11:22 31/07/2008

Hậu tăng giá xăng dầu: Doanh nghiệp vận tải không chịu nổi “nhiệt”

Xuân Vũ

Sau hơn một tuần tăng giá xăng dầu, hàng loạt hãng taxi đã không chịu nổi “nhiệt” và phải đồng loạt tăng cước

Vẫn theo kịch bản của những lần tăng giá trước, tuần qua nhiều hãng taxi đã ngay lập tức điều chỉnh giá cước mới để chống chọi đợt tăng giá kỷ lục lần này.
Vẫn theo kịch bản của những lần tăng giá trước, tuần qua nhiều hãng taxi đã ngay lập tức điều chỉnh giá cước mới để chống chọi đợt tăng giá kỷ lục lần này.
Sau hơn một tuần tăng giá xăng dầu, thị trường vận tải bước đầu đã có những biến động.

Vẫn theo qui luật cũ, hàng loạt hãng taxi đã không chịu nổi “nhiệt” và phải đồng loạt tăng cước từ 10-15%, các doanh nghiệp vận tải khác thì vẫn đang ở trong tình thế “tên nằm trên nỏ”.

Trước đó, có thông tin cho rằng, từ 1/8 các doanh nghiệp vận tải ôtô phía Bắc sẽ điều chỉnh tăng giá cước trên các tuyến với mức tăng dao động trong khoảng 8-10%. Đây là kết quả đạt được sau khi các doanh nghiệp vận tải phía Bắc tiến hành hiệp thương để điều chỉnh giá cước vận tải hành khách bằng ôtô.

Taxi đồng loạt “nổ súng”

Vẫn theo kịch bản của những lần tăng giá trước, tuần qua nhiều hãng taxi đã ngay lập tức điều chỉnh giá cước mới để chống chọi đợt tăng giá kỷ lục lần này.

Một trong những doanh nghiệp vận tải taxi hàng đầu Việt Nam - Tập đoàn Mai Linh (MLG) - từ ngày 24/7 đã phải áp dụng ngay giá mới sau khi đã lên tinh thần trước đó nhiều ngày.

Mức cước MLG đưa ra tăng hơn so với mức cũ khoảng 1.500đồng/km. Theo đó, với 1,2km đầu giá mở cửa 15.000 đồng/km, từ km tiếp theo đến km thứ 30 giá từ 11.500 đồng/km đến 12.500km tùy theo loại; từ km thứ 30 trở đi mức giá áp dụng 9.500km cho hầu hết tất cả các loại xe.

Thay đổi giá cước sớm nhất có thể kể đến Tân Hoàng Minh khi ngay từ chiều 23/7, các khách hàng của hãng taxi này đã được phục vụ với giá cước thời “xăng tăng giá” với mức tăng trung bình là 800đồng/km. Hãng taxi Vạn Xuân cũng đã tăng giá cước. Cụ thể, giá cước của hãng này là 9.500 đồng/20 km đầu tiên và 7.500 đồng từ km thứ 21.

Còn với Taxi Vinasun, ông Tạ Long Hỷ - giám đốc của hãng - cho biết, từ ngày 23/7 Vinasun đã tăng giá cước, cụ thể từ sau km thứ nhất đến km thứ 30 là 11.500 đồng/km (cước cũ 10.000 đồng); từ km thứ 31 trở đi giá cước là 8.000 đồng/km (cước cũ 7.000 đồng).

Tuy nhiên, để giữ và thu hút khách hàng nên hiện giá cước mở cửa của taxi Vinasun vẫn giữ nguyên 12.000 đồng/1,1 km như trước; xe 7 chỗ vẫn tính giá cước bằng xe 4 chỗ.

Kiểm soát chặt giá cước vận tải

Cùng trong “cảnh ngộ” với các hãng taxi, hiện các doanh nghiệp vận tải đang hết sức khó khăn và ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi tăng thì mất khách mà không tăng thì chắc chắn lỗ. Tuy nhiên, cũng không nằm ngoài quy luật xăng tăng thì giá cước ắt tăng theo.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam nói: “Cứ sau mỗi đợt tăng giá thì khoảng 7-10 ngày sau mức cước vận tải sẽ được điều chỉnh tăng theo. Vì hiện nhiêu liệu xăng, dầu chiếm tới 30% chi phí đầu vào của các doanh nghiệp. Xe chạy xăng tổng chi phí sẽ tăng thêm ít nhất 16% và xe chạy dầu tăng thêm 10%. Các doanh nghiệp vận tải ôtô đang rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn do giá xăng dầu đã tăng nhiều lần nhưng giá cước vận tải vẫn chưa tăng. Doanh nghiệp thực hiện kiềm chế giá vận tải theo kêu gọi của Chính phủ, nhưng đã đến giới hạn cuối cùng”.

Theo giám đốc một doanh nghiệp vận tải Bắc - Nam, nhiều doanh nghiệp vận tải nhỏ do không chịu nổi sức ép chi phí xăng dầu ngày càng đội lên quá lớn đã phải bỏ tuyến, cho xe “đắp chiếu”. Tuy nhiên, trong những ngày qua lái xe trên các tuyến nóng như Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Nam Định đã chủ động “áp” giá mới.

Ông này cũng dự đoán, rất có thể trong vài ngày tới các tuyến dưới 100km sẽ áp dụng mức tăng là 10%; các tuyến đường dài hoặc chạy Bắc-Nam sẽ tăng khoảng 8%. Trong đó, các tuyến “nóng” như Hà Nội-Thái Bình tăng từ 50.000 đồng lên 55.000đồng/khách; tuyến Nam Định-Hà Nội tăng từ 40.000 đồng/khách lên 45.000 đồng/khách; Thái