Dự định của Fed khiến giới đầu tư bất an
Giờ đây, giới đầu tư còn bất an hơn khi Fed bắt đầu tính đến việc cắt giảm quy mô của bảng cân đối kế toán...
Tháng 12 vừa qua, thị trường tài chính toàn cầu đã trải qua những phiên giao dịch đầy lo lắng sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tuyên bố Fed sẽ đẩy nhanh tiến độ cắt giảm chương trình mua tài sản và dự kiến tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022. Giờ đây, giới đầu tư còn bất an hơn khi Fed bắt đầu tính đến việc cắt giảm quy mô của bảng cân đối kế toán.
Hôm 5/1/2022, Fed công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 14-15/12/2021, trong đó nói rằng một số quan chức của Fed tin đã đến lúc phải thu hẹp danh mục trị giá gần 8,8 nghìn tỷ USD gồm trái phiếu và các tài sản khác. Họ nói việc giảm bảng cân đối kế toán này cần triển khai sớm sau khi Fed bắt đầu nâng lãi suất. Biên bản cũng nói lãi suất cần được nâng “sớm hơn hoặc với tốc độ nhanh hơn so với dự định trước đây của các thành viên dự họp”. Phố Wall hiện đang đặt cược khả năng hơn 60% Fed sẽ nâng lãi suất ngay từ tháng 3 này để “ghìm cương” lạm phát.
Thị trường xem việc Fed bàn đến việc cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ cắt giảm mua tài sản và tăng lãi suất, là một dấu hiệu cho thấy Fed có thể trở nên cứng rắn hơn và quyết liệt hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm 2022.
“KHÓ CÓ CHUYỆN FED LÙI BƯỚC”
Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm mạnh trong phiên ngày 5/1 sau khi biên bản cuộc họp Fed được công bố. Chỉ số Dow Jones sụt 1,1% từ mức kỷ lục thiết lập trong phiên trước đó, chỉ số Nasdaq thậm chí mất 3,3%.
Trao đổi với tờ Wall Street Journal, bà Julia Coronado – nhà sáng lập Công ty tư vấn kinh tế MacroPolicy Perspective – nói rằng bà vốn dự báo Fed bắt đầu nâng lãi suất từ tháng 6, nhưng sau khi biên bản cuộc họp tháng 12 được công bố, bà đẩy nhanh dự báo đó lên tháng 3. “Fed sẽ khẩn trương nâng lãi suất từ tháng 3 tới. Thật khó có điều gì có thể khiến họ lùi bước”, chuyên gia kinh tế Neil Dutta thuộc Công ty nghiên cứu Renaissance Macro nhận định.
Biên bản cuộc họp Fed cho thấy hầu hết các quan chức trong Uỷ ban Thị trường mở (FOMC) – cơ quan đưa ra quyết sách trong Fed - đều dự tính ít nhất tăng lãi suất 3 lần, mỗi lần tăng 0,25 điểm phần trăm trong năm nay. Mới hồi tháng 9, khoảng một nửa quan chức FOMC tin rằng có thể đợi đến năm 2023 mới cần tăng lãi suất. Như vậy, áp lực lạm phát đã khiến Fed thanh đổi lập trường một cách chóng vánh.
Trong phần lớn thời gian của năm 2021, các quan chức cấp cao trong Fed giữ quan điểm rằng giá cả tăng mạnh chẳng qua do những nút thắt trong chuỗi cung ứng và sẽ tự điều chỉnh về bình thường. Tuy nhiên, trước cuộc họp tháng 12, ông Powell đã thừa nhận lạm phát hoá ra không phải là vấn đề tạm thời như Fed đã tưởng, và các quan chức khác của ngân hàng trung ương này cũng nhanh chóng chia sẻ quan điểm với vị Chủ tịch của họ.
“Các thành viên dự họp nhìn chung tiếp tục dự báo lạm phát sẽ giảm đáng kể theo thời gian trong năm 2022 khi những nút thắt chuỗi cung ứng được tháo gỡ, nhưng phần lớn cho rằng họ sẽ phải điều chỉnh tăng nhiều mức dự báo lạm phát cho năm 2022, và nhiều người cũng làm tương tự đối với năm 2023”, biên bản viết.
Một dấu hiệu rõ nét cho thấy nỗi lo lạm phát của các quan chức Fed là việc họ quyết định đẩy nhanh cắt giảm chương trình mua tài sản. Với tốc độ cắt giảm gia tăng, chương trình mua mỗi tháng 120 tỷ USD trái phiếu kho bạc và trái phiếu đảm bảo bằng nợ bất động sản của Fed dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 3, thay vì tháng 6 như dự định ban đầu. Fed muốn kết thúc chương trình mua tài sản này trước khi bắt đầu nâng lãi suất.
Fed vốn đề ra hai tiêu chuẩn để bắt đầu nâng lãi suất trở lại, một là lạm phát vượt mục tiêu 2% và hai là thị trường lao động đạt tới trạng thái toàn dụng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của Mỹ tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1982 và cao gấp hơn 3 lần mục tiêu lạm phát của Fed. Biên bản cuộc họp vừa công bố cho thấy hầu hết các quan chức FOMC tin rằng mục tiêu thị trường lao động toàn dụng sẽ sớm đạt được, vì các doanh nghiệp vẫn đang đẩy mạnh việc tuyển dụng nhân sự.
NÉT MỚI TRONG CHU KỲ THẮT CHẶT CỦA FED
Sự dịch chuyển lập trường của Fed một lần nữa cho thấy áp lực lạm phát leo thang và lan rộng trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt đã định hình lại triển vọng kinh tế và kế hoạch chính sách tại ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới như thế nào. Các quan chức Fed giờ đây nhận thấy nhu cầu gia tăng đang đẩy giá cả lên cao, ngay cả khi các nút thắt chuỗi cung ứng và sự khan hiếm một số mặt hàng như ô tô dịu bớt. “Đang có một rủi ro thực sự vào thời điểm này. Tôi tin rằng lạm phát sẽ kéo dài hơn và nguy cơ lạm phát cao dai dẳng đã tăng lên”, ông Powell thừa nhận tại họp báo sau cuộc họp của Fed hôm 14-15/12.
Một tin tốt là biên bản cho thấy trong lần họp vừa rồi các quan chức Fed không xem biến chủng Omicron của Covid-19 là một trở ngại lớn đối với nền kinh tế Mỹ, dù khi biến Omicron mới xuất hiện, một số quan chức Fed đã gọi biến chủng này là một rủi ro.
Bảng cân đối kế toán của Fed đã tăng gấp đôi trong gần 2 năm qua, lên mức 8,8 nghìn tỷ USD, khi Fed chi 120 tỷ USD để mua tài sản mỗi tháng, theo đó bơm tiền vào nền kinh tế để vực dậy tăng trưởng sau cú sốc suy thoái do Covid-19 gây ra. Chương trình mua tài sản của Fed kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách giữ lãi suất dài hạn ở mức thấp, khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp vay mượn và chi tiêu. Về lý thuyết, việc này cũng thúc đẩy thị trường tài chính bằng cách khuyến khích nhà đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và các tài sản khác.
Sau khi dừng mua tài sản, Fed có thể giữ bảng cân đối kế toán ổn định bằng cách tái đầu tư số tiền thu về từ những trái phiếu đáo hạn vào trái phiếu mới, và cách làm này sẽ có ảnh hưởng trung tính đối với nền kinh tế. Một lựa chọn khác là Fed có thể để cho danh mục tài sản tự động thu hẹp bằng cách không tái đầu tư vào trái phiếu mới khi trái phiếu cũ hết hạn. Cách làm này đồng nghĩa với một dạng thắt chặt chính sách.
Trong chu kỳ thắt chặt của thập kỷ trước, Fed đã giữ bảng cân đối kế toán ổn định trong khoảng 2 năm sau lần nâng lãi suất đầu tiên, rồi giảm dần mức nắm giữ tài sản kể từ năm 2017. Biên bản cuộc họp tháng 1 cho thấy hầu hết quan chức tại cuộc họp tin rằng lần này, Fed nên bắt đầu cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán sớm hơn vì nền kinh tế đang tăng trưởng tốt hơn, lạm phát cao hơn, và danh mục tài sản cũng lớn hơn nhiều so với trước đây. Ngoài ra, họ cũng muốn tốc độ giảm của bảng cân đối kế toán lần này phải nhanh hơn lần trước.
Theo bà Coronado, biên bản cho thấy trong chu kỳ thắt chặt này, việc cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán của Fed “sẽ là một nét nổi bật hơn so với trong chu kỳ thắt chặt trước”.
Cuộc thảo luận về thu hẹp bảng cân đối kế toán có thể tiếp tục trong cuộc họp tới của Fed, dự kiến diễn ra vào ngày 25-26/1/2022 sắp tới.