09:45 18/01/2024

Giá vàng SJC tương đối ổn định trong 11 năm qua

Hoàng Lan

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong 11 tháng đầu năm 2023, mức chênh lệch giá vàng SJC trong nước có xu hướng giảm so với năm 2022. Từ đầu năm 2023 đến nay, doanh số mua, bán vàng miếng tương đối cân bằng, duy trì ở mức thấp, khách hàng cá nhân tiếp tục có xu hướng bán ròng….

Từ 2013 đến 2023, doanh số mua, bán vàng  miếng trong hệ thống có xu hướng giảm khoảng 30%.
Từ 2013 đến 2023, doanh số mua, bán vàng  miếng trong hệ thống có xu hướng giảm khoảng 30%.

Trong tháng 12/2023, giá vàng quốc tế biến động tăng mạnh do ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị, ngoại giao phức tạp trên thế giới, kinh tế thế giới trên đà phục hồi chậm, động thái chuẩn bị đổi chiều chính sách lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ khiến nhu cầu đầu tư vào vàng tăng cao. Trong nước, giá vàng miếng SJC tăng mạnh do ảnh hưởng bởi giá vàng quốc tế tăng và tâm lý của người dân khi thấy giá vàng quốc tế tăng liên tục khiến mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng quốc tế nới rộng.

CUNG, CẦU VÀ GIÁ VÀNG MIẾNG ỔN ĐỊNH SAU KHI NGHỊ ĐỊNH 24 ĐƯỢC BAN HÀNH

Theo Ngân hàng Nhà nước, trước khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 (Nghị định 24) về quản lý thị trường vàng ra đời, hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng diễn ra tự do tại gần 12.000 doanh nghiệp, gây khó khăn cho công tác quản lý và gia tăng nguy cơ ”vàng hóa” nền kinh tế.

Nghị định 24 đã tổ chức, sắp xếp lại thị trường vàng miếng thông qua việc giao Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đủ điều kiện. 

 

Cả nước hiện có trên 2.600 địa điểm kinh doanh vàng miếng. Từ đầu năm 2023 đến nay, doanh số mua, bán vàng miếng tương đối cân bằng, duy trì ở mức thấp, khách hàng cá nhân tiếp tục có xu hướng bán ròng.

Ngân hàng Nhà nước.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ngân hàng Nhà nước cho biết đến nay đã thiết lập được một mạng lưới mua bán vàng miếng mới, có tổ chức, có quản lý, gồm 21 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp có đủ điều kiện được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh vàng miếng ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước với trên 2.600 địa điểm. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng được kiểm soát, ngăn chặn tình trạng các doanh nghiệp liên kết nhau để đầu cơ trục lợi.

Trong 11 năm qua, nhìn chung giá vàng miếng SJC tương đối ổn định, mặc dù do ảnh hưởng của giá vàng thế giới, nhiều thời điểm giá vàng miếng SJC biến động phức tạp nhưng doanh số mua, bán vàng miếng tương đối cân bằng, có xu hướng giảm từ năm 2013 đến nay, phản ánh nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế ngày càng suy giảm.

Theo báo cáo, từ 2013 đến 2023, doanh số mua, bán vàng  miếng trong hệ thống có xu hướng giảm khoảng 30%. Mặc dù một vài thời điểm, khi giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng quốc tế tăng cao do ảnh hưởng tình hình chính trị trên thế giới, doanh số mua, bán vàng miếng có tăng nhẹ nhưng thị trường vàng miếng vẫn tương đối ổn định.

Ngân hàng Nhà nước cho biết trong 11 tháng đầu năm 2023, mức chênh lệch giá vàng có xu hướng giảm so với năm 2022. Tuy nhiên trong tháng 12/2023, giá vàng quốc tế biến động tăng mạnh do ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị, ngoại giao phức tạp trên thế giới, kinh tế thế giới trên đà phục hồi chậm, động thái chuẩn bị đổi chiều chính sách lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ khiến nhu cầu đầu tư vào vàng tăng cao. Trong nước, giá vàng miếng SJC tăng mạnh do ảnh hưởng bởi giá vàng quốc tế tăng và tâm lý của người dân khi thấy giá vàng quốc tế tăng liên tục khiến mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng quốc tế nới rộng.

GIÁ VÀNG NGUYÊN LIỆU TRONG NƯỚC BÁM SÁT GIÁ VÀNG THẾ GIỚI

Ngân hàng Nhà nước thông tin, từ năm 2016 đến 10/2020, nhiều thời điểm giá vàng nguyên liệu trong nước thấp hơn giá vàng thế giới, có thời điểm thấp hơn 3 triệu đồng/lượng. Các doanh nghiệp tự thu mua vàng nguyên liệu (kể cả vàng miếng SJC) dùng làm nguyên liệu sản xuất vàng nữ trang 99,99% để xuất khẩu. Cụ thể: theo báo cáo của Doji, trong 05 năm 2016-2020, tập đoàn Doji đã xuất khẩu 53,8 tấn vàng, thu về hơn 2,5 tỷ USD.

