Xu hướng thực phẩm mới tại triển lãm lương thực, thực phẩm TP.HCM 2023
Các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất nhiều nhóm sản phẩm trong ngành này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hằng năm...
Việc tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) và vấn đề đảm bảo an ninh lương thực đang được nhiều nước quan tâm trước nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu đã mang lại nhiều cơ hội và lợi thế phát triển cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm Việt Nam.
Các doanh nghiệp trong nước đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, chú trọng đầu tư mạnh thiết bị, công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm của thế giới.
Phát biểu tại triển lãm quốc tế ngành Lương thực thực phẩm TP.HCM lần 2 năm 2023 (HCMC FOODEX 2023) với chủ đề “Kết nối giá trị cùng phát triển” diễn ra vào ngày 28/6/2023, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đánh giá ngành chế biến lương thực thực phẩm sẽ tiếp tục phát triển và giữ vững vai trò là một ngành sản xuất chủ lực của thành phố. Đây được xem là một trong những chương trình đột phá để thành phố tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, huy động nguồn lực đầu tư phát triển cho ngành lương thực, thực phẩm.
Theo ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), để hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật thông tin mới nhất về xu hướng trong sản xuất, tiêu dùng và định hướng thị trường xuất khẩu tiềm năng, mở rộng mạng lưới phân phối và tiêu thụ sản phẩm, trong khuôn khổ triển lãm sẽ diễn ra chuỗi hoạt động bên lề.
Trong đó, triển lãm sẽ có các hội thảo như: “Logistics xanh - từ xu hướng đến thực tiễn và vai trò trong sản xuất - xuất khẩu thực phẩm”; “Tương lai của thực phẩm xanh, sạch và phát triển bền vững” cùng các hoạt động kết nối giao thương B2B.
Ông Huỳnh Kim Khuê, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, cho rằng qua mỗi kỳ triển lãm HCMC FOODEX, các doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp có thêm thông tin về nhu cầu thị trường, cơ hội xúc tiến hợp tác với nhiều đối tác lớn trong và ngoài nước. Qua đó, các doanh nghiệp địa phương mở rộng được thị trường tiêu thụ, góp phần mở rộng các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết năm nay ban tổ chức phối hợp với các Tổng lãnh sự quán mời doanh nghiệp các nước đến tham gia triển lãm. Qua đó tạo môi trường xúc tiến kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Năm nay, triển lãm thu hút hơn 200 doanh nghiệp, đơn vị trong nước và quốc tế tham gia. Triển lãm với gần 250 gian hàng quy tụ những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm của TP.HCM như Vinamilk, Bình Tây Food, Bidrico, Sagri, Cholimex, Satra, Vissan); Ban quản lý khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, các gian trưng bày thuộc các địa phương Long An, Bến Tre, Đồng Tháp... sẽ trưng bày và giới thiệu các sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm lương thực thực phẩm dạng thô/sơ chế (nông sản, thủy hải sản, gia vị…); nhóm sản phẩm lương thực thực phẩm được chế biến sâu; nhóm sản phẩm đồ uống; nhóm nguyên phụ liệu dùng trong công nghiệp chế biến thực phẩm; nhóm máy móc thiết bị sản xuất, đóng gói, bảo quản và các nhóm ngành liên quan.
Đặc biệt, các doanh nghiệp đã giới thiệu nhiều thực phẩm mới. Thí dụ, thịt heo tuyết nhập khẩu từ Nhật Bản. Đây là phần thịt lưng heo (hay cốt-lết heo), có vân mỡ xen vào thớ thịt, giá lên đến 400.000 đồng/kg…
Hay sản phẩm mật ong thanh nhãn của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), có giá niêm yết 350.000 đồng/lít nhưng lượng bán giới hạn vì sản lượng mật ong thanh nhãn không nhiều.
Khách hàng cũng được thưởng thức món phở nhân sâm giá 50.000 đồng/tô; cà phê hòa tan mộng dừa…
Ngoài ra, năm nay, triển lãm tiếp tục tạo điểm nhấn thông qua các hoạt động quảng bá ẩm thực văn hóa Việt Nam và quốc tế với các chủ đề: “TP.HCM - Nơi hội tụ tinh hoa ẩm thực Việt Nam”; “Nghệ thuật sử dụng gia vị trong ẩm thực Việt”; “Ẩm thực xanh sạch và thực dưỡng”; “Tương lai của thực phẩm xanh, sạch và phát triển bền vững”….