14:21 08/06/2021

Hà Nội: “Nhức mắt” nhà siêu mỏng, siêu méo 

Thanh Xuân

Nhà siêu mỏng, siêu méo là vấn đề tồn tại từ nhiều năm nay đã trở thành bài toán nan giải khiến bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác…

Một căn nhà siêu mỏng tại Hà Nội.
Một căn nhà siêu mỏng tại Hà Nội.

Sau khi bị thu hồi đất để xây dựng các dự án hạ tầng giao thông, nhiều hộ gia đình chỉ còn lại một bức tường hoặc một vài mét vuông đất. Muốn “vượt tường” ra mặt phố thì nhà bên trong phải trả cho nhà phía trước hàng trăm, thậm chí là hàng tỷ đồng. Từ đó, dẫn đến nhiều chuyện “dở khóc, dở cười” khiến cả người đi và người ở đều ấm ức... 

Một người dân sống tại Khúc Thừa Dụ cho biết, nhà bà cách mặt đường đúng bức tường của hàng xóm, là phần còn lại của ngôi nhà sau khi giải phóng mặt bằng để làm đường. Gia đình bà đã nhiều lần hỏi mua lại bức tường này nhưng đều bị hàng xóm hoặc thẳng thừng từ chối hoặc đưa ra cái giá “trên trời” (800 triệu đồng từ hai năm trước) nên đành phải bó tay. 

BỘ MẶT ĐÔ THỊ MÉO MÓ, TIỀM ẨN NGUY CƠ

Ngược lại với trường hợp trên, tại số nhà 582 Trường Chinh, sau khi bị giải toả để làm đường vành đai 2, cũng chỉ còn lại 2m2. Chủ nhà rất muốn bán lại cho hàng xóm với giá tròn 100 triệu. Đây là mức giá được coi là rẻ đối với mỗi m2 đất mặt đường lớn nên ai cũng tưởng tiền sẽ tới tay chủ nhà. 

Tuy nhiên, hàng xóm lại “bắt thóp”: với diện tích nhỏ như thế, chủ cũ ở cũng không được mà cho thuê cũng chẳng xong nên ép giá xuống còn 40 triệu. Việc thỏa thuận không thành, chủ cũ chuyển đi chỗ khác, rồi cho người quen thuê lại với giá 2,5 triệu/tháng. Chủ mới đã cơi nới thêm gác xép nhỏ phía trên, cầu thang là giá sắt treo các loại máy bơm bày bán phía dưới.

Xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn là bài toàn nan giải.
Xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn là bài toàn nan giải.

Cũng trên đường Trường Chinh, sau giải phóng mặt bằng, số nhà 411 chỉ còn lại khoảng đất hình tam giác nhọn, được sửa sang, chắp vá tạm bợ. Song, đây  lại là nơi kiếm kế sinh nhai nên chủ nhà nhất quyết không sang nhượng. Trước đây, cả bốn anh em trai cùng sinh sống tại ngôi nhà này nhưng khi Nhà nước mở đường lấy đất thì diện tích còn lại quá nhỏ, nên họ đã toả đi khắp nơi thuê nhà trọ. Hàng ngày, bốn anh em thay phiên nhau về đây bán hàng. 

Ngôi nhà số 6 Nguyễn Văn Huyên kéo dài cũng tương tự. Sau khi giao đất để giải phóng mặt bằng cho dự án, nhiều ngôi nhà cũ dọc tuyến đường này bị thu hẹp, biến dạng, được sửa sang với hình thù kỳ dị. Căn nhà số 6 nằm ngay đầu đường giờ có hình ngũ giác, mặt tiền 9m, bên trong đoạn sâu nhất là 3m. Ngôi nhà này được chủ nhiều lần rao bán nhưng rất khó tìm được người mua do diện tích nhà bị quá hẹp không thể ở nổi. Sau khi sửa sang, chủ nhà chia ngôi nhà ra làm hai phần, phần lớn mặt tiền rộng 4,5m để cho thuê kinh doanh phụ kiện điện thoại với giá 10 triệu/tháng còn chỗ góc nhọn để lại.

Tình trạng trên cũng dễ dàng bắt gặp trên đoạn đường Khúc Thừa Dụ dài 675m thuộc quận Cầu Giấy. Một người dân ở  đây cho biết, sau khi giao một phần đất cho Nhà nước để mở rộng đường, gia đình còn bao nhiêu đất thì xây như vậy. Hình dạng kỳ dị, méo mó như thế nào cũng buộc phải chấp nhận. Tuy nhiên, khi mở đường nhà này từ trong ngõ giờ được ra mặt phố nên giá trị kinh tế đã tăng lên. Dù hiện nay ngôi nhà có mặt tiền 6m, chiều sâu chỉ có 1m nhưng vẫn có thể cho thuê với giá 15 triệu/tháng kinh doanh giải khát.

Thực tế cho thấy việc mở đường là để góp phần quan trọng giải quyết ách tắc giao thông, chỉnh trang bộ mặt đô thị, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, cùng với đó cũng xuất hiện những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo với hình thù kỳ dị, không những gây nguy hiểm khi công trình có kết cấu mỏng, yếu mà còn khiến kiến trúc trở nên nhếch nhác, làm giảm giá trị con đường. 

 
Việc xử lý những ngôi nhà “dị dạng” này rất khó bởi dù siêu mỏng, siêu méo nhưng vẫn giúp chủ nhân “hái ra tiền” khi cho thuê hoặc kinh doanh.  

Nói về tình trạng này, ông Trần Minh Tùng, Trưởng bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội phân tích: “Khi mở đường, các lô đất to nhỏ thường bị “chém” một đường thẳng băng dẫn đến  các lô đất méo mó,  kéo theo những ngôi nhà méo mó. Nếu cắt vuông góc thì không sao nhưng bởi chính con đường cũng méo, bản thân các ngôi nhà cũng méo nên hai cái méo cộng lại với nhau thành siêu méo. Bên cạnh đó, nhiều khu đất do bị cắt phần lớn nên chỉ còn lại phần nhỏ, về nguyên tắc vẫn là của người dân, Nhà nước cũng không thể lấy hết được, từ đó mới sinh ra chuyện nhà mỏng, nhà méo”. 

PHÁP LÝ ĐÃ CÓ, THỰC TIỄN CHƯA ĐẠT

Có một giải pháp khá hay là làm giống như Đà Nẵng. Ngoài lộ giới con đường đã quy định, nên cắt đất mở rộng thêm một lớp nhà nữa. Sau đó làm một con đường phụ chạy song song với nhà dân trong đó. Như vậy, đất giữa con đường phụ và con đường chính, Nhà nước đem bán đấu giá để lấy tiền chi phí cho việc mở rộng đường. Khi bán đấu giá, Nhà nước sẽ tính toán tỉ lệ vuông vắn, chuẩn về tầng cao và mật độ. Từ đó sẽ giúp tạo ra các tuyến phố cực kỳ nghiêm chỉnh.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, giải pháp này áp dụng ở Hà Nội là không khả thi, do Thủ đô đất chật người đông nên để giải phóng được chừng đó đất thì phải có một nguồn tiền cực lớn. Ngoài ra còn phải đối phó với nguy cơ bất ổn xã hội do số người bị tác động rất nhiều. Vì vậy xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo cho đến nay vẫn là bài toán nan giải đối với Hà Nội. 

Đồng quan điểm, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, cho biết: nhà mỏng méo hình dạng kỳ dị là vấn đề tồn tại hơn 30 năm và đến thời điểm này đã có đủ khung hành lang pháp lý để kiểm tra các nhà siêu mỏng, siêu méo. Khung pháp lý được thể hiện rõ ở trong Luật Xây dựng 2003, 2014. 

Với Hà Nội, trong Luật Thủ đô 2013 có hẳn một quy định không xây dựng nhà siêu mỏng, siêu méo. Các văn bản này cũng nêu ra các quy định để quản lý và giám sát. Trong đó có quy định, khi quy hoạch mở đường phải xác định các lô đất siêu mỏng, siêu méo không xây dựng được. Tuy nhiên, thực tế là dù đã có văn bản pháp lý nhưng khi các công trình cũ chưa giải quyết xong thì một loạt các căn nhà không đủ tiêu chuẩn lại tiếp tục mọc lên trên các tuyến đường mới mở.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam

Ông Nghiêm nhấn mạnh: “Cách đây gần 20 năm, đã có những giải pháp thí điểm một số mô hình, cụ thể là đề nghị các tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia tự nguyện là kiến trúc sư trưởng của từng tuyến đường phố để vận động nhân dân và làm việc với chính quyền, nhưng cuối cùng không thực hiện được phải bỏ dở phương án này”. Việc tổ chức nhân dân để hợp khối với nhau, giải pháp này về lý thì thực hiện được nhưng trong thực tiễn  khó có người cầm trịch để tổ chức trao đổi, liên kết với nhau. Có quy định là bán lại nhà cho các hộ lân cận với giá tự thỏa thuận, song giá nào để ra được thỏa thuận thì không có và người dân cũng không ai chịu thiệt.

Ông Nghiêm cho biết thêm giải pháp Nhà nước thu hồi để phục vụ lợi ích công cộng cũng đã được tính đến. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các quận/huyện, khó khăn là chưa đủ kinh phí để thực hiện bởi việc thu hồi các thửa đất sau giải phóng mặt bằng đòi hỏi nguồn lực rất lớn và phải bố trí được quỹ đất tái định cư. Điều này nằm ngoài tầm tay của địa phương. Ông Nghiêm dẫn chứng: “Tuyến đường từ Kim Liên - Ô Chợ Dừa từng được xem xét thí điểm, nhưng Nhà nước không đủ ngân sách để thực hiện vì trong Luật Ngân sách  đã quy định nếu mua vào mục đích công ích thì bán theo giá Nhà nước. Không phải mục đích công ích thì phải bán theo giá thỏa thuận, sát giá thị trường. Thế nào là sát giá thị trường thì không có văn bản nào ghi rõ. Vì vậy, vẫn xuất hiện nhà siêu mỏng, siêu méo và thành phố phải chấp nhận hiện tượng đó. Một mô hình thí điểm khác là đoạn nhà máy bia đối diện với tuyến đường Kim Mã và Hoàng Hoa Thám, nhưng người dân không hợp tác. Như vậy, dù đã áp dụng nhiều giải pháp, song vẫn khó giải quyết triệt để”. 

Thực tế cho thấy đây không phải là vấn đề có thể xử lý trong một sớm một chiều mà phải có thời gian và sự quyết tâm từ Nhà nước cho tới nhân dân. Cụ thể, về phía người dân cần nâng cao tầm nhận thức thông qua tuyên truyền vận động, nhất là sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông. Về phía Nhà nước, phải siết chặt hình thức xử lý vi phạm, đồng bộ cơ chế pháp lý. 

Khi đã có Luật Thủ đô thì phải cụ thể hóa và những luật khác phải tuân thủ. HĐND Tp.Hà Nội cần có quy định cụ thể để thực hiện chi tiết những quy định đã ghi trong Luật Thủ đô và quan tâm hơn nữa trong việc sửa đổi Luật Thủ đô sắp tới. Việc quản lý "hậu" giải phóng mặt bằng cần nhiều ban, ngành chuyên môn cùng nhân dân đồng lòng vào cuộc để triển khai hiệu quả các giải pháp thì mới mong hạn chế tình trạng nhà mỏng, méo hiện nay.