10:16 09/08/2021

Eco Fashion thức tỉnh bởi đại dịch

Minh Nguyệt

Covid-19 đã khiến hầu hết các chương trình biểu diễn, sự kiện ra mắt sản phẩm của ngành công nghiệp thời trang bị trì hoãn. Tuy nhiên, khó khăn lại tạo ra chuyển biến tích cực về nhận thức khi các nhãn hàng quan tâm nhiều hơn đến trách nhiệm với môi trường...

Trong bối cảnh khắp nơi trên thế giới đều cất lên tiếng nói chống biến đổi khí hậu, nhất là khi ngành thời trang ngày càng lộ rõ những tác động xấu lên môi trường, thì không có lý do gì giới thiết kế thời trang, đặc biệt các thương hiệu cao cấp, lại có thể đứng ngoài cuộc. Họ buộc phải chuyển mình để hướng tới những sản phẩm “xanh” hơn, xu hướng tiêu dùng thân thiện hơn. 

THỜI TRANG “XANH” THAY THẾ THỜI TRANG “NHANH”

Thời trang không nằm ngoài vùng ảnh hưởng bởi Covid-19, khi mọi người đang định hình lại cuộc sống của mình và chi tiêu thông minh hơn so với trước đây. Theo nhận định từ nhiều chuyên gia trên thế giới, thời trang nhanh sẽ suy giảm đến 24% trong vòng 5 năm tới đây. Khi đó, thời trang bền vững sẽ có sự phát triển và bước chân trong việc mở rộng thêm thị phần. Từ đó, những doanh nghiệp trong ngành buộc phải chuyển mình mạnh mẽ để có thể tồn tại lâu dài.

Không lấy gì làm lạ khi những nhãn hàng trên thế giới lần lượt ra mắt các bộ sưu tập Eco Fashion. Có thể thấy rõ nhất qua hình sản phẩm đẹp mắt trong bộ sưu tập Gucci Off The Grid hay Gucci Xuân – Hè 2020, hay bộ sưu tập The Clean Classics của Adidas, được hình thành bởi các nguyên liệu tái chế và nhận được sự đón nhận nồng hậu từ người yêu thời trang. Xu hướng Eco Fashion cũng được lan tỏa với nhiều sản phẩm sáng tạo mới ra mắt, như bộ sưu tập phụ kiện hợp tác giữa Amber Valletta và hãng Karl Lagerfeld sử dụng các chất liệu bông hữu cơ và da được làm từ cây xương rồng, dự kiến sẽ sớm được ra mắt vào mùa xuân năm 2022…

Mới đây, Hội đồng Thời trang Anh quốc và thương hiệu thời trang xa xỉ Burberry cũng đã thí điểm một dự án có tên ReBurberry. Theo đó, hãng thời trang đã quyên góp vật liệu vải không sử dụng để hỗ trợ các trường cao đẳng và thương hiệu khác. Sau đó, các thương hiệu cao cấp Dunhill, McQueen cũng đã bắt đầu quyên góp những phần vải dư thừa của họ, nhằm hỗ trợ miễn phí cho sinh viên thời trang hay các nhà thiết kế tìm kiếm nguồn vải phục vụ cho công việc...

Ngành thời trang đã nhận diện được trách nhiệm lớn lao của mình trong việc thay đổi cách thức vận hành vốn có phần lãng phí tài nguyên.
Ngành thời trang đã nhận diện được trách nhiệm lớn lao của mình trong việc thay đổi cách thức vận hành vốn có phần lãng phí tài nguyên.

Theo ThredUp dự đoán, những nhà phân phối thời trang bền vững sẽ sở hữu gần 1/3 thị trường ngành vào năm 2027. Hơn nữa, nguồn tin này còn đề cập đến sự tăng trưởng của xu hướng xanh sẽ bắt nguồn từ thế hệ Millennials và thế hệ Z. Tại thị trường Việt, theo báo cáo Phát triển bền vững từ Nielsen, có 86% người dùng Việt sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm/ dịch vụ từ những công ty hoạt động tích cực trong việc bảo vệ môi trường.

Không nằm ngoài xu thế, nhiều nhà thiết kế Việt cũng định hướng cho mình xu hướng thời trang bền vững như: Võ Việt Chung, Linda Mai Phùng, Li Lam, Công Trí... Vincent Đoàn, nhà thiết kế gốc Việt đã thành lập thương hiệu thời trang cá nhân tại Mỹ, từng chia sẻ: “Thời trang bền vững là một hệ thống chứ không chỉ là một sản phẩm, khởi nguồn từ việc sản xuất ra nguyên vật liệu, cách thức để “chế biến” nguyên vật liệu đó cho đến công đoạn ra thành phẩm, được bày bán, đến tay người tiêu dùng và cách để nó được tái chế, tiếp tục phục vụ nhu cầu sử dụng của con người”.

