Hà Nội: Hơn 50% người sau độ tuổi nghỉ hưu có lương hưu, trợ cấp
Đến nay, đã có hơn 50% dân số sau độ tuổi nghỉ hưu trên địa bàn Hà Nội được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hưu trí xã hội, vượt chỉ tiêu năm 2023...
Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội cho biết, theo chỉ tiêu thành phố giao, đến cuối năm 2025, tỷ lệ người dân sau độ tuổi nghỉ hưu hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hưu trí, xã hội trên địa bàn đạt 55%.
Với việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trọng tâm là tạo thuận lợi để người dân, người lao động có việc làm, tham gia bảo hiểm xã hội cho đến khi đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ tuổi nghỉ hưu để hưởng lương hưu, thành phố đã hoàn thành tốt chỉ tiêu này.
Thống kê đến nay, đã có 51,5% dân số sau độ tuổi nghỉ hưu trên địa bàn Hà Nội được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hưu trí xã hội, vượt chỉ tiêu năm 2023 (chỉ tiêu năm 2023 là từ 49% đến 51%); đạt 93,64% chỉ tiêu đến cuối năm 2025.
Tất cả người thụ hưởng được nhận lương hưu, trợ cấp xã hội, trợ cấp bảo hiểm xã hội đều đặn hằng tháng qua tài khoản cá nhân, hoặc tại những địa điểm thuận lợi nhất.
Trong 9 tháng năm 2023, Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội đã chi trả trên 28.600 tỷ đồng tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho hơn 581.000 người thụ hưởng; còn hơn 11.000 người chưa nhận do chuyển địa chỉ hoặc vì những lý do cá nhân.
Nhờ có lương hưu và các khoản trợ cấp, đời sống của người cao tuổi ngày càng được nâng lên. Hiện nay, Hà Nội cơ bản không còn hộ gia đình có thành viên là người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo. Trường hợp người cao tuổi cô đơn, không có nơi nương tựa được đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội.
Từ ngày 1/7, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng cũng chính thức tăng thêm, với mức từ 12,5% đến 20,8% tùy từng nhóm đối tượng, góp phần cải thiện cuộc sống cho người hưởng lương hưu.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thống kê, tính đến cuối năm 2022, cả nước có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ, từ 60 tuổi trở lên đối với nam).
Tuy nhiên, tổng số người được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội mới chỉ đạt hơn 5,1 triệu người, chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu.
Trong khi đó, mục tiêu đến năm 2030 cần phấn đấu đạt khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Để mở rộng đối tượng được thụ hưởng trợ cấp hưu trí, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang đề xuất, người đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ. Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Nếu đề xuất giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi được thông qua, dự kiến sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800.000 đến 1 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.