07:00 08/03/2023

Giấy phép lao động cho người nước ngoài: Linh hoạt nhưng đảm bảo nguyên tắc tuân thủ pháp luật

Mộc Minh

Để được làm việc tại Việt Nam một cách hợp pháp, người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài cần tuân thủ nghiêm chỉnh quy định về việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Với nhu cầu tuyển dụng người lao động nước ngoài tăng cao, ngày càng có nhiều lao động nước ngoài đăng ký vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn tại Việt Nam. Do đó, giấy phép lao động là chứng chỉ chính thức do cơ quan lao động cấp cho phép người sở hữu nó được làm việc hợp pháp tại Việt Nam. 

Văn bản pháp luật hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép lao động tại Việt Nam hiện nay là Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) và Nghị định 152/2020 NĐ-CP (ngày 30/12/2020), thay thế Nghị quyết 105/2021 của Chính phủ, quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Theo đó, vấn đề thẩm định, cấp phép cho người lao động nước ngoài theo Nghị định 152 rất chặt chẽ nên nhiều doanh nghiệp gửi hồ sơ lên đều được trả lại để bổ sung. Điều đó dẫn đến chậm trễ trong cấp mới, cấp lại giấy phép lao động cho lao động nước ngoài.

SIẾT QUY ĐỊNH LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI

Hiện nhiều doanh nghiệp nước ngoài thuộc Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu (Eurocham) cho biết, thời gian làm thủ tục để có được giấy phép lao động đang bị kéo dài. Theo luật, cơ quan lao động sẽ xem xét hồ sơ và trả kết quả trong 10 ngày làm việc và 5 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ. Tuy nhiên, theo báo cáo từ các doanh nghiệp thành viên Eurocham, có công ty cần 2,5 tháng để hoàn tất thủ tục và được cấp giấy phép lao động.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM: "Việc thực hiện giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài của doanh nghiệp chưa đảm bảo các quy định hiện hành" - Ảnh: PC.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM: "Việc thực hiện giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài của doanh nghiệp chưa đảm bảo các quy định hiện hành" - Ảnh: PC.

Tại buổi đối thoại "Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài" diễn ra vào chiều ngày 07/3/2023, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết việc triển khai cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài trên địa bàn thành phố đã được thực hiện tốt.

Tuy nhiên, có những vướng mắc xảy ra còn do một số doanh nghiệp nước ngoài khi làm thủ tục cấp giấy phép lao động chưa đảm bảo khi chuẩn bị các hồ sơ liên quan đến giấy phép lao động. Cụ thể, việc thực hiện giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài của doanh nghiệp chưa đảm bảo các quy định hiện hành.

Trong quá trình nộp hồ sơ cấp giấy phép lao động, các doanh nghiệp thường mắc phải một số nội dung chưa đảm bảo điều kiện như: Việc hợp pháp hóa lãnh sự, sao y chứng thực và dịch công chứng; nội dung liên quan đến chuyên môn đào tạo, kinh nghiệm làm việc của người nước ngoài thiếu thông tin cụ thể hoặc không thống nhất với báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài.

Thể thức trình bày văn bản cũng chưa đảm bảo quy định, thiếu thông tin, thông tin chưa chính xác, tẩy xóa nhiều, hồ sơ nộp trực tuyến và hồ sơ giấy chưa thống nhất…

Một nội dung nữa được nhiều công ty nước ngoài thắc mắc, đó là khó khăn trong việc chứng minh kinh nghiệm làm việc của người lao động nước ngoài. Vì theo Nghị định 152 (điều 9), một trong các giấy tờ cần nộp cho vị trí chuyên gia đó là Bằng đại học và Giấy xác nhận ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo. Eurocham đề xuất linh động cho phép doanh nghiệp nộp Giấy phép lao động cũ đã cấp trước đây của chuyên gia để làm bằng chứng cho việc họ đã từng thỏa mãn điều kiện chuyên gia.

Ngoài ra, khó khăn trong việc bằng cấp phải phù hợp với công việc dự kiến làm việc. Ví dụ, có nhiều trường hợp chuyên gia làm việc trái ngành nên không thể có bằng đại học liên quan trực tiếp đến công việc. Điều này gây khó khăn cho việc xin giấy phép lao động cho vị trí chuyên gia.

