12:06 27/09/2023

Vì sao mức hưởng lương hưu vẫn thấp?

Nhật Dương

Mặc dù tỷ lệ đóng - hưởng lương hưu cao, nhưng với tiền lương đóng bảo hiểm xã hội thấp nên mức hưởng không cao. Do đó, nếu giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội xuống nữa đồng nghĩa với việc phải giảm tỷ lệ hưởng các chế độ bảo hiểm, trong đó có lương hưu, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội…

Nếu giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội xuống đồng nghĩa với việc phải giảm tỷ lệ hưởng các chế độ bảo hiểm, trong đó có lương hưu. Ảnh: Tuấn Dũng.
Nếu giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội xuống đồng nghĩa với việc phải giảm tỷ lệ hưởng các chế độ bảo hiểm, trong đó có lương hưu. Ảnh: Tuấn Dũng.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến mức đóng bảo hiểm xã hội.

Cử tri phản ánh, hiện nay mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc quá cao (32%) và đề nghị nghiên cứu giảm mức đóng xuống 25%.

Theo quy định hiện hành, tổng tỷ lệ đóng các loại bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) của người lao động và người sử dụng lao động là 32%. Trong đó, bảo hiểm xã hội bắt buộc là 25,5% (người lao động 8%, người sử dụng lao động 17,5%), bảo hiểm y tế là 4,5% (người lao động 1,5%, người sử dụng lao động 3%), bảo hiểm thất nghiệp là 2% (người lao động 1%, người sử dụng lao động 1%).

Về nội dung này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, mức đóng bảo hiểm xã hội được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện trong mối quan hệ tương quan phù hợp với mức hưởng; tương quan với giá trị thực tế của mức đóng, mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội; tương quan giữa thời gian đóng và thời gian hưởng, mức độ bao phủ của các chế độ bảo hiểm xã hội.

Về số tương đối, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cao, tuy nhiên, tỷ lệ hưởng lương hưu ở Việt Nam cao nhất khu vực, thậm chí cao nhất thế giới.

Hiện nay, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa của Việt Nam là 75% tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội 30 năm đối với nữ, 35 năm đối với nam, trong khi các nước chỉ khoảng 40% (Trung Quốc, Hàn Quốc).

Như vậy, tỷ lệ tích lũy hiện nay bình quân là 2,14% đối với nam và 2,5% đối với nữ, trong khi các nước như Trung Quốc và Hàn Quốc tỷ lệ này chỉ là 1%; bình quân của thế giới cũng chỉ khoảng 1,7%.

Do đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, việc đặt vấn đề giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội đồng nghĩa với việc phải giảm tỷ lệ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (lương hưu), dẫn đến giá trị thực mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động còn thấp hơn so với hiện hành. Vì vậy, giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội không phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của Việt Nam hiện nay.

Mặc dù, tỷ lệ đóng, tỷ lệ hưởng hưởng lương hưu cao nhưng với tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không cao, nên phần lớn người lao động sau khi về hưu có mức lương hưu thấp.

Vấn đề này có một phần nguyên nhân do tình trạng nhiều doanh nghiệp “lách luật” thực hiện đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động không đúng với mức tiền lương, thu nhập thực tế của người lao động. Tại một số đơn vị, thu nhập để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động luôn ở mức thấp nhất, dẫn đến mức hưởng bình quân của người lao động sẽ thấp khi nghỉ hưu.

Chi trả lương hưu cho người hưởng. Ảnh - Xuân Long.
Chi trả lương hưu cho người hưởng. Ảnh - Xuân Long.

Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động bao gồm cả lương và các phụ cấp. Đối với một số khoản phúc lợi người lao động có tính chất thường xuyên, ổn định, như hỗ trợ tiền xăng xe, điện thoại, ăn trưa, tiền nhà…, thì pháp luật hiện hành quy định không dùng làm căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội.

Do đó, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được Chính phủ hoàn thiện đã đề xuất tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với khu vực doanh nghiệp bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Báo cáo thẩm tra nội dung này của Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá đây là quy định rất tiến bộ trong việc xác định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động, đặc biệt dự thảo Luật đã bổ sung yếu tố “thường xuyên và ổn định” làm căn cứ xác định tiền lương đóng bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Chính phủ bổ sung thêm các đánh giá, lập luận làm căn cứ đề xuất thành phần tiền lương tham gia bảo hiểm xã hội để có cơ sở xem xét, quyết định.

Đặc biệt, trong trường hợp trả lương theo giờ, ngày, tuần thì cần làm rõ cách xác định “lương tháng” để làm căn cứ tính tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc như thế nào, trường hợp tiền lương theo giờ, ngày, tuần khi tính thành lương tháng mà thấp hơn quy định về mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất thì xử lý ra sao.

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu, cân nhắc bổ sung nội dung quy định về các chế độ, phúc lợi không được tính làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo hướng, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm tiền thưởng theo quy định của Bộ luật Lao động; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ và các chế độ, phúc lợi khác theo quy định của Chính phủ.