Giá vàng thế giới tăng bùng nổ do lợi suất trái phiếu và đồng USD cùng giảm
Đồng USD giảm giá và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đi xuống là động lực cho phiên bứt phá của giá vàng...
Giá vàng thế giới bất ngờ nhảy gần 30 USD/oz khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD cùng đi xuống, nhưng giá vàng miếng trong nước sáng nay (20/1) tăng khá dè dặt, thậm chí có nơi đi ngang. Giá USD tự do sụt mạnh khỏi mốc 23.600 đồng, giá USD ngân hàng cũng đi xuống.
Trong phiên ngày thứ Tư tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 26,7 USD/oz, tương đương tăng gần 1,5%, chốt ở 1.841,3 USD/oz.
Đà tăng duy trì trong phiên sáng nay tại thị trường châu Á. Lúc hơn 10h theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở 1.842,3 USD/oz, tăng 1 USD/oz so với đóng cửa phiên liền trước tại Mỹ. Mức giá này tương đương gần 50,7 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan. So với sáng qua, giá vàng thế giới quy đổi hiện tăng 800.000 đồng/lượng.
Đồng USD giảm giá và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đi xuống là động lực cho phiên bứt phá của giá vàng.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm về mức 95,5 điểm trong phiên sáng nay, từ mức 95,8 điểm vào sáng qua. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng đã hạ về mức 1,85% sau khi lập đỉnh hơn 2 năm ở mức hơn 1,9% trong phiên trước.
Ngoài ra, giá vàng còn được hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị liên quan đến Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 19/1 cho rằng Nga sẽ quyết định tấn công quân sự Ukraine và trong trường hợp đó Moscow sẽ đối mặt “thảm hoạ” trừng phạt của phương Tây.
Nhà phân tích cấp cao của Edward Moya nói rằng việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ dịu đi đã giúp vàng bứt phá về mặt kỹ thuật, nhưng nhiều khả năng giá kim loại quý này sẽ tiếp tục ở trong vùng 1.800-1.840 USD/oz cho tới khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào tuần tới.
Khả năng Fed đẩy nhanh thắt chặt chính sách tiền tệ, với đợt tăng lãi suất đầu tiên có thể diễn ra vào tháng 3, được cho là sẽ gây nhiều áp lực giảm giá đối với vàng – kênh đầu tư không mang lãi suất – trong năm nay.
“Thị trường vàng vẫn đang chịu sự chi phối chính từ kỳ vọng về chính sách tiền tệ của Fed”, nhà phân tích Kyle Rodda của IG Markets nhận định. Theo ông Rodda, căng thẳng địa chính trị có thể là một động lực để mua vàng, nhưng “trong bức tranh lớn, đây chỉ là một vấn đề nhỏ so với chính sách của Fed”.
Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 61,3 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,75 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 52,85 triệu đồng/lượng và 53,55 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 61,15 triệu đồng/lượng và 61,75 triệu đồng/lượng, đi ngang so với sáng qua.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn chưa đầy 11 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 11,8 triệu đồng/lượng vào sáng qua. Chênh lệch rút ngắn nhanh là do giá vàng miếng tăng không đáng kể so với mức tăng lớn của giá vàng thế giới. Đầu tuần trước, có lúc chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới lên ngưỡng 12,3-12,4 triệu đồng/lượng.
Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.480 đồng (mua vào) và 23.540 đồng (bán ra), giảm tương ứng 70 đồng và 60 đồng so với sáng qua.
Tại Vietcombank, báo giá USD sáng nay là 22.500 đồng và 22.830 đồng, giảm 20 đồng so với sáng qua.