07:40 21/12/2023

Gia tăng xuất khẩu, doanh nghiệp áp lực với chuẩn "xanh"

Mộc Minh

Năng lượng xanh, sản xuất xanh, tăng trưởng xanh là yếu tố quan trọng trong việc tăng chỉ số ESG để giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

ESG (bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng) đang dần trở thành một trong những thước đo tiêu chuẩn để đánh giá tính bền vững của doanh nghiệp.

Ba khía cạnh “môi trường-xã hội-quản trị” của ESG là trọng tâm của đầu tư bền vững. Tuy nhiên, bộ tiêu chuẩn ESG này còn khá mới với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Tại hội nghị "Tiêu chuẩn xanh cho doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm" được tổ chức ngày 20/12/2023, tại TP.HCM, ông Phạm Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), cho biết thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có những thay đổi trong tư duy quản trị về phát triển bền vững và đưa ESG vào trong chiến lược kinh doanh. Trong đó, có các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng như ngành hàng lương thực, thực phẩm và đồ uống từng bước thực hiện phát triển bền vững như sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường…

Về tiêu chí đối với sản phẩm xanh, đó là sản phẩm đáp ứng 4 tiêu chí, gồm: sản phẩm được tạo ra từ các vật liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm đem đến những giải pháp an toàn cho môi trường và sức khỏe thay thế sản phẩm độc hại, sản phẩm giảm tác động đến môi trường trong quá trình sử dụng (ít chất thải, sử dụng năng lượng tái sinh, ít chi phí bảo trì), sản phẩm tạo ra một môi trường thân thiện và an toàn đối với sức khỏe.

Bộ tiêu chuẩn ESG còn khá mới với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh: IT. 
Bộ tiêu chuẩn ESG còn khá mới với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh: IT. 

Trên thế giới, áp dụng ESG đang là xu hướng của các doanh nghiệp. Hiện, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đã và đang tiếp tục nỗ lực trong việc giảm thải khí carbon và rác thải, sử dụng nguồn đầu vào có trách nhiệm xã hội, nhằm đáp ứng các tiêu chí ESG.

Năng lượng xanh, sản xuất xanh, tăng trưởng xanh là yếu tố quan trọng trong việc tăng chỉ số ESG để giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu.

Trong một báo cáo gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã liệt kê xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn xanh, bền vững của các nước là một áp lực lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu, khiến họ tăng chi phí nếu muốn tuân thủ.

Chẳng hạn, việc EU áp dụng Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới, thực hiện Thỏa thuận xanh châu Âu và Chính sách từ nông trại đến bàn ăn sẽ là thách lớn trong khi hầu hết doanh nghiệp Việt chưa có đầy đủ thông tin, kiến thức, nguồn lực để tuân thủ.

Doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm cũng đang chú trọng cải tiến sản phẩm, áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất, sử dụng các nguyên liệu xanh, hữu cơ và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, việc phát triển ESG của doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm đang áp lực với chuẩn “xanh”. Doanh nghiệp ngành dệt may cũng đang đối mặt với thiếu đơn hàng và thêm áp lực về tiêu chuẩn “xanh” từ các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU...

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), ngành dệt may của Việt Nam phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 mỗi năm. Các quy trình xử lý ướt hàng dệt may (sợi, vải và hàng may) sử dụng rất nhiều tài nguyên nước cho các khâu giặt, giũ, tiền xử lý, nhuộm và hoàn tất sau xử lý.

Trước mắt, EU đưa ra quy định liên quan đến chương trình dệt may tuần hoàn và bền vững, ràng buộc trách nhiệm nhà sản xuất đối với các sản phẩm dệt may (EPR - Trách nhiệm mở rộng đối với nhà sản xuất), được áp dụng từ năm 2025.

Là một trong những ngành chủ yếu hướng tới xuất khẩu và đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu từ sớm, các doanh nghiệp dệt may đang tiên phong thực hiện các giải pháp xanh hóa sản phẩm, xanh hóa nhà máy sản xuất.

Tuy nhiên, việc áp dụng các tiêu chuẩn xanh không hề dễ. Ông Nguyễn Ngọc Tùng, Tổng giám đốc công ty cổ phần giày Thăng Long, cho biết doanh nghiệp đã rất áp lực trước sự chuyển đổi này. Đó vừa là bài toán thay đổi nhận thức, vừa là sức ép chi phí trong giai đoạn thị trường đầy thách thức. Những doanh nghiệp nào nhỏ, không đủ tiềm lực có thể phải tạm dừng.

Do đó, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Sỹ Linh, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên môi trường, cho rằng Chính phủ cần có những trợ lực nhất định đặc biệt trong giai đoạn đầu khi thực hiện các quy định bắt buộc về kiểm kê phát thải nhà kính. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có các cơ chế khuyến khích, các ưu đãi về thuế với hàng hóa, dịch vụ được sản xuất theo phương thức carbon thấp.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng công cụ hỗ trợ doanh nghiệp kiểm kê khí nhà kính và xuất báo cáo; giải pháp tối ưu hóa quy trình vận chuyển và quản lý chuỗi cung ứng một cách bền vững thông qua các chứng chỉ carbon, ESG; thúc đẩy phát triển ngành sản xuất bao bì thực phẩm xanh, thân thiện với môi trường…