Hà Nội chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội mỗi năm hơn 45.000 tỷ đồng
Trong giai đoạn 2016 – 2021, TP. Hà Nội đã chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng cho hơn 9,96 triệu lượt người hưởng với số tiền 226.694 tỷ đồng, trung bình mỗi năm gần 45.339 tỷ đồng…
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng đều hằng năm, từ gần 1,434 triệu người vào năm 2016 tăng lên hơn 1,926 triệu người vào cuối năm 2021.
Trong giai đoạn 2016 - 2021, TP. Hà Nội chi trả từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho 3.255.324 lượt người hưởng với tổng số tiền 10.459 tỷ đồng; chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng cho hơn 9,96 triệu lượt người hưởng với số tiền 226.694 tỷ đồng, trung bình mỗi năm gần 45.339 tỷ đồng.
Để đảm bảo đảm quyền lợi cho người tham gia, các cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố đã tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ đóng, trốn đóng hoặc đóng thiếu bảo hiểm xã hội cho người lao động với hơn 3.600 cuộc/năm. Kết quả khắc phục nợ đóng sau thanh tra, kiểm tra tăng dần từ 44,4% số đơn vị, doanh nghiệp khắc phục vào năm 2016 lên 74,9% vào năm 2021.
Tuy nhiên, tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội còn cao, số người rút bảo hiểm xã hội một lần chưa giảm. Trước tình hình đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành chức năng tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển, người dân, người lao động ổn định đời sống.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả cho khoảng gần 2,7 triệu người hưởng lương hưu với số tiền hưởng gần 14.475 tỷ đồng/tháng. Mức hưởng lương hưu trung bình hiện nay khoảng 5,4 triệu đồng/tháng, cao hơn mức thu nhập bình quân của người dân năm 2021 (4,2 triệu đồng/tháng).
Thống kê 6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành đã giải quyết 38.810 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.
Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống cho người về hưu. Riêng năm 2022, lương hưu đã được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 1/1/2022. Những người nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995 mà sau khi điều chỉnh theo mức chung, nếu mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng dưới 2.500.000 đồng/tháng còn tiếp tục được điều chỉnh thêm.
Hiện nay theo quy định, thời gian người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu phải đủ 20 năm, dẫn tới nhiều người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn nên khi hết tuổi lao động, không tích lũy đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu.
Vì vậy, hiện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 theo hướng giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia muộn, có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.
Cơ quan này cũng đề xuất tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, bổ sung chế độ trợ cấp thai sản nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút, tạo điều kiện để người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện…
Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu kể từ ngày 1/1/2022 là nam đủ 60 tuổi 6 tháng, sau đó, mỗi năm tăng thêm 3 tháng, tuổi nghỉ hưu với lao động nam sẽ đạt 62 tuổi vào năm 2028; nữ đủ 55 tuổi 8 tháng, sau đó, mỗi năm tăng thêm 4 tháng, tuổi nghỉ hưu với lao động nữ sẽ đạt 60 tuổi vào năm 2035.
Trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Đối với người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu.