12:24 15/11/2022

Hàng loạt thách thức khiến Quảng Ninh “hụt hơi” trong giải ngân vốn đầu tư công

Song Hoàng

Theo báo cáo số 265 ngày 10/11 của UBND tỉnh Quảng Ninh gửi thường trực HĐND tỉnh về kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2022, địa phương này đã không kịp cán đích trong cuộc đua giải ngân nhiều nguồn vốn...

Nhiều dự án giao thông lớn của Quảng Ninh giải ngân chậm nên ảnh hưởng tới kế hoạch của cả tỉnh
Nhiều dự án giao thông lớn của Quảng Ninh giải ngân chậm nên ảnh hưởng tới kế hoạch của cả tỉnh

Tính đến hết ngày 03/11/2022, Quảng Ninh giải ngân được 9.020/16.675 tỷ đồng đạt 54,1% kế hoạch, nếu so với Kế hoạch vốn giao đầu năm của UBND tỉnh (là 15.661,9 tỷ đồng) thì tỷ lệ giải ngân đạt 57,6% (thấp hơn so với cùng kỳ đạt 62,3%).

Tuy nhiên, nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân của Quảng Ninh đạt 80,4% (Kế hoạch Thủ tướng giao 11.222,5 tỷ đồng), cao hơn giải ngân bình quân chung cả nước (ước đạt 51,34%).

DỰ ÁN LỚN NHƯNG GIẢI NGÂN THẤP 

Một số dự án giao thông có tổng mức đầu tư lớn nhưng lệ giải ngân thấp hơn mục tiêu đề ra làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của địa phương này. Ví dụ dự án cầu Cửa Lục 1 (Chủ đầu tư Ban quản lý dự án các công trình dân dụng và công nghiệp) mới giải ngân 104/200 tỷ đồng đạt 52,2% kế hoạch; Dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338 giai đoạn 1 (Chủ đầu tư Ban quản lý dự án các công trình dân dụng và công nghiệp) giải ngân 208/400 tỷ đồng đạt 52,1%.

Một số dự án khởi công mới, tình hình giải ngân vốn cũng không khả quan hơn, Quảng Ninh có tổng số 16 dự án mới, với tổng nguồn vốn bố trí là 2.377 tỷ đồng (chiếm 28,1% tổng kế hoạch vốn ngân sách tỉnh), mới giải ngân được 338/2.377 tỷ đồng đạt 14,3% kế hoạch.

Cũng theo UBND tỉnh Quảng Ninh, nguyên nhân dẫn tới việc giải ngân chậm là do cơ chế chính sách hiện hành còn rất nhiều bất cập, đặc biệt là trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, cụ thể như việc xác định giá đất phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đất còn khó khăn, chưa có quy định cụ thể dẫn tới khó khăn cả trong việc huy động nguồn thu từ tiên sử dụng đất cho đầu tư công, cũng như trong xác định giá đê đên bù.

Hiện việc thu hồi đất trồng lúa từ 10ha trở lên, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20ha trở lên phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất mới thực hiện thu hồi đất. Ngoài ra còn vướng mắc về đất san lấp, vật liệu xây dựng do vướng mắc về khái niệm “khoáng sản” dẫn đến nguồn cung không thể đáp ứng tiến độ thi công.

Bên cạnh đó còn nguyên nhân mang tính “đặc thù” của năm 2022 đó là: vẫn chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19; ảnh hường của cuộc xung đột Nga - Ucraina, cùng với việc thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt... dẫn đến biến động của nguyên nhiên vật liệu quá lớn (tăng bình quân 25-30% so cùng kỳ), có tình trạng khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lập mặt bằng,... ảnh hưởng đến phương án tài chính của các nhà thầu, đặc biệt là các nhà thầu ký hợp đồng trọn gói; các gói thầu về hạ tầng kỹ thuật, tuyển dụng lao động khó khăn, khan hiếm nhân công dẫn đến đơn giá nhân công tăng để cạnh tranh thu hút nhân lực.

Cùng với đó, do vướng mắc về việc xác định nguồn đất đắp và vị trí đổ thải quá chậm dẫn đến một số dự án có kế hoạch vốn lớn chậm triển khai thực hiện (như: Dự án cầu Cửa lục 1, cầu Cửa lục 3); vướng mắc về giải phóng mặt bằng tại một số địa phương (Quảng Yên, Hải Hà, Móng Cái,...) dẫn đến chậm bàn giao để chủ đầu tư tổ chức thi công.

Đặc biệt, Dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tôc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến thị xã Đông Triều với tổng ké hoạch vốn được bố trí là 1.957,891 tỷ đồng (trong đó có 302,722 tỷ đồng vốn trung ương) đã được giao vốn đầu năm nhưng đến nay vẫn chưa khởi công do phải điều chỉnh chủ trương đầu tư (đã được HĐND tỉnh xem xét thông qua tại Nghị quyết số 120/NQ-HĐND ngày 31/8/2022), theo đó dự kiến chỉ có thể giải ngân được 302,722 tỷ đồng vốn trung ương; còn lại 1.655 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh không có khả năng giải ngân (chiếm gần 17% kế hoạch vốn ngân sách tỉnh phân bổ đầu năm).

Đối với các dự án y tế do khó khăn trong công tác thẩm định giá, theo UBND tỉnh Quảng Ninh do không có đơn vị thẩm định, kéo dài từ cuối năm 2021 nên việc thẩm định giá khó thực hiện.

Mặt khác, phải thực hiện theo quy định mới của Chính phủ tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 có hiệu lực từ ngày 01/4/2022, cụ thể tại khoản 4, Điều 44 quy định “Không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán.

NGUỒN THU TỪ TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT KHÔNG ĐẠT CHỈ TIÊU

Hiện, công tác xây dựng dự toán thu tiền sử dụng đất của các đơn vị (Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các địa phương) của Quảng Ninh để dành cho chi đầu tư còn hạn chế. Một số địa phương do nguồn thu tiền sử dụng đất không đảm bảo kế hoạch đề ra nên chưa có nguồn để giải ngân, đặc biệt là trên địa bàn thành phố Hạ Long.

Tổng dự toán giao thu đầu năm của cả tỉnh là 8.000 tỷ đồng (trong đó giao cho thạnh phố Hạ Long thu là 4.575 tỷ đồng chiếm 57,2% của cả tỉnh), tuy nhiên tổng số thu của các địa phương đến nay mới đạt 53% kế hoạch, trong đó Hạ Long mới thu được 970/4.575 tỷ đồng, đạt 21,2%; Móng Cái mới thu được 276/470 tỷ đồng, bằng 58,7%; Bình Liêu mới thu được 1,7/32 tỷ đồng, bằng 5%...

Do đó, mặc dù có khối lượng thực hiện nhưng do ảnh hưởng nguồn thu dẫn đến chưa thể thanh toán khối lượng hoàn thành cho các nhà thầu.

Công tác giải phóng mặt bằng của một số địa phương (Quảng Yên, Hải Hà, Móng Cái...) chưa thực sự quyết liệt chưa kịp thời tập trung tháo gỡ vướng mắc, mất nhiều thời gian nên làm chậm tiến độ các dự án; nhiều dự án phải điều chỉnh tông mức đâu tư do chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao (như Dự án Đường kết nối từ đường cao tốc Vân Đồn - Mong Cái đến cảng Vạn Ninh,...) ảnh hưởng đên việc cân đối và hoàn thành dự án theo tiến độ.

Công tác phối hợp về thu hồi đất của một số sở, ngành thuộc tỉnh với các địa phương còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến địa phương phải đợi thủ tục chuyển đổi mục đích sử đụng đất, thu hồi đất mới tiến hành phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng (như một số dự án: Dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đển đường tỉnh 338 Giai đoạn 1; Dự án Nâng cấp, cải tạo mở rộng đoạn từ nút giao cầu vượt đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn thôn Trại Me, xã Sơn Dương đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm, thành phố Hạ Long...