản phẩm mía đầu ra tăng không đáng kể. Người trồng mía luôn thiệt thòi, không biết thực sự giá trị sản phẩm được bao nhiêu vì các nhà máy không cho biết điều đó.

Hiện nay giá đường lên cao, các nhà máy nâng giá thu mua mía nguyên liệu lên trên 1,1 triệu đồng/tấn đối với mía đạt chữ đường 10 CCS. Tuy nhiên, chữ đường trong mía cứ giảm đi 1 CCS thì sẽ bị giảm giá mua 100 nghìn đồng/tấn mía.

“Chúng tôi đã đầu tư mua giống mía tốt từ Viện nghiên cứu Mía đường đem về trồng luôn đảm bảo chữ đường cao vượt chuẩn. Thế nhưng Nhà máy đường sau khi thu mua mía, lại thông báo chữ đường trong mía 7-8 CCS, nên chỉ trả tiền 700.000 – 800.000/tấn. Tôi đem mía đi đơn vị khác phân tích thì đạt chữ đường 12 CCS, tức là chênh lệch tới 4-5 CCS so với thông báo của nhà máy", ông Hồ Thành Biên bức xúc.

Để ngành mía tồn tại bền vững, ông Hồ Thành Biên cho rằng, các nhà máy nên minh bạch, chia sẻ lợi nhuận rõ ràng, minh bạch chữ đường để nông dân có niềm tin vào cây mía. “Nhà máy đường quá tham lam. Một số nhà máy đường mặc dù vẫn thu về lợi nhuận cao nhưng chưa chia sẻ lợi nhuận cho nông dân, cho người sản xuất phù hợp”, ông Biên nói.

Ông Biên kiến nghị Chính phủ xây dựng, có Luật mía đường hoặc tối thiểu có Nghị quyết về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Trong đó nêu rõ cách thu mua, phân chia lợi nhuận minh bạch giữa các nhà máy đường và nông dân theo tỷ lệ thoả thuận, được pháp luật thừa nhận.

 

"Hiện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đang được giao sửa đổi những quy định đối với mua bán mía giữa nhà máy và nông dân.  Dự thảo của quy chuẩn là sẽ thành lập những đơn vị độc lập để giám sát đánh giá về chữ đường để nông dân yên tâm cũng như minh oan được cho các doanh nghiệp hoạt động chân chính".

Bà Võ Thị Lý – Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản

Bà Võ Thị Lý – Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, hàng nghìn hộ nông dân trồng mía ở các khu vực Nam Bộ đã lên tiếng “tố” các nhà máy đường thiếu minh bạch khi xác định chữ đường trong mía. Vì vậy, cần thiết phải có đơn vị đánh giá chữ đường độc lập làm “trọng tài’ giữa nông dân và nhà máy đường.

Theo bà Lý, về nguyên tắc, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cần phải có các hội viên là nông dân trồng mía, bên cạnh hội viên là nhà máy đường. Tuy nhiên, Hội này quy định hội viên phải đóng hội phí cao, chỉ nhà máy đường mới đáp ứng được, và đây chính là rào cản để gạt bỏ nông dân không thể tham gia làm hội viên của Hiệp hội Mía đường.

Vì vậy, Nhà nước cần đưa ra cơ chế, quy định nông dân khi tham gia hiệp hội sẽ chỉ phải đóng tiền hội phí ở mức tượng trưng hoặc được miễn đóng tiền hội phí. Bà Lý khuyến cáo, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cần có cơ chế để các hộ nông dân tham gia vào hiệp hội nhiều hơn để có sự chia sẻ thông tin cũng như hiểu nhau hơn.

CẦN HÌNH THÀNH TỔ CHỨC CỦA NGƯỜI TRỒNG MÍA

TS. Nguyễn Vinh Quang, đại diện nhóm nghiên cứu của Forest Trends trình bày báo cáo khảo sát nghiên cứu ngành mía đường, cho hay chia sẻ lợi ích giữa các khâu trong chuỗi cung ngành mía đường hiện đang mất cân đối nghiêm trọng.

Cụ thể, nhóm hộ trồng mía chỉ nhận được dưới 11% trong tổng lợi nhuận từ chuỗi, tiếp đến là các nhà máy đường. Gần một nửa (gần 44%) lợi nhuận rơi vào khâu phân phối.

“Mức lợi nhuận người trồng mía thu được hiện tại thấp hơn nhiều so với lợi nhuận mà người trồng mía tại các nước khác như Thái Lan, Indonesia và Philippines thu được (ở mức 60-70%) khi họ tham gia chuỗi. Điều này không tạo được động lực cho người trồng mía tại Việt Nam tham gia sản xuất”, ông Quang cho thông tin.

TS Nguyễn Vinh Quang cho rằng, khâu thu mua mía nguyên liệu đang có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà máy, thường là có sự cấu kết với các thương lái mía. Kết quả là các hợp đồng liên kết giữa hộ và các nhà máy bị phá vỡ, nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy không đảm bảo, tạo ra sự mất lòng tin giữa các bên tham gia liên kết.

 

"Trong giai đoạn 2016 - 2017, cả nước có gần 220.000 hộ trồng mía nhưng đến năm 2019 - 2020 đã giảm xuống chỉ còn 126.000 hộ".

Báo cáo khảo sát của nhóm nghiên cứu của Forest Trends.

Theo ông Quang, mặc dù Nhà nước đã áp thuế chống bán phá giá đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan, ngành mía đường vẫn liên tục suy giảm cả về số lượng nông dân trồng mía và diện tích trồng mía. Một trong số nguyên nhân khiến nông dân không mặn mà trồng mía là do lợi nhuận từ cây trồng này ở mức thấp so với nhiều cây khác.

So sánh trên 1 ha đất trồng mía trong một năm, ở khu vực Đông Nam bộ, lợi nhuận trồng sắn cao gấp 20 lần so với cây mía; trồng ngô cao gấp hơn 10 lần. Đặc biệt tại vùng Tây Nam bộ, lợi nhuận trồng lúa 2 - 3 vụ/năm đều cao gấp 29 - 44 lần so với cây mía. Tại khu vực Miền Trung – Tây Nguyên, cây sắn, ngô, keo lai có hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây mía khoảng từ 5-8 lần tính trên cùng một đơn vị diện tích đất.

Nhóm nghiên cứu của Forest Trends khuyến nghị Chính phủ cần ban hành chính sách đặc thù về liên kết chuỗi trong ngành mía. Chính sách này cần đảm bảo các hộ trồng mía được ưu tiên một cách cao nhất, với lợi ích được chia sẻ công bằng giữa các bên tham gia, đảm bảo lợi ích của hộ trồng mía thu được chiếm khoảng 60- 70%, còn lại (30-40%) là của các nhà máy chế biến.

Cần hình thành tổ chức đại diện hiệu quả cho người trồng mía. Nâng cao sức cạnh tranh trong khâu sản xuất có thể đạt được bằng việc xúc tiến hình thành các liên kết không chỉ giữa các nhà máy đường và các hộ trồng mía mà còn giữa các hộ sản xuất để hình thành các tổ, nhóm, hợp tác xã nhằm liên kết với các nhà máy, cũng như giữa các nhà máy, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng.  

Cần tăng cường kiểm soát nhập khẩu, đặc biệt là đối với luồng cung nhập lậu. Cần đánh giá tổng thể, khách quan về lợi thế cạnh tranh của ngành, bao gồm cả sự cạnh tranh giữa cây mía và cây trồng khác có sử dụng cùng nguồn quỹ đất.

PGS. TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng ngành đường tồn tại được phải xác định đa giá trị, chứ không chỉ có sản phẩm từ đường. Doanh nghiệp nên minh bạch thu nhập từ phụ phẩm chứ không chỉ từ đường. Nếu không có nông dân thì cũng không có các sản phẩm từ phụ phẩm đó. 

“Với chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn, ngành đường cần áp dụng công nghệ, minh bạch thông tin hơn. Hiệp hội Mía đường Việt Nam cần có vai trò trong việc giám sát, xác định trữ đường”, PGS. TS Đào Thế Anh nêu quan điểm.

Ông Đào Thế Anh nhận định, ngành mía đường Việt Nam vẫn có cơ hội canh tranh với đường Thái Lan. Việt Nam đã có nhiều cây trồng đã có sự canh tranh tốt với Thái Lan nên không có lý do gì ngành đường không cạnh tranh được.

Bên cạnh việc cần thêm các cơ chế, chính sách của nhà nước đối với ngành mía đường, cần khuyến khích nông dân vào hợp tác xã để chuyển giao khoa học công nghệ, cơ giới hóa… và cũng để nông dân có tiếng nói trong chuỗi giá trị mía đường.