10:40 04/05/2024

Giá cổ phiếu phản ánh "đúng chất" doanh nghiệp, nhưng vì đâu nhiều mã vẫn bị lợi nhuận "bỏ rơi"?

Tuệ Lâm

Thị trường sẽ sớm quay lại phản ánh những yếu tố cơ bản của các doanh nghiệp, phản ánh nền kinh tế, do vậy những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt, triển vọng ngành tích cực sẽ là những cổ phiếu sớm muộn cũng được dòng tiền hướng đến...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mùa kết quả kinh doanh đang cao điểm với gần 1.000 doanh nghiệp công bố lợi nhuận quý 1 vừa qua. Tổng thể thị trường điểm tăng không như kỳ vọng nhưng thể hiện ở nhóm ngành mức độ lại khác nhau. Có những nhóm doanh nghiệp lợi nhuận bật lên khá tốt phản ánh đúng kỳ vọng nhìn từ góc độ vĩ mô tiêu dùng, giá cổ phiếu cũng bật tăng cao và ngược lại. 

THỊ GIÁ BAY CAO CÙNG LỢI NHUẬN DOANH NGHIỆP

Đơn cử như trường hợp gần nhất là cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines. Ngay sau khi hãng bay này công bố lợi nhuận cao kỷ lục trong quý 1 vừa qua đạt 4.441 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngay lập tức bung trần. Ngay phiên chiều ngày 3/5, cổ phiếu HVN tăng kịch trần lên mức 18.500 đồng/cổ phiếu đây là vùng giá cao nhất trong vòng 23 tháng tính từ đầu tháng 6/2022. Kết phiên giao dịch, HVN trắng bên bán với dư mua giá trần gần 4,5 triệu đơn vị.

Tương tự, ACV mới đây cũng ra tin lợi nhuận tăng kỷ lục hơn 2.920 tỷ đồng trong quý 1 vừa qua. Ngay sau khi ra tin, cổ phiếu ACV bật tăng liên tục trong ba phiên gần nhất với biên độ tăng 19% với thanh khoản đột biên phiên 2/5 hơn 1 triệu cổ phiếu sang tay. Với mức giá 94.400 đồng/cổ phiếu, ACV đang quay về tiệm cận mức đỉnh lịch sử đạt được vào tháng 1 năm 2022.

Cổ phiếu ACV về vùng đỉnh lịch sử của năm 2022. 
Cổ phiếu ACV về vùng đỉnh lịch sử của năm 2022. 

Ở nhóm bán lẻ, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2024 với doanh thu thuần đạt 31.486 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 25% kế hoạch doanh thu cả năm. Sau khi trừ chi phí, MWG lãi ròng 902 tỷ đồng, gấp 43 lần cùng kỳ 2023 và là mức cao nhất trong vòng 6 quý kể từ quý 3/2022.

Thị giá của MWG đón tin lợi nhuận cũng bật tăng 14% trong 6 phiên qua. Đây là vùng giá cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đáng chú ý, trong phiên 3/05, thanh khoản cũng đạt kỷ lục mới với hơn 29 triệu cổ phiếu được sang tay, khối ngoại gom kỷ lục 545 tỷ đồng.

Thị giá MWG tăng trưởng mạnh sau khi ra tin lợi nhuận kỷ lục. 
Thị giá MWG tăng trưởng mạnh sau khi ra tin lợi nhuận kỷ lục. 

Ở chiều ngược lại, nhóm bất động sản ghi nhận lợi nhuận giảm kỷ lục, thị giá cổ phiếu cũng "bay màu" theo. Như trường hợp của NVL báo lỗ 600 tỷ đồng trong quý đầu năm, đây là mức lỗ lớn nhất của Công ty này tính theo quý trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 410 tỷ đồng. Thị giá của NVL giảm 26% tính từ đầu tháng 4. 

Cổ phiếu DIG tương tự giảm 24% sau khi doanh nghiệp công bố lỗ kỷ lục 121,23 tỷ đồng trong quý 1/2024.

