11:53 14/10/2024

Hà Nội công bố dự án cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà

Thanh Xuân

Sở Xây dựng TP.Hà Nội vừa công bố danh sách 5 dự án cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở trên địa bàn thành phố, tính đến tháng 10/2024. Trong đó, có 4 dự án ở quận Nam Từ Liêm và 1 dự án ở quận Thanh Xuân…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cụ thể, 4 dự án tại quận Nam Từ Liêm, gồm: Tòa nhà HH2 - 1A thuộc dự án Công viên giải trí, trường học và tổ hợp nhà ở, thương mại dịch vụ Golden Palace A, do Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh làm chủ đầu tư; Chung cư Z38M.1, Z38.1, U39.1 và Chung cư Z38M.1, Z38.1, do Công ty cổ phần HBI làm chủ đầu tư; Chung cư U35.1, U35.2, U35.3 thuộc Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ - Vinhomes Park, do Công ty cổ phần phát triển kinh doanh bất động sản SV Tây Hà Nội làm chủ đầu tư.

Ngoài ra, 1 dự án trên địa bàn quận Thanh Xuân là Khu nhà ở hỗn hợp 107 Nguyễn Tuân Vihacomplex. Dự án do liên danh Công ty TNHH Xuân Lộc Thọ và Công ty cổ phần In và thương mại Thống Nhất làm chủ đầu tư.

Theo Nghị định 95/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số điều của Luật Nhà ở, giấy tờ chứng minh đối tượng là tổ chức được sở hữu nhà ở tại Việt Nam được quy định: Đối với tổ chức nước ngoài phải có Giấy chứng nhận đầu tư, hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hoặc giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động, hoặc thành lập tại Việt Nam còn hiệu lực đến thời điểm ký kết giao dịch về nhà ở.

Riêng giấy tờ chứng minh đối tượng là cá nhân được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài yêu cầu phải có hộ chiếu nước ngoài, hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế theo pháp luật về xuất nhập cảnh và giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch; Đối với cá nhân nước ngoài, phải có hộ chiếu nước ngoài và cam kết bằng văn bản về việc không thuộc diện được quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự.

Theo đó, số lượng nhà ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu được xác định cụ thể là: đối với một tòa nhà chung cư (kể cả nhà chung cư xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp) thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tối đa 30% tổng số căn hộ có mục đích để ở của tòa nhà đó; trường hợp tòa nhà chung cư có nhiều đơn nguyên, hoặc nhiều khối nhà cùng chung khối đế thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 30% tổng số căn hộ có mục đích để ở của mỗi đơn nguyên, mỗi khối nhà;

Đối với nhà ở riêng lẻ trên khu vực có số dân 10.000 người, nếu chỉ có 1 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu số lượng nhà ở không vượt quá 250 căn nhà; trường hợp có từ 2 dự án đầu tư xây dựng nhà ở trở lên thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại tất cả các dự án nhưng không vượt quá 250 căn nhà; trường hợp trên một khu vực có số dân 10.000 người có nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài đã sở hữu đủ số lượng nhà ở riêng lẻ theo quy định thì tổ chức, cá nhân nước ngoài không được sở hữu thêm nhà riêng lẻ tại các dự án khác của khu vực này.

Nghị định cũng quy định trước khi hết hạn sở hữu nhà ở tối thiểu 3 tháng, tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu gia hạn thêm thời hạn sở hữu nhà ở thì gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính, hoặc trực tuyến 1 bộ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 6 đến UBND cấp tỉnh nơi có nhà ở để được xem xét, giải quyết.