Eurocham kiến nghị sửa đổi như Nghị quyết 105, bãi bỏ yêu cầu kinh nghiệm làm việc phải trong chuyên ngành được đào tạo. Tức là chuyên gia chỉ cần có bằng đại học, không nhất thiết bằng đại học phải liên quan trực tiếp đến vị trí công việc mà người lao động dự kiến làm việc. Ví dụ trong các trường quốc tế, hiện nay đòi hỏi phải có bằng đúng chính xác chuyên ngành dạy sẽ gây cản trở việc có được giáo viên quốc tế tại Việt Nam.

Về vấn đề bằng đại học chuyên ngành phù hợp với công việc, đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho rằng đối với bằng cấp phải phù hợp với kinh nghiệm làm việc. Khoản 6, Điều 3, Nghị định 152 đã ghi rõ: chuyên ngành đào tạo phải phù hợp với công việc của người nước ngoài.

Nội dung này không mới. Doanh nghiệp cũng yêu cầu vấn đề bằng cấp đối với công việc người nước ngoài. Đặc biệt, với bác sỹ, giáo viên thì phải tuân thủ nguyên tắc chuyên môn. Không thể một giáo viên chuyên ngành về mỹ thuật lại có thể dạy toán được…

TIẾP TỤC RÚT NGẮN THỜI GIAN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tại buổi đối thoại, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM đã cung cấp thông tin và hướng dẫn truy cập vào Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố Hồ Chí Minh triển khai vào cuối tháng 10/2022 (https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn).

Đặc biệt, sau khi nộp trực tuyến, doanh nghiệp có thể đem hồ sơ giấy đến nộp tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM và tại đây có bố trí cán bộ tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả để hướng dẫn, giải thích các nội dung liên quan cho người dân, doanh nghiệp khi đến nộp hồ sơ. Các hồ sơ của tổ chức, doanh nghiệp nộp theo đúng quy định đều được giải quyết đúng thời gian hẹn trả kết quả theo đúng quy định.

Trong thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM cũng đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính gồm: Báo cáo giải trình/giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài từ 10 ngày làm việc xuống còn 7 ngày làm việc (rút ngắn 30% thời gian giải quyết so với quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP); cấp lại giấy phép lao động rút ngắn từ 3 ngày làm việc xuống còn một ngày.

Đồng thời, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM sẽ rà soát và tiếp tục đề xuất rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính đối với 2 thủ tục: Gia hạn giấy phép lao động và xác nhận người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động từ 5 ngày làm việc xuống 3 ngày làm việc trong thời gian sắp tới.

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC, cho biết hiện thành phố đang tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, gắn chương trình phục hồi kinh tế với các chương trình phát triển đô thị; cải thiện hạ tầng giao thông… để tạo nền tảng phát triển bền vững trong dài hạn. Song song đó, tập trung công tác cải cách hành chánh, giải quyết từng vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm, như vấn đề giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài…

Chính quyền thành phố mong muốn thông qua việc giải quyết các vướng mắc trong thủ tục cấp giấy phép cho lao động cho người lao động nước ngoài sẽ góp phần đơn giản hóa quy trình, tạo thuận lợi nhất cho chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc.

 

Nghị định số 152/2020/NĐ-CP quy định lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo các hình thức sau: Thực hiện hợp đồng lao động; di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế; nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng; chào bán dịch vụ; làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam; tình nguyện viên; người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại; nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật; tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam; thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam được phép làm việc tại Việt Nam theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Nghị định quy định trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND cấp tỉnh) nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc...

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc UBND cấp tỉnh có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận về việc sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo giải trình hoặc báo cáo giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.

Ngoài ra, Nghị định cũng nêu rõ trước khi tuyển người lao động nước ngoài, nhà thầu có trách nhiệm kê khai số lượng, trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm của người lao động nước ngoài cần tuyển để thực hiện gói thầu tại Việt Nam và đề nghị tuyển người lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển người lao động nước ngoài với Chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi nhà thầu thực hiện gói thầu.