Nới quy định cấp phép cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội trong tháng 9/2021 chỉ đạo các địa phương thực hiện linh hoạt, nới lỏng một số quy định về việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới…
Tại Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 mới được ban hành, Chính phủ yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi về lao động và chuyên gia.
Theo đó, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội trong tháng 9/2021, chỉ đạo các địa phương thực hiện linh hoạt, nới lỏng một số quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới nhưng phải tuyệt đối an toàn về phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP thực hiện như sau: Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.
Quy định tại điểm a khoản 6 Điều 3 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP thực hiện như sau: Được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành khác ít nhất 1 năm và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.
Quy định tại điểm b khoản 4 Điều 9 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP thực hiện như sau: Giấy tờ chứng minh chuyên gia, lao động kỹ thuật là: Văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận; văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài về số năm kinh nghiệm của chuyên gia, lao động kỹ thuật hoặc giấy phép lao động đã được cấp để chứng minh kinh nghiệm.
Quy định tại điểm d khoản 3 Điều 8, khoản 7 Điều 9, khoản 5 Điều 17 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP thực hiện như sau: Bản sao hộ chiếu còn giá trị theo quy định của pháp luật.
Cho phép người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động và đang còn hiệu lực được cử, điều động hoặc biệt phái đến làm việc tại tỉnh, thành phố khác với thời hạn không quá 6 tháng. Người sử dụng lao động phải báo cáo với cơ quan quản lý lao động nơi người lao động nước ngoài đến làm việc mà không phải làm lại giấy phép lao động.
Theo báo cáo về tình hình quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến hết tháng 3/2021, cả nước có 101.550 lao động nước ngoài đang làm việc. Trong đó, số lao động thuộc diện được cấp phép lao động mới hoặc cấp lại chiếm tới hơn 93%.
Người lao động nước ngoài đến từ 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó phần lớn là từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Số lao động này chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn hoặc các địa phương có dự án lớn với nhiều nhà thầu nước ngoài thi công như: Hà Nội, Bắc Giang, Long An, Tp.HCM…
Khảo sát của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hầu hết lao động mà các doanh nghiệp đang thiếu hụt là vị trí nhà quản lý, chuyên gia dự án ở các công trình trọng điểm. Tình hình tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ, thời gian hoàn thành các hạng mục công trình, dự án trọng điểm, cấp thiết.
Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu quay trở lại Việt Nam làm việc của lao động nước ngoài tiếp tục tăng, tập trung chủ yếu là nhóm lao động kỹ thuật cao, chuyên gia có kinh nghiệm quản lý và đã được cấp phép lao động hoặc đủ điều kiện để cấp giấy phép.