15:56 20/02/2023

Hải quan khối ASEAN công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên

Trâm Anh

Mười quốc gia ASEAN vừa kỳ thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên nhằm củng cố an ninh chuỗi cung ứng và tăng cường lợi ích chung, tạo thuận lợi thương mại của các bên tham gia...

Hiện Việt Nam có 75 doanh nghiệp đang được công nhận doanh nghiệp ưu tiên.
Hiện Việt Nam có 75 doanh nghiệp đang được công nhận doanh nghiệp ưu tiên.

Tổng cục Hải quan vừa tham gia ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Chương trình doanh nghiệp ưu tiên (AEO) theo hình thức trực tuyến với các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

GIẢM KIỂM TRA HỒ SƠ, ƯU TIÊN THÔNG QUAN NHANH

Hải quan các nước tham gia ký trực tuyến gồm có 10 nước: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

 

Các nội dung trọng tâm trong thỏa thuận được ký kết bao gồm công nhận lẫn nhau và các biện pháp tạo thuận lợi thương mại. Theo đó, mỗi bên tham gia sẽ chấp nhận việc thẩm định và công nhận của chương trình của bên tham gia khác cấp cho thành viên.

Sau khi các bên đã thiết lập tính tương thích chương trình của mình, mỗi bên tham gia sẽ đối xử với các thành viên của chương trình của các bên tham gia khác theo cách có thể so sánh với chương trình của chính mình và cung cấp cho các thành viên trong phạm vi có thể.

Các biện pháp tạo thuận lợi thương mại gồm có:

Một là, thông quan nhanh chóng bằng cách giảm việc kiểm tra hồ sơ và/hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa, đối với hàng hóa xuất phát từ hoặc vận chuyển cho một thành viên của chương trình của các bên tham gia khác, tùy thuộc vào việc đánh giá mức độ rủi ro an ninh.

Hai là, ưu tiên kiểm tra cho hàng hóa xuất phát từ hoặc vận chuyển cho một thành viên của chương trình của các bên tham gia khác đã được lựa chọn để kiểm tra thực tế.

Ba là, trường hợp có sự gián đoạn đối với thương mại quốc tế, cố gắng ưu tiên thông quan nhanh cho hàng hóa có nguồn gốc từ hoặc được chuyển đến một thành viên của chương trình của các bên tham gia khác...

TĂNG KHẢ NĂNG CẠNH TRANH TRÊN TRƯỜNG QUỐC TẾ

Cũng theo Tổng cục Hải quan, tham gia chương trình doanh nghiệp ưu tiên, các bên tham gia sẽ thiết lập cơ chế trao đổi thông tin để thực hiện có hiệu quả bằng cách thực hiện một số biện pháp trọng tâm.

Thứ nhất, các bên thường xuyên trao đổi cập nhật thông tin về thành viên thuộc chương trình tương ứng của mình, bao gồm tên, địa chỉ, định danh duy nhất/số tham chiếu AEO, tình trạng công nhận và bất kỳ thông tin liên quan khác thông qua một kênh liên lạc đã đồng ý theo một cách đảm bảo an ninh.

Khi có thông tin, các bên tham gia sẽ trao đổi thông tin đã được thống nhất một cách kịp thời ở mức có thể.

Thứ hai, các bên tham gia sẽ cung cấp thông tin cập nhật về những thay đổi đối với các chương trình tương ứng của mình, bao gồm cả các thủ tục hành chính và thực hiện hoặc các thay đổi về tên của các chương trình của mình; trao đổi thông tin có lợi được các bên đồng ý.

Thông tin được cung cấp gồm: số liệu thống kê liên quan đến việc thực hiện các chương trình bởi các thành viên của các bên tham gia, tác động của tạo thuận lợi thương mại hoặc các lợi ích quan sát được, hoặc thông tin khác liên quan đến an ninh chuỗi cung ứng…

Trong tương lai, các bên tham gia sẽ tích cực triển khai thực hiện thỏa thuận này nhằm củng cố an ninh chuỗi cung ứng và tăng cường lợi ích chung trong tạo thuận lợi thương mại của các bên tham gia.

Mỗi bên tham gia cung cấp cho các thành viên của chương trình của các bên tham gia khác những lợi ích hơn nữa phù hợp với thỏa thuận này; tham gia vào các cuộc đối thoại để thảo luận về các cơ hội để cho phép nối lại thương mại sau sự gián đoạn trong các tình huống khẩn cấp.

Tổng cục Hải quan hy vọng rằng, sau khi tham gia thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chương trình doanh nghiệp ưu tiên với các nước ASEAN, các doanh nghiệp ưu tiên của Việt Nam ngày càng tăng thêm khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế khi được tiếp cận gần hơn, nhanh hơn với nhiều khách hàng mới và tiềm năng tại các nước cùng tham gia.

 

Hiện nay, Việt Nam có 75 doanh nghiệp đang được công nhận doanh nghiệp ưu tiên, gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Mỗi năm, các doanh nghiệp ưu tiên đóng góp khoảng 30% vào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.

Doanh nghiệp ưu tiên được hưởng các chế độ ưu tiên riêng biệt so với các doanh nghiệp thông thường khi tiến hành hoạt động xuất nhập khẩu. Tuân thủ quy định của pháp luật về thuế, hải quan là một trong những điều kiện đầu tiên bắt buộc để được công nhận doanh nghiệp ưu tiên. Cùng với đó, doanh nghiệp ưu tiên phải đạt kim ngạch xuất nhập khẩu từ 100 triệu USD/năm trở lên hoặc đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam từ 40 triệu USD/năm trở lên...