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá vàng nguyên liệu biến động theo giá vàng thế giới nhưng với tốc độ chậm hơn, bình quân giá vàng nguyên liệu cao hơn giá vàng thế giới khoảng 1,7 triệu đồ ng/lượng. Đầu năm 2022, giá vàng nguyên liệu được giao dịch ở mức 52,1 triệu đồng/lượng, sau đó tăng theo giá vàng thế giới, ngày 29/4/2022 đang ở mức 54,65 triệu đồng/lượng (tăng 4,9%), trong khi giá vàng thế giới tăng 5,1%. Gần đây, chênh lệch giữa giá mua vàng nguyên liệu trong nước và giá vàng thế giới khoảng 1,6 triệu đồng/lượng. 

 

Trong 05 năm 2016-2020, tập đoàn Doji đã xuất khẩu 53,8 tấn vàng, thu về hơn 2,5 tỷ USD.

Như vậy, chênh lệch giá vàng nguyên liệu so với giá vàng thế giới nhìn chung không đáng kể, không gây bất ổn đến thị trường vàng.

Từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không tổ chức thực hiện xuất khẩu vàng nguyên liệu và chưa phải nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu chủ yếu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm cho khoảng 11 doanh nghiệp, Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho khoảng 20 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ để xuất khẩu (FDI). Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid bùng phát trên toàn cầu, các doanh nghiệp FDI gặp khó khăn hơn, tỷ lệ nhập khẩu vàng nguyên liệu của các doanh nghiệp này giảm 15% so với cùng kỳ năm 2019. Từ đầu năm 2021 đến 12/2021, do hầu hết các quốc gia đã mở cửa trở lại, theo báo cáo 20 doanh nghiệp đã thực hiện nhập khẩu hơn 3,2 tấn vàng, tăng khoảng 38% so với năm 2020.

Đối với vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, từ năm 2014 đến nay, bản thân thị trường vàng nguyên liệu tự cân đối tốt, để tận dụng nguồn lực vàng trong nước, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong nước. Các doanh nghiệp chủ động mua, bán vàng nguyên liệu trên thị trường để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. So với giai đoạn trước khi Nghị định 24 được ban hành, đến nay nền kinh tế đã tiết kiệm một lượng ngoại tệ nhất định do không phải nhập khẩu vàng, đồng thời nguồn lực vàng sẵn có trong nền kinh tế đã được tận dụng để phục vụ nhu cầu sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ theo đúng mục tiêu đề ra.      

TĂNG NIỀM TIN CỦA NGƯỜI DÂN VÀO VND, TỪNG BƯỚC NÂNG CAO TÍNH CHUYỂN ĐỔI CỦA VND

Sau khi Nghị định 24 ra đời, hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng chấm dứt. Các tổ chức tín dụng có hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng không được giữ trạng thái vàng cuối ngày vượt quá 2% trên tổng vốn tự có của tổ chức tín dụng. Quy định này giúp đảm bảo an toàn hoạt động tổ chức tín dụng, ổn định hệ thống ngân hàng, xóa bỏ tình trạng vàng hóa trong hệ thống tổ chức tín dụng, góp phần đẩy lùi tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế.

Trước Nghị định 24, thị trường vàng biến động mạnh, tác động lớn đến tỷ giá, thị trường ngoại hối và kinh tế vĩ mô, vàng được sử dụng rộng rãi và là phương tiện thanh toán phổ biến. Sau khi Nghị định 24 được ban hành, vàng không còn là phương tiện thanh toán hay thước đo giá trị mà chỉ còn được sử dụng làm tài sản cất trữ. 

 

Sau khi Nghị định 24 được ban hành, toàn bộ quan hệ huy động và cho vay vốn bằng vàng được chuyển hóa sang quan hệ mua - bán vàng, qua đó tạo tiền đề ổn định thị trường vàng, làm tăng niềm tin của người dân vào VND và từng bước nâng cao tính chuyển đổi của VND, tạo ra những cơ sở tiền đề quan trọng để tiếp tục thực hiện các giải pháp hạn chế đô la hóa và vàng hóa trong nền kinh tế.

Trong giai đoạn 2008-2011, thị trường vàng bất ổn trong thời gian dài, Ngân hàng Nhà nước thường phải can thiệp thị trường vàng và ngoại tệ. Mỗi khi chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng/lượng, đã xuất hiện tình trạng xuất, nhập lậu vàng, ảnh hưởng đến tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá chính thức, từ đó ảnh hưởng bất lợi tới chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô.

Sau khi Nghị định 24 có hiệu lực, với việc chấm dứt hoạt động của sàn giao dịch vàng và chấm dứt huy động, cho vay vàng, thị trường vàng miếng từng bước được sắp xếp, tổ chức lại và quản lý chặt chẽ, nhu cầu vàng miếng ngày càng suy giảm, không còn “sốt vàng” như giai đoạn trước.

Ngân hàng Nhà nước cho biết qua theo dõi báo cáo, trong năm 2022 và 2023, người dân có xu hướng bán vàng miếng cho hệ thống tổ chức tín dụng và doanh nghiệp cho thấy nhu cầu vàng miếng của người dân đã giảm. Như vậy, tình trạng vàng hóa đang dần được đẩy lùi, một phần nguồn lực vàng trong dân đã được chuyển hóa thành tiền, phục vụ cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội.