Hải Phòng: Tăng trưởng kinh tế đang chậm lại
Theo số liệu ước tính của cục thống kê thành phố Hải Phòng, các chỉ tiêu kinh tế của Hải Phòng sau 9 tháng năm 2022 có tăng trưởng, nhưng không đáp ứng được kỳ vọng...
Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng cho thấy tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hải Phòng 9 tháng năm 2022, ước tăng 11,8%. Mặc dù là mức tăng thuộc top cao nhất cả nước nhưng tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng của năm nay đã giảm tốc so với cùng kỳ các năm trước.
Cụ thể, 9 tháng năm 2018 GRDP của Hải Phòng tăng trưởng 16,2%, tổng kết 9 tháng năm 2019 con số này là 16,42%, năm 2020 (trong dịch Covid - 19) tăng trưởng GRDP của Hải Phòng vẫn đạt 11,39% và đến năm 2021 là 12,38%. Thêm vào đó, mức tăng của 9 tháng 2022 cũng giảm so với kế hoạch năm 2022 thành phố đề ra mức tăng trưởng GRDP là 13%.
Đối với chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) của Hải Phòng, sau 9 tháng năm 2022 thực tế cũng chỉ tăng 12,7%, là con số thấp nhất trong nhiều năm gần đây (9 tháng năm 2018 tăng 25,15%; năm 2019 tăng 24,03%; 2020 tăng 14,02%; 2021 tăng 19,68%). Trong khi mục tiêu tăng trưởng phát triển sản xuất công nghiệp năm 2022 của Hải Phòng năm 2022 đặt ra thấp nhất cũng là 19%.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội sau 9 tháng năm 2022 của Hải Phòng mới đạt 127.000 tỷ đồng là con số rất thấp so với kỳ vọng đạt 200.000 tỷ đồng mà thành phố đã đề ra.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hoàng Long khẳng định rằng trong thời gian tới con số này sẽ sớm được thay đổi theo hướng tích cực, vì Hải Phòng đang triển khai nhiều công trình, dự án lớn như mở rộng sân đỗ máy bay, xây dựng nhà ga hành khách T2 sân bay Cát Bi; xây dựng cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh); triển khai các thủ tục xây dựng cầu Nguyễn Trãi; cầu Vũ Yên 2; các tuyến đường vành đai thành phố; các bến mới tại Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện…
Ở góc độ quan sát tổng thể tốc độ vận hành phát triển kinh tế, xã hội… trên địa bàn Hải Phòng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hoàng Long cho biết trong số 7 chỉ tiêu kinh tế quan trọng của Hải Phòng 9 tháng năm 2022 thì chỉ có khách du lịch tăng đột biến (tăng hơn 77% so với cùng kỳ, vượt mức kế hoạch năm hơn 23%).
Các chỉ tiêu khác chỉ đạt dưới mức 75% kế hoạch năm. Cụ thể, thu ngân sách nội địa đạt gần 67% kế hoạch năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 62,33%; tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 74,47%; sản lượng hàng qua cảng đạt 67,27%; tổng thu ngân sách đạt 74,27%; thu hút vốn FDI đạt 50,12%. Giải ngân vốn đầu tư công cũng mới chỉ đạt khoảng 50% kế hoạch vốn (9.049 tỷ đồng/18.480 tỷ đồng); tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công tại một số dự án vẫn còn chậm.
Tiến độ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu chưa đảm bảo theo kế hoạch đề ra, chưa khởi công công trình xây dựng thuộc 35 xã triển khai năm 2022. Đáng lưu ý, 9 tháng có 1.890 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 19,77% so với cùng kỳ.
Thông tin từ Cục Thuế Hải Phòng cho thấy do nhiều yếu tố nên năm 2022 thành phố hụt thu nội địa khoảng 7000 tỷ đồng. Lý do chính là Nhà máy sản xuất ô tô VinFast do chuyển sang sản xuất xe ô tô điện, được ưu đãi thuế nên số nộp ít hơn. Ngoài ra, số nợ đọng thuế cũng còn tương đối lớn. Thu tiền sử dụng đất tại các quận huyện thấp, mới đạt 20% kế hoạch…
Tuy nhiên, cũng có tín hiệu đáng mừng đến từ nguồn thu thuế xuất nhập khẩu, như thông tin từ Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, đến hết tháng 9/2022, thu thuế xuất nhập khẩu khu vực Hải Phòng đạt hơn 50.000 tỷ đồng. Với tiến độ này, chỉ tới đầu tháng 11 là Cục sẽ hoàn thành kế hoạch năm 2022 và dự báo hết năm sẽ thu được khoảng 65.000 tỷ đồng.
Theo đại diện Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, trong những tháng cuối cùng của năm 2022, Hải Phòng sẽ liên tục có thêm những dự án FDI mới được cấp phép, dự báo kết quả là thành phố sẽ hoàn thành kế hoạch thu hút nguồn vốn FDI từ 2,5 - 3 tỷ USD trong năm 2022.