08:21 21/10/2024

Giúp nông dân chủ động trước “cú sốc” thị trường

Chu Khôi

Thị trường luôn có những biến động, thay đổi bất ngờ, trong khi người nông dân vẫn thiếu kiến thức và tâm lý “đứng núi này, trông núi nọ”. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “trồng - chặt” diễn ra nhiều năm qua tại Tây Nguyên - “Thủ phủ” của nhiều loại cây nông sản xuất khẩu chủ lực…

Nhiều nông dân ở Tây Nguyên canh tác nông nghiệp vẫn chạy theo biến động thị trường
Nhiều nông dân ở Tây Nguyên canh tác nông nghiệp vẫn chạy theo biến động thị trường

Tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX năm 2024 do Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, các đại biểu cho rằng để chủ động trước những “cú sốc” của thị trường, người nông dân phải học hỏi để tăng cường khả năng thích ứng.

NÔNG DÂN THIẾU KIẾN THỨC VỀ THỊ TRƯỜNG

Chia sẻ tại diễn đàn, một nông dân đến từ Tây Nguyên, cho biết hơn 10 năm trước anh trồng cà phê, vì khi đó cây cà phê cho lợi nhuận cao nhất. Giai đoạn 2012-2016, giá cà phê xuống thấp, trong khi giá tiêu tăng cao ngất ngưởng, lên tới 200 nghìn đồng/kg, lợi nhuận tới vài trăm triệu đồng/ha, vì thế anh chặt bỏ cây cà phê chuyển sang trồng hồ tiêu.

Tuy nhiên, giai đoạn 2017-2022, giá tiêu rớt giá thảm hại, nên từ năm 2022 đến nay, anh và nhiều người chặt bỏ cây tiêu, chuyển sang trồng sầu riêng, bởi loại cây này đang “hốt bạc”. Thế nhưng, cây sầu riêng mới trồng, phải 5-6 năm nữa mới cho trái, trong khi giá cà phê và giá tiêu đều cùng tăng cao nhưng không có sản phẩm để bán, rất tiếc nuối mà đành chịu.

Ông Lê Anh Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Bình Minh ở thôn Tân Sơn, xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, cho biết Hợp tác xã Bình Minh đang liên kết với 825 hộ nông dân trồng hồ tiêu theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, qua gần 7 năm hoạt động trong lĩnh vực hồ tiêu và cà phê, Hợp tác xã Bình Minh nhận thấy nhiều thách thức mà người nông dân phải đối mặt trong việc tối ưu hóa lợi nhuận từ sản xuất. Một trong những khó khăn lớn nhất là người nông dân vẫn thiếu kiến thức về thị trường và chưa có điều kiện để bảo quản nông sản đúng cách, nhất là trong thời điểm thu hoạch. Điều này làm gia tăng nguồn cung quá mức, dẫn đến giá trị xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề.

Từ thực tế này, ông Sơn kiến nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với các cấp Hội Nông dân địa phương tuyên truyền và hướng dẫn hội viên áp dụng các phương án giúp ổn định giá nông sản. Cụ thể, chỉ bán cà phê, hồ tiêu khi cần thiết, việc này giúp giảm áp lực cung ứng ra thị trường, giữ cho giá nông sản luôn ở mức cao. Không ký gửi nông sản cho các đơn vị thiếu uy tín để đảm bảo sản phẩm của nông dân được bảo quản tốt và không bị mất giá trị. Cần phải ngăn chặn tình trạng vay nóng để đầu cơ nông sản, điều này giúp hạn chế rủi ro tài chính và tránh tình trạng ép giá trong lúc thị trường biến động. Đối với người nông dân, cần đưa ra quyết định tài chính thông minh thay vì phản ứng hoảng loạn khi thị trường thay đổi.

Để bảo quản nông sản hiệu quả hơn, ông Sơn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị Chính phủ và chính quyền địa phương hỗ trợ nông dân xây dựng các kho bãi đạt chuẩn. Việc này không chỉ giúp ổn định giá cả nông sản, mà còn tăng năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ví dụ như cà phê, thu hoạch vào tháng 2/2023 giá chỉ 50.000 - 51.000 đồng/kg, nếu có hệ thống kho, bãi bảo quản được tốt hơn, thì đến tháng 4/2023, khi giá tăng cao sẽ bán được 134.000 - 134.200 đồng/kg. Tương tự, giá hồ tiêu, tháng 6/2023 chỉ từ 70.000 – 72.000 đồng/kg, nhưng đến tháng 6/2024 đã leo lên mức 176.000 – 180.00 đồng/kg. Mặc dù, hiệu quả đã rõ, song theo ông Đoàn, đây là vấn đề khá phức tạp, bởi doanh nghiệp nông nghiệp rất ngại phối hợp với bà con nông dân.

XÂY DỰNG, QUY HOẠCH LẠI HỆ THỐNG SẢN XUẤT

Thực tế cho thấy, nếu giá nông sản lên cao, nông dân lập tức bán ra ngoài mà không bán cho doanh nghiệp như cam kết phối hợp. “Nhiều doanh nghiệp cho biết thà không phối hợp, khi người nông dân cần người ta bán còn tốt hơn là phối hợp rồi họ phá vỡ cam kết. Vấn đề ở đây là chúng ta cần xem xét để làm sao có sự ràng buộc uy tín cho doanh nghiêp nông nghiệp và nông dân”, ông Đoàn nhấn mạnh.

Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số (VIDA), Trưởng Ban công tác kết nối Tiểu ban Nông nghiệp, thủy sản (EuroCham), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn, nông nghiệp nước ta về cơ bản vẫn còn là nền nông nghiệp quản trị tiểu nông nên rủi ro cao và hiệu quả thấp. Năm 2024, chúng ta phải chứng kiến những thách thức chưa từng có, từ các hiện tượng thời tiết bất thường, căng thẳng địa chính trị toàn cầu… đều tác động tiêu cực đến các hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các doanh nhân thể hiện sự năng động, bản lĩnh, quyết đoán để chuyển đổi mô hình phù hợp với tình hình mới.

Đồng tình, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn ThaiBinh Seed, cho rằng muốn nông nghiệp phát triển bền vững, trước hết, phải xây dựng và quy hoạch lại hệ thống sản xuất. Tiếp đến, xây dựng luật pháp làm sao để “phép vua không thua lệ làng”. Đồng thời, các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan phải hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng công nghệ số. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người nông dân kịp thời nắm bắt và thích ứng với những thay đổi của thị trường. Đối với người nông dân, phải làm sao để trở thành doanh nhân, cơ sở sản xuất nông nghiệp phải trở thành doanh nghiệp...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 43-2024 phát hành ngày 21/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Giúp nông dân chủ động trước “cú sốc” thị trường - Ảnh 1