Hiện nay, doanh nghiệp gỗ của Việt Nam đang trải qua nhiều khó khăn, tuy nhiên khó khăn đã tạm đi qua. Trong năm 2023 này, ông nhận định như thế nào về cơ hội cho các doanh nghiệp gỗ Việt Nam?
Ba năm qua, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ đối mặt với khó khăn do thiếu vốn, thiếu nguyên liệu đầu vào và giá tăng cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đã phải cắt giảm lao động, hạn chế sản xuất do không tiêu thụ được sản phẩm.
Tuy nhiên, bước sang năm 2023, thị trường gỗ Việt Nam cũng có những tín hiệu phát triển rất tốt. Việt Nam cũng đang là đất nước đứng thứ tư trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu gỗ. Để có được thành quả trên, chúng ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nên khó khăn cũng chỉ là nhất thời. Năm vừa rồi, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam là 16,5 tỷ USD. Theo tôi với những tín hiệu tốt đang dần trở lại, thì dự kiến năm 2023, toàn ngành sẽ đạt được con số là 21 tỷ USD.
Hiện tại, hệ thống Gemmy Wood đang sản xuất tất cả các sản phẩm furniture (nội thất) để xuất khẩu, bao gồm cả indoor (trong nhà) và outdoor (ngoài trời) từ bàn ghế, giường tủ cho đến các loại ván sàn ngoài trời/trong nhà. Chúng tôi rất tự tin để cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp cùng ngành tại các quốc gia khác. Tôi nghĩ đa số các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng có chung niềm tin như vậy.
Tuy nhiên, hiện nay với rất nhiều doanh nghiệp không chỉ ở Việt Nam mà còn ở những nước, như Trung Quốc và một số nước khác, việc đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu và Mỹ còn đang chưa được thực sự đầy đủ.
Ba năm qua khi mà thị trường gỗ chững lại, họ sẽ có nhiều thời gian để siết chặt các yêu cầu theo hướng ngặt nghèo hơn. Đặc biệt, việc truy xuất nguồn gốc gỗ sẽ rất ngày càng chặt chẽ. Nếu các doanh nghiệp không tuân thủ nghiêm túc yêu cầu của đối tác về sử dụng gỗ rừng trồng có nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp, rất có thể cả ngành gỗ sẽ bị ảnh hưởng “vạ lây”.
Ông vừa nói đến một vấn đề rất nhạy cảm là truy xuất nguồn cung gỗ. Trước đây có một câu chuyện là rất nhiều các sản phẩm gỗ bị cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp làm ăn chân chính có kiến nghị gì với cơ quan chức năng để chấn chỉnh tình hình này?
Thực tế kiến nghị thì có nhiều lắm, tuy nhiên, nói chung bây giờ các doanh nghiệp gỗ làm ăn nghiêm túc thì người ta cũng hiểu được việc truy xuất nguồn gốc gỗ rất quan trọng.
Để đáp ứng được các thị trường khó tính như châu Âu hay là Mỹ thì việc đó phải làm thực sự nghiêm túc. Còn nếu không nghiêm túc thì trước sau gì cũng bị phát hiện ra. Vậy nên, tôi tin rằng với các doanh nghiệp lâu năm, đã xác lập được vị thế, có thị trường nước ngoài ổn định, không ai dại gì mà đi nhập khẩu và các loại gỗ đội lốt vào Việt Nam để mà xuất đi cả.
Hiện tại, sản phẩm gỗ thô, gỗ nguyên liệu của công ty ông thì đặt từ đâu?
Gỗ nguyên liệu cho Gemmy Wood thì gồm hai nguồn. Một nguồn là từ các nguồn gỗ rừng trồng trong nước như keo tràm, gỗ cao su hoặc là gỗ thông, hết tuổi khai thác nhựa. Tại Việt Nam, nguồn gỗ đó rất lớn, có đủ chứng nhận hợp pháp để các doanh nghiệp thu mua và chế biến để xuất khẩu.
Nguồn gỗ thứ hai là chúng tôi nhập khẩu gỗ thông, gỗ tần bì, gỗ óc chó từ Mỹ, Đức, New Zealand, Brazil, Argentina… Đấy là những thị trường cung cấp gỗ về Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, doanh nghiệp mình chế biến rồi xuất khẩu sang các nước khác thuộc châu Âu, Mỹ.
Năm 2023 dù được dự báo có nhiều tín hiệu tốt cho ngành gỗ nhưng chi phí xăng dầu, điện, nhân công vẫn đang là các yếu tố gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp gỗ. Gemmy Wood làm gì để duy trì sự ổn định của mình?
Giai đoạn 2021 ảnh hưởng rất lớn do chi phí logistics tăng lên rất cao, thậm chí là chi phí logistics đôi khi còn lớn hơn cả giá trị của cả chuyến hàng đó. Cho đến thời điểm hiện tại thì nhiều chi phí vẫn bị gia tăng như chi phí than, điện, nước...
Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng những doanh nghiệp làm ăn bài bản và có tiềm lực sẽ biết cách quản trị chi phí tốt hơn. Ví dụ, chúng tôi không thể nâng giá sản phẩm đầu ra, mà chỉ còn cách là quản trị về mặt chi phí trong sản xuất tốt hơn để bù đắp lại những chi phí gia tăng của nguyên vật liệu đầu vào.
Trước đây, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đã kiến nghị nhiều lần về hạ tầng cảng biển, trong đó có câu chuyện về thu phí. Nếu tiết giảm được chi phí cảng biển cũng sẽ là một yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trên bình diện rộng hơn, các doanh nghiệp gỗ, lâm sản cần đẩy mạnh sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, giảm sử dụng gỗ nhập khẩu; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm chi phí sản xuất; đẩy mạnh sản xuất phát thải thấp; phối hợp các địa phương xây dựng các khu công nghiệp chế biến tập trung; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ quốc tế lớn... Đây là những kênh quan trọng để tìm kiếm khách hàng, qua đó giúp ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động.
Về việc đổi mới công nghệ, ra mắt các sản phẩm mới, hiện nay Gemmy Wood hiện đang hợp tác với Xwood, công ty sáng lập bởi nhà khoa học Trần Hoài Nam, người đã phát triển công nghệ luyện gỗ dựa trên nguyên tắc chung của biến tính gỗ là sấy khô phôi gỗ tự nhiên, tạo không gian mở và đưa polyme hữu cơ xâm nhập vào các lỗ rỗng của gỗ đã được cấp bằng sáng chế của Mỹ, Gemmy Wood là nơi đặt thiết bị luyện gỗ và gia công gỗ cho XWood.
Gỗ biến tính polyme hữu cơ là một sản phẩm mang tính mới và đột phá trong ngành vật liệu gỗ, có cơ hội phát triển lớn vì sở hữu những ưu thế về mặt chất lượng và có thể thay thế cho các loại gỗ tự nhiên hiện nay như đinh, lim, sến, táu…
Gỗ biến tính cũng có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn khác nhau cho cả đồ gỗ dùng trong nội thất hoặc ngoài trời do có khả năng chịu được các điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt nên đứng trước cơ hội phát triển lớn.
Tôi tin rằng nếu được quảng bá mạnh hơn nữa, gỗ biến tính sẽ dần dần chiếm được niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam và thậm chí có thể chinh phục nhiều thị trường nước ngoài khó tính khác.
VnEconomy 05/04/2023 08:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 14-2023 phát hành ngày 03-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam