06:00 17/08/2021

Giới siêu giàu chi tiền mua kim cương online

Minh Nguyệt

Dịch Covid-19 đang đẩy nhanh các xu hướng tiêu dùng  hiện đại, góp phần định hình lại ngành công nghiệp kim cương. Chuỗi giá trị của trang sức kim cương, đá quý đang được kỹ thuật số hơn dù các cửa hàng truyền thống vẫn không bị mất chỗ đứng...

Thương mại điện tử đã phát triển mạnh trong lĩnh vực mà thường thì người mua chỉ thích “ngắm tận mắt, sờ tận tay”. Năm 2020, có khoảng 20% doanh số bán lẻ diễn ra trực tuyến, trong đó, các doanh nghiệp bán lẻ trang sức kim cương công bố tăng trưởng doanh số 60 - 70% so với cùng kỳ năm 2019 trên các kênh trực tuyến của họ.

Việc đóng cửa biên giới, hạn chế di chuyển giữa các quốc gia và những bất ổn kinh tế đã làm giảm doanh số bán trực tiếp đồ trang sức đá quý, kim cương của các doanh nghiệp và nhu cầu về trang sức đá quý của khách hàng cũng trở nên nội địa hóa hơn.

ĐẠI DỊCH, THAY VÌ DU LỊCH THÌ MUA KIM CƯƠNG

Các nhà máy tại thành phố Surat (Ấn Độ) - thủ phủ chế tác kim cương của thế giới – hiện đang săn lùng các thợ cắt và đánh bóng lành nghề với mức lương tăng 50% với những ưu đãi như miễn phí đồ ăn, thuê nhà ở. Hãng khai thác kim cương De Beers đang lên kế hoạch cho đợt bán kim cương thô lớn nhất của mình trong ba năm qua. Đối thủ Alrosa cũng dự báo đà hồi phục sẽ còn kéo dài.

Suốt nhiều năm qua, kim cương luôn đối mặt với cạnh tranh ngày càng tăng từ du lịch, do cùng thuộc nhóm chi tiêu xa xỉ. Tuy nhiên, hai năm nay, khi đại dịch khiến người tiêu dùng phải ở nhà, họ bắt đầu chuyển sang mua online. "Mọi người không chỉ học được cách làm từ xa, mà còn mua sắm từ xa, kể cả với kim cương," Giám đốc bán hàng của Alrosa - Evgeny Agureev cho biết trong một cuộc phỏng vấn. "Số tiền thường được chi cho các chuyến du lịch, hay ăn tối tại nhà hàng sang trọng, thì nay được chuyển phần nào sang mua kim cương. Doanh số bán online năm 2020 của chúng tôi đã tăng gấp đôi, lên gần 20% tổng doanh thu".

Dịch bệnh khiến mọi người không chỉ học được cách làm từ xa, mà còn mua sắm  từ xa, kể cả với kim cương.
Dịch bệnh khiến mọi người không chỉ học được cách làm từ xa, mà còn mua sắm  từ xa, kể cả với kim cương.

Ấn Độ - nơi 90% kim cương được cắt hoặc đánh bóng - đã nhập khẩu gần 2 tỷ USD kim cương thô vào tháng trước. Các thợ cắt và đánh bóng phải chạy đua với thời gian để đáp ứng nhu cầu khách hàng.  Hãng De Beers và Alrosa vì thế đã tăng giá, nhằm gỡ lại phần nào doanh thu bị tổn thất hồi năm ngoái. Bất chấp giá tăng 5%, khách hàng của De Beers vẫn mua vào.

Tại Mỹ, thương hiệu trang sức kim cương Forevermark cũng đã tăng trưởng hai con số mỗi tháng so với cùng kỳ năm ngoái. "Tôi nghĩ trong mùa Covid-19, một số khách hàng tăng mua trang sức một phần vì nó có thể là món đồ cất trữ giá trị", CEO Macy’s Jeffrey Gennette nhận xét.

Trong ba tháng đầu năm 2021, nhóm trang sức phân phối online là phân khúc phục hồi mạnh mẽ nhất của Tập đoàn Richemont, với doanh thu của các thương hiệu trang sức cao cấp tăng 2%, đạt 7,80 tỷ USD. Đây là kết quả của việc khai trương cửa hàng Cartier online đầu tiên trên nền tảng Tmall do Tập đoàn Alibaba điều hành.

Tại Tiffany, doanh số online toàn cầu tính đến quý 2 cũng đã tăng 23%. Hiện doanh số bán hàng trực tuyến của hãng này chiếm 15% tổng doanh thu, tăng hơn gấp đôi so với mức 6% trong ba năm liền trước đó. Tương tự, doanh số online của Pandora tăng 30%, thương hiệu Kering tăng 21% và tăng đến ba con số ở Trung Quốc.