Một số gương mặt trẻ trong ngành thời trang Việt cũng đã lựa chọn con đường Eco Fashion như: Nhà thiết kế Vũ Thảo (người tiếp cận với xu hướng bền vững ngay từ những ngày đầu bằng thương hiệu Kilomet109); nhà thiết kế Trần Hùng với bộ sưu tập Revival (Hồi sinh) được trình chiếu tại London Fashion Week 2021; nhà thiết kế Võ Công Khanh với đam mê tái chế Jeans…

TƯ DUY MỚI CHO ĐỒ HIỆU CŨ

Không chỉ quan tâm đến vấn đề môi trường, Covid-19 với nhiều khoảng thời gian cách ly cũng giúp hầu hết người tiêu dùng nhìn nhận rằng đã đến lúc cần phải tổ chức một cuộc sống có nhiều ý nghĩa và có trách nhiệm hơn. Ngành thời trang do đó đã nhận diện được trách nhiệm lớn lao của mình trong việc thay đổi cách thức vận hành vốn có phần lãng phí tài nguyên, quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm.

 
Theo nhận định từ nhiều chuyên gia trên thế giới, thời trang nhanh sẽ suy giảm đến 24% trong vòng 5 năm tới đây. Khi đó, thời trang bền vững sẽ có sự phát triển và bước chân trong việc mở rộng thêm thị phần. Từ đó, những doanh nghiệp trong ngành buộc phải chuyển mình mạnh mẽ để có thể tồn tại lâu dài.

Ellen MacArthur, nhà sáng lập quỹ phi lợi nhuận Ellen MacArthur Foudation, bày tỏ: "Để ngành công nghiệp thời trang phát triển mạnh trong tương lai, chúng ta phải thay thế mô hình "vứt bỏ" đang dần trở nên không hợp thời. Chúng ta cần một vòng tròn kinh tế cho thời trang, ở đó sản phẩm được giữ ở vị trí cao nhất của nó, được tính toán cẩn thận ngay từ lúc chuẩn bị tạo ra sản phẩm để không bao giờ lãng phí.

Từ đó, một trong những thay đổi cũng được tính vào xu hướng Eco Fashion là sự khởi sắc của thị trường đồ cũ, nhất là khi có bước chân gia nhập chính thức của hãng thời trang danh tiếng Gucci. Cuối năm 2020, Gucci công bố hợp tác với The RealReal, trang thương mại điện tử chuyên kinh doanh hàng cao cấp đã qua sử dụng có hơn 17 triệu người dùng. Theo đó, The RealReal sẽ mở một cổng kinh doanh riêng cho các sản phẩm secondhand của Gucci, còn Gucci cũng sẽ cung cấp thêm nhiều sản phẩm đồ cũ khác, chủ yếu là từ những bộ sưu tập mới chỉ dùng trong các buổi chụp hình quảng cáo.

Ngành thời trang buộc phải chuyển mình để hướng tới những sản phẩm “xanh” hơn, xu hướng tiêu dùng thân thiện hơn. 
Ngành thời trang buộc phải chuyển mình để hướng tới những sản phẩm “xanh” hơn, xu hướng tiêu dùng thân thiện hơn. 

Vài năm trước, hầu hết các thương hiệu cao cấp đều "đứng ngoài cuộc" việc ký gửi và bán lại đồ cũ. Tuy nhiên, tư duy này đang dần thay đổi và sự bùng nổ của thị trường đồ secondhand trong mùa dịch Covid-19 như chất xúc tác khiến các hãng thời trang không thể nằm ngoài cuộc chơi mới. Vẫn là những mẫu thiết kế chính hãng của Louis Vuitton, Chanel, Dior, Gucci, Burberry hay Hermes, vẫn là những sản phẩm với chất liệu cao cấp và đường may tỉ mỉ thế nhưng giá chỉ còn một nửa, một phần ba hoặc thậm chí là một phần năm giá gốc. Thay vì chỉ “săm soi” sản phẩm thời thượng thế nào, người tiêu dùng đang dần chú trọng vào sự tiện dụng, bền chắc để tránh lãng phí và bảo vệ môi trường xanh.

Các web trao đổi, mua bán hàng hiệu secondhand như The RealReal (Mỹ), Vestiaire Collective (Pháp) đều ghi nhận doanh thu tăng trưởng chất ngất thời dịch bệnh. Ngoài việc hàng hiệu sang tay là giải pháp hợp lý giúp họ sở hữu món đồ yêu thích với giá "mềm" hơn, người tiêu dùng cho rằng đây cũng là cách tránh lãng phí, giảm thiểu rác thải thời trang ra môi trường. Việc tái tạo vòng đời mới cho quần áo cũ đồng thời cũng đã giải quyết được vấn đề hàng tồn, nhu cầu thay đổi tủ đồ liên tục của giới trẻ.

Nói không ngoa, giới trẻ chính là những vị “thượng đế” có ảnh hưởng không nhỏ đến xu hướng “xanh”. Họ sẵn sàng dùng các món đồ cũ với mức độ nhanh đến 2,5 lần so với người dùng thông thường (theo báo cáo 2019 ThredUp Resale Report cùng với GlobalData). Có đến 40% người dùng mua các sản phẩm thời trang bền vững với độ tuổi từ 18 - 24. 

 
Theo tờ Women’s Wear Daily, người tiêu dùng đã dành hơn 7 tỷ giờ trực tuyến để tìm các sản phẩm thời trang bền vững, đạo đức, thời trang chậm và thân thiện với môi trường trong năm 2020. Đây là một tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ chúng ta đã ngày càng quan tâm đến chất lượng sống của con người và môi trường trên trái đất.