15:51 13/02/2023

Cắt giảm tờ khai luồng đỏ và vàng năm 2023, hải quan phải làm gì để tránh lợi dụng luồng xanh?

Trâm Anh

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm 5% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ; giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng vàng năm 2023, Tổng cục Hải quan sẽ đẩy mạnh chương trình khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan, đề xuất bổ sung danh mục hàng hóa rủi ro cao...

Năm 2022 có 14,5 triệu tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu, với tỷ lệ tờ khai luồng vàng là 30,58% và luồng đỏ là 4,28%.
Năm 2022 có 14,5 triệu tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu, với tỷ lệ tờ khai luồng vàng là 30,58% và luồng đỏ là 4,28%.

Thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Tổng cục Hải quan vừa ban hành Quyết định số 123/QĐ-TCHQ về việc giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023.

Theo đó, chỉ tiêu đầu tiên là “Nâng cao chất lượng công tác phân tích, đánh giá rủi ro, đảm bảo giảm 5% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ; giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng vàng”.

KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP CHẤP HÀNH TỐT PHÁP LUẬT HẢI QUAN

Chỉ tiêu này được giao cho Cục Quản lý rủi ro chủ trì, các Cục Giám sát quản lý, Thuế xuất nhập khẩu, Kiểm định hải quan, Điều tra chống buôn lậu và các Cục Hải quan tỉnh, thành phố phối hợp thực hiện.

Theo kế hoạch, trong năm 2023, công tác quản lý rủi ro của ngành hải quan sẽ tập trung vào một số nội dung trọng tâm.

Theo đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục hướng dẫn, thực hiện chương trình khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan hiệu quả, thực chất; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các nội dung về quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ như: sửa đổi, bổ sung hướng dẫn thực hiện, áp dụng quản lý rủi ro và bộ chỉ số tiêu chí quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan; ban hành danh mục hàng hóa rủi ro trong quản lý nhà nước về hải quan.

Đồng thời, tăng cường công tác thu thập, xử lý thông tin, phối hợp trao đổi thông tin với các đơn vị trong và ngoài ngành để phục vụ công tác phân tích, đánh giá rủi ro.

Thực hiện đề xuất áp dụng tiêu chí, phân luồng kiểm tra đối với các văn bản quản lý chuyên ngành, rà soát đánh giá các văn bản theo yêu cầu quản lý để đề xuất điều chỉnh cho phù hợp. 

Tiếp tục triển khai chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật. Rà soát, đánh giá kết quả và đề xuất các văn bản chỉ đạo về tăng cường kiểm soát, kế hoạch, chuyên đề kiểm soát rủi ro, ảnh hưởng đến kết quả phân luồng trên hệ thống.

 

Tính đến đầu tháng 2, toàn ngành ký biên bản ghi nhớ đối với 203 doanh nghiệp tham gia chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Cơ quan hải quan sẽ tập trung vào nhóm doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu thuộc lĩnh vực gia công, sản xuất xuất khẩu tại 7 cục hải quan, sau đó sẽ triển khai mở rộng đến tất cả các đối tượng doanh nghiệp.

"Giám sát, kiểm tra, đánh giá việc áp dụng tiêu chí phân tích cấp tổng cục, cấp cục; tình hình phân luồng kiểm tra tại các cục hải quan tỉnh, thành phố và chi cục hải quan kịp thời chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả phân luồng", Tổng cục Hải quan cho hay.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả trong lựa chọn kiểm tra hàng hóa bằng máy soi container, đặc biệt là đối với hàng quá cảnh, hàng tạm nhập tái xuất, hàng bách hóa… đảm bảo các container được lựa chọn phải được soi chiếu đúng quy định; trực ban tổng cục, cấp cục thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện soi chiếu đối với các lô hàng thuộc danh mục soi chiếu trọng điểm.

Phân tích đánh giá rủi ro theo chính sách pháp luật quản lý chuyên ngành, pháp luật hải quan, rà soát đánh giá các văn bản theo yêu cầu quản lý để đề xuất điều chỉnh cho phù hợp.

"Thường xuyên, theo dõi, đánh giá hiệu quả áp dụng tiêu chí phân luồng kiểm tra đối với danh mục hàng tiêu dùng nhập khẩu có rủi ro cao, đề xuất sửa đổi, bổ sung danh mục theo từng thời kỳ", Tổng cục Hải quan nêu rõ.

Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ giám sát, kiểm tra, đánh giá việc áp dụng tiêu chí phân tích cấp tổng cục, cấp cục; đảm bảo hệ thống đánh giá, xếp hạng tuân thủ doanh nghiệp kịp thời, chính xác theo đúng quy định; tăng cường công tác thu thập, xử lý thông tin, nắm hồ sơ địa bàn, phối hợp trao đổi thông tin với các đơn vị trong và ngoài ngành để phục vụ công tác phân tích, đánh giá rủi ro; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phân tích, xác định trọng điểm, lựa chọn kiểm tra hàng hóa bằng máy soi container theo quy định.

Với những nỗ lực của ngành hải quan và sự phối hợp của cộng đồng doanh nghiệp trong việc nâng cao tuân thủ pháp luật, tỷ lệ tờ khai luồng đỏ, luồng vàng trong năm 2023 sẽ giảm, đạt mục tiêu mà ngành hải quan đề ra.

NGĂN HÀNH VI LỢI DỤNG TỜ KHAI LUỒNG XANH

Những năm vừa qua, ngành hải quan từng bước đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.

Nhiều biện pháp tiên tiến được áp dụng như: khuyến khích các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các đối tượng trọng điểm, hàng hóa có độ rủi ro cao…, góp phần hài hòa giữa yêu cầu tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan, thúc đẩy việc thông quan nhanh hàng hóa, giảm thiểu các chi phí phát sinh cho cơ quan hải quan và doanh nghiệp.

 

Trong năm 2022, ngành hải quan đã áp dụng các tiêu chí và đảm bảo phân luồng cho hơn 14,5 triệu tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu với tỷ lệ tờ khai lường xanh là 65,14%; luồng vàng là 30,58% và luồng đỏ là 4,28%.

Đáng chú ý, năm vừa qua, Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) đã chỉ đạo, đôn đốc các cục hải quan tỉnh, phần phố thực hiện kiểm soát rủi ro trong hoạt động lợi dụng tờ khai luồng xanh đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; áp dụng kiểm soát rủi ro theo tuyến, địa bàn.

Cùng với đó, áp dụng biện pháp kiểm soát rủi ro tại các sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất; tăng cường thực hiện soi chiếu trước tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

"Hải quan cũng phối hợp với Tổng cục Thuế trong công tác thu thập thông tin về doanh nghiệp bị cưỡng chế thuế, doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký… kịp thời đưa ra các cảnh báo rủi ro để phát hiện, ngăn chặn các vụ việc vi phạm", Tổng cục Hải quan cho hay.

Đặc biệt, trong năm, đơn vị đã tham mưu ban hành và triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan theo Quyết định 1399/QĐ-TCHQ ngày 15/7/2022.

Theo đó, Cục Quản lý rủi ro đã kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn đảm bảo triển khai đồng bộ, thống nhất cho các đơn vị hải quan các cấp; thực hiện và thành lập nhóm chuyên trách thực hiện các hoạt động hỗ trợ về tư vấn, giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp khi tham gia chương trình.

Trong khuôn khổ của chương trình, doanh nghiệp tham gia sẽ được cơ quan hải quan tạo thuận lợi, hỗ trợ, hướng dẫn miễn phí về các nội dung liên quan đến lĩnh vực áp dụng quản lý rui ro, tuân thủ pháp luật hải quan và thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng được cơ quan hải quan phân công, bố trí công chức, chuyên gia nghiệp vụ hải quan các cấp trực tiếp hỗ trợ, tư vấn liên lạc giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan; cảnh báo các yếu tố làm giảm mức độ tuân thủ của doanh nghiệp, đồng thời cung cấp thông tin cảnh báo, xu hướng rủi ro về an ninh chuỗi cung ứng, xâm phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, các rủi ro nội bộ trong hoạt động xuất nhập khẩu…