NHƯNG NHIỀU CỔ PHIẾU BỊ LỢI NHUẬN "BỎ RƠI"...

Ở thời điểm hiện tại, kết quả kinh doanh là câu chuyện phả hơi nóng mạnh nhất vào thị trường. Tuy nhiên, không phải cổ phiếu nào cũng thay đổi dựa trên sự cải thiện cơ bản của doanh nghiệp. Kết quả kinh doanh tăng mạnh nhưng thị giá tăng không tương xứng. Nhiều cổ phiếu vẫn bị lợi nhuận "bỏ quên" như CTD hay trường hợp của LAS...

Công ty CP Xây dựng Coteccons (CTD) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 niên độ 2024 từ ngày 1/1/-30/3/2024 với doanh thu đạt gần 4.666 tỷ đồng tăng 49% so với cùng kỳ phần lớn đến từ doanh thu hợp đồng xây dựng gần 4.659 tỷ đồng tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ.

Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh, Coteccons lãi ròng gần 105 tỷ đồng, gấp 4,75 lần so với cùng kỳ. Sau 14 quý CTD đã quay lại mốc lãi trăm tỷ đồng trong vòng 1 quý. Như vậy, so với kế hoạch mới, ông lớn xây dựng Coteccons thực hiện được 72% chỉ tiêu doanh thu và 81-84% chỉ tiêu lãi sau thuế sau 9 tháng. Đây là kỳ tích hiếm có của CTD. Mặc dù vậy, trên thị trường thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp này không có sự thay đổi đáng kể so với tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp.

Trong báo cáo mới đây, có ít nhất ba công ty chứng khoán khuyến nghị mua CTG giá mục tiêu 76.000 - 80.000 đồng cổ phiếu.

Thị giá CTD điều chỉnh sau khi ra tin lợi nhuận tăng gấp 5 lần. 
Thị giá CTD điều chỉnh sau khi ra tin lợi nhuận tăng gấp 5 lần. 

LAS của Supe Lâm Thao là một trường hợp điển hình khác. Tương tự, Công ty CP Supe Phốt Phát và Hóa chất Lâm Thao vừa công bố báo cáo tài chính quý 1 năm 2024 với lợi nhuận sau thuế quý này đạt 52,4 tỷ đồng tăng 58% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhóm cổ phiếu phân bón đang được đánh giá hưởng lợi lớn nhờ Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Mới đây nhất, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính hoàn thiện lại Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), trình Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp sắp tới trong tháng 5- tháng 6.

Trong đó, Bộ Tài chính loại bỏ phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, đồng thời bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế 5%. Đây là điều doanh nghiệp mong mỏi hơn 10 năm qua, một khi áp dụng thuế 5% được khấu trừ đầu vào, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ hồi phục đáng kể so với giai đoạn trước đó.

Tuy nhiên, cũng giống DCM và DPM, thị giá LAS không ghi nhận sự thay đổi đáng kể thậm chí còn bị kéo tụt mạnh sau khi chính thức lộ lợi nhuận quý 1/2024.

Thị giá LAS cũng quay đầu giảm mạnh sau khi doanh nghiệp bung thông tin lợi nhuận. 
Thị giá LAS cũng quay đầu giảm mạnh sau khi doanh nghiệp bung thông tin lợi nhuận. 

"Thị trường rồi cũng sẽ sớm quay lại phản ánh những yếu tố cơ bản của các doanh nghiệp, phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế, do vậy những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt, triển vọng ngành tích cực sẽ là những cổ phiếu sớm muộn cũng được dòng tiền hướng đến", một chuyên gia tư vấn tài chính độc lập nhận định.

Tuy nhiên, vị này cho rằng nhìn tổng thể điểm tích cực là đi trường đang đi đúng hướng, thị giá cổ phiếu trên sàn ít nhiều vẫn phản ánh thực chất nội tại của doanh nghiệp so với những giai đoạn trước, đây là cơ sở bền vững để thị trường đi lên trong dài hạn.