13:58 22/08/2023

Người không có lương hưu dưới 75 tuổi cũng sẽ được nhận trợ cấp

Nhật Dương

Người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sẽ được nhận trợ cấp hằng tháng ngay, thay vì phải chờ đến 75 tuổi...

Người dân nhận lương hưu tháng 8 tại Hà Nội. Ảnh - Thu Hiền.
Người dân nhận lương hưu tháng 8 tại Hà Nội. Ảnh - Thu Hiền.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung chế độ trợ cấp đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

LÀM RÕ MỨC TRỢ CẤP VÀ THỜI GIAN HƯỞNG

Cụ thể, người lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi), thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng cho đến khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Theo tính toán, với những người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 5 năm, với mức tiền lương tháng đóng bình quân như hiện nay, nếu họ không hưởng bảo hiểm xã hội một lần mà chọn hưởng trợ cấp hằng tháng, thì có thể được hưởng trợ cấp này từ khi đủ tuổi nghỉ hưu, thay vì phải chờ đến 75 tuổi. Ngoài được hưởng trợ cấp, họ cũng sẽ được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Cùng với đó, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800 nghìn đến 1 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.

Thẩm tra nội dung trợ cấp hưu trí xã hội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ về điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, rà soát các quy định có liên quan, bảo đảm việc quy định điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội không gây ra xung đột chính sách; đồng thời bảo đảm nguồn lực từ ngân sách Nhà nước để thực hiện.

Cùng với đó, cần rà soát để thống nhất quy định về điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội bảo đảm minh bạch, rõ ràng, tránh dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau và phát sinh các loại lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội khác mà phải Chính phủ quy định, và khác với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Liên quan đến chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, Ủy ban Xã hội thấy rằng, đây là nội dung mới bổ sung, theo giải trình của Cơ quan chủ trì soạn thảo là để nhằm bảo đảm sự kết nối giữa tầng bảo hiểm xã hội cơ bản và tầng trợ cấp hưu trí xã hội.

Do vậy, Uỷ ban Xã hội đề nghị làm rõ việc tính toán mức hưởng, thời gian hưởng và sự liên kết với chế độ trợ cấp hưu trí xã hội chỉ thuần túy về mặt thời gian, hay bao gồm cả hai yếu tố là mức hưởng và thời gian hưởng; các tác động đến chính sách khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khi bổ sung quy định này.

Đồng thời, làm rõ điều kiện về đối tượng, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu, bình quân mức đóng, mức trợ cấp hàng tháng; các tác động đến cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội.

Người phân phấn khởi khi nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Ảnh - BHXH Việt Nam. 
Người phân phấn khởi khi nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Ảnh - BHXH Việt Nam. 

Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Chính phủ cần cân nhắc đến sự phản ứng của người dân, dư luận đối với các trường hợp gián đoạn trong thụ hưởng chính sách, nhất là liên quan đến nhóm đối tượng người cao tuổi.

Bên cạnh đó, chưa kể trường hợp khi điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, mức trợ cấp hưu trí xã hội được nâng lên, mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội không có nhiều cải thiện, chuẩn nghèo về thu nhập cũng tiếp tục được nâng, thì thời gian thụ hưởng chính sách này càng ngắn và ý nghĩa của chính sách trợ cấp hưu trí xã hội sẽ không nhiều.

TIẾN TỚI ĐẢM BẢO AN SINH CHO MỌI NGƯỜI DÂN

Nêu ý kiến về đề xuất trợ cấp hưu trí cho người không có lương hưu tại dự thảo Luật, TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng, vai trò của trợ cấp hưu trí xã hội là bảo đảm an ninh tuổi già cho mọi người dân, thông qua sự tham gia hoặc tài trợ của nhà nước.

Điều này phù hợp với chủ trương xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, trong đó ở tầng thấp nhất, ngân sách Nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội hằng tháng.

Theo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), hưu trí xã hội bao gồm phần hỗ trợ của ngân sách Nhà nước đối với người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên, giảm từ 80 tuổi hiện nay và một phần hỗ trợ người đã tham gia bảo hiểm xã hội, nhưng không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Vị chuyên gia đánh giá, việc thiết kế tầng này sẽ góp phần mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2022, tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội là hơn 5,1 triệu người, mới chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Đến năm 2030, phấn đấu khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

 “Việc quy định trợ cấp xã hội đối với người trên tuổi lao động, song không tham gia bảo hiểm xã hội sẽ giảm tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, không thể đạt được mức bao phủ toàn dân nếu chỉ thông qua viêc hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Do vậy, tầng này sẽ phát huy vai trò tốt hơn nếu tầng bảo hiểm xã hội bắt buộc mở rộng cho tất cả mọi người lao động với mức đóng thấp nhất”, bà Hương nêu quan điểm.