17:29 23/11/2022

EVFTA sẽ tạo thêm 146.000 việc làm cho giai đoạn 2022-2025

Thu Hằng

Dự báo sẽ có thêm 146.000 việc làm được tạo thêm cho giai đoạn 2022-2025 nhờ thực thi Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA). Một số ngành có tác động mạnh như: Xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin được chia sẻ tại Hội thảo đánh giá tác động của EVFTA đối với vấn đề lao động – việc làm, do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức chiều 23/11.

TIỀN LƯƠNG CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG TĂNG LÊN ĐÁNG KỂ

Trình bày báo cáo Đánh giá tác động của EVFTA đến lao động, việc làm Việt Nam đến năm 2025, ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, thực trạng lao động việc làm của Việt Nam có xu hướng tăng trong giai đoạn 2012-2019 và bắt đầu giảm vào năm 2020 do dịch bệnh Covid 19. Tuy nhiên, đến năm 2022, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhiều việc làm trong ngành cũng cấp dịch vụ hàng hóa cho ngành xuất khẩu sang EU được tạo ra.

Theo dự báo, EVFTA sẽ tạo thêm khoảng 146.000 việc làm cho giai đoạn 2022 – 2025, bình quân khoảng 36,5 nghìn/năm, tăng 0,059% so với kịch bản không có EVFTA. “Do ảnh hưởng lan tỏa, nên sẽ nhiều việc làm trong các ngành cung cấp dịch vụ hàng hóa cho ngành xuất khẩu sang EU được tạo ta, song tác động EVFTA đến khu vực thành thị và nông thôn không có sự khác biệt nhiều. Một số ngành có tác động mạnh từ Hiệp định EVFTA như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…”, ông Toàn thông tin.

Ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược. Ảnh - Nguyễn Sơn. 
Ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược. Ảnh - Nguyễn Sơn. 

Đối với nhóm ngành có khối lượng xuất, nhập khẩu sang các nước EVFTA cho thấy, các yếu tố về chỉ số định hướng xuất khẩu không thật sự có tác động đến tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội trong từng ngành ở thời điểm sau khi có hiệp định (quý 3/2020) tăng lên so với trước khi hiệp định có hiệu lực.

EVFTA cũng có những tác động tích cực đến vấn đề tiền lương, cụ thể giá trị thương mại giữa Việt Nam và các nước có tác động tích cực đến tiền lương bình quân, giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa tăng, tiền lương bình quân của người lao động cũng tăng.

Thuế suất xuất khẩu giảm đã có tác động tích cực làm tăng tiền lương bình quân của lao động. So với các khu vực khác, tiền lượng bình quân của người lao động làm việc trong khu vực xuất nhập khẩu từ các nước thuộc EVFTA cao hơn so với các khu vực còn lại khoảng 17% đến 28%. Sau thời điểm hiệp định EVFTA có hiệu lực, tiền lương bình quân của người lao động cũng cao hơn khoảng 11% so với thời điểm trước khi hiệp định EVFTA có hiệu lực. Hưởng lợi hơn về mức lương thuộc nhóm lao động nữ, lao động khu vực thành thị và nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn.

Mặc dù vậy, báo cáo cũng cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên việc thực thi hiệp định thương mại trong bối cảnh dịch Covid 19 kéo dài sẽ  làm giảm hiệu quả tác động của EVFTA đến lao động việc làm và đặt ra nhiều thách thực đối với lao động việc làm như: Thay đổi về hình thức làm việc; thiếu hụt nguồn cung lao động cục bộ ở một số địa phương; sự mất cân đối cung cầu về cơ cấu lao động…

“Mặt khác, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động có tay nghề trong khi trên thị trường lao động vẫn dư thừa lao động nhưng là lao động chưa qua đào tạo”, ông Toàn phân tích.

TẬN DỤNG TỐT HƠN CƠ HỘI TỪ EVFTA

Trong bối cảnh đó, thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Phạm Ngọc Toàn đưa ra một số khuyến nghị, đó là cần thực hiện công tác đánh giá và dự báo tác động của EVFTA cũng như các hiệp định thương mại tự do khác hằng năm nhằm giúp Việt Nam kịp thời có những giải pháp ứng phó với biến động của lao động.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Đồng thời, cần tăng cường dự báo nhu cầu lao động theo trình độ kỹ thuật và ngành nghề để đáp ứng yêu cầu của EVFTA để có kiến nghị phù hợp với điều chỉnh cơ cấu đào tạo của Việt Nam; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, chất lượng cao; quan tâm công tác đào tạo và đào tạo lại lao động. Ngoài ra, cần nâng cao khả năng đáp ứng của hệ thống giáo dục đào tạo theo hướng đa dạng hóa các chương trình học và tạo nhiều lựa chọn cho người học, gắn nội dung đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động.

Đối với doanh nghiệp, cần đầu tư vào con người, khoa học công nghệ, và mở rộng thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường ngách; tham gia chuỗi sản xuất để tận dụng cơ hội từ EVFTA; tăng cường tuân thủ pháp luật lao động và các tiêu chuẩn lao động quốc tế…

Đối với người lao động cần có được các kỹ năng phù hợp với công việc. Người lao động cũng cần linh hoạt hơn, chuẩn bị cho các tình huống việc làm khác nhau khi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động có thể điều chỉnh từ EVFA. Đồng thời, cần nâng cao năng lực, thay đổi kỹ năng thích nghi với công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu công việc…

Bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng nhấn mạnh, cơ hội việc làm, việc làm có năng suất hay bảo đảm các quyền của người lao động, nhất là các nhóm yếu thế trong các EVFTA hiện nay ngày càng được chú trọng.

“Chúng ta đã có hơn hai năm thực thi EVFTA, và trong các hiệp định thương mại tự do thì vấn đề lao động là nội dung luôn được đề cập. Câu chuyện lao động trong các hiệp định thương mại tự do được nói rất nhiều nhưng xoay lại đó chính là bản chất của việc chúng ta tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn lao động quốc tế, cũng như các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế.

Mục đích là để làm sao thực thi tốt hơn việc bảo đảm quyền lợi của người lao động, làm sao để mỗi sản phẩm giảm giá, hay sản phẩm được bán trên thị trường đều có tính đến yếu tố vì người lao động”, bà Hà Thị Minh Đức nhấn mạnh.