SHOWROOM THỰC TẾ ẢO VÀ GIAO DỊCH ONLINE

Trên toàn thế giới và ở cả Việt Nam, các nhà bán lẻ kim hoàn đang tích cực sử dụng mạng di động, dữ liệu lớn, chuỗi cung ứng điện tử và thậm chí cả blockchain để liên tục nâng cấp quy trình kinh doanh, đồng thời trang bị các thiết bị đầu cuối thông minh tại các cửa hàng. Chẳng hạn, Alrosa,  công ty khai thác kim cương của Nga, đã tổ chức một cuộc đấu giá kim cương thô trên nền tảng kỹ thuật số, cho phép người dùng thỏa thuận và ký hợp đồng giao dịch những viên đá đắt tiền này, bất chấp lệnh hạn chế đi lại giữa các quốc gia.

 
Các thương hiệu trang sức xa xỉ thậm chí đã có một bước tiến xa hơn: ra mắt những showroom hoặc cửa hàng thực tế ảo, có thể được truy cập từ xa trên các thiết bị cá nhân, với trải nghiệm chân thực và tiện lợi cho mọi khách hàng.

Một số doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm trang sức, đá quý thì đã và đang ứng dụng công nghệ vào kinh doanh nhằm cung cấp tới khách hàng những trải nghiệm tuyệt vời. Chẳng hạn như Cartier đã đi đầu trong thị trường đồ trang sức mỹ nghệ trực tuyến, thương hiệu đã thu hút một lượng khá lớn khách hàng trẻ, sành điệu đến với các sự kiện theo mùa của mình.

Các công ty kim hoàn của Mỹ như Macy’s, Nordstrom đều là gương mặt quen thuộc trên Amazon. Sản phẩm của các thương hiệu này được giao hàng trên toàn cầu từ sản phẩm giá thấp đến hơn vài tỉ đồng. Đây là minh chứng rõ nhất cho các doanh nghiệp kim hoàn đầu tư bài bản vào bán hàng đa kênh.

Hãng đồng hồ và trang sức xa xỉ Piaget cũng đã tiếp thu tinh thần công nghệ và phát triển đa dạng kênh trải nghiệm hướng tới khách hàng, bắt đầu từ việc triển khai các điểm chạm mới như hợp tác với các kênh thương mại điện tử (Net-a-porter, Feng Mao, TMALL). Trong đó có một bước tiến xa hơn: cửa hàng ảo riêng ở từng quốc gia, có thể được truy cập từ xa trên các thiết bị cá nhân, với trải nghiệm chân thực và tiện lợi cho mọi khách hàng.

Một showroom thực tế ảo của hãng trang sức xa xỉ Cartier.
Một showroom thực tế ảo của hãng trang sức xa xỉ Cartier.

Tại Việt Nam, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng đã khai thác tiềm năng của hình thức thương mại đối thoại thông qua hợp tác với Facebook Messenger. PNJ tập trung giới thiệu các sản phẩm của mình trên Facebook và kết nối trực tuyến với khách hàng. Chỉ tính riêng trong quý 1/2021, doanh số bán hàng trực tuyến của công ty đã tăng trưởng vượt bậc ở mức hơn 400% so với cùng kỳ. Theo đó, kênh online đang đóng vai trò hỗ trợ đắc lực cho đà tăng trưởng của PNJ bên cạnh kênh bán hàng truyền thống.

Trong bối cảnh “sống chung với dịch” và mong muốn mang đến những đơn hàng kịp thời và an toàn, hãng DOJI và Thế giới kim cương cũng đã đẩy mạnh dịch vụ mua hàng online miễn phí trên toàn quốc cho mọi đơn hàng. Tại website của hãng, chỉ cần vài cú click chuột, khách hàng đã có thể nhanh chóng chọn lựa cho mình các sản phẩm ưng ý. Đồng thời, khi phát sinh các nhu cầu, khách hàng sẽ được tư vấn kịp thời qua fanpage hoặc hotline bởi các tư vấn viên online.

Theo ông Đỗ Huy Thành, Giám đốc điều hành Huy Thanh Jewelry, trước kia, khách hàng mua online không mấy mặn mà với kim cương và trang sức xa xỉ là vì sự thiếu minh bạch và khó ngắm nhìn mẫu mã. Nhưng giờ đây, thương mại điện tử đã tạo ra sức ép khiến doanh nghiệp phải minh bạch thông tin, và công nghệ đã giúp sản phẩm được quan sát 360 độ, nên đã xóa bỏ được các hạn chế trước kia. Nhằm chứng minh sự minh bạch, một số doanh nghiệp thậm chí đã tính đến phương án sử dụng công nghệ blockchain giúp truy xuất nguồn gốc kim cương trong suốt quá trình từ hầm khai thác đến tay người tiêu dùng. 

 
Năm 2020, doanh số bán hàng toàn cầu của thị trường bán lẻ trang sức kim cương giảm 15%, chỉ đạt giá trị 64 tỷ USD. Nhưng theo một cuộc khảo sát của Bain & Company, sau đại dịch Covid, có từ 75 - 80% người tiêu dùng cho biết họ có ý định chi tiêu bằng hoặc nhiều hơn cho trang sức kim cương so với số tiền trước khi dịch xảy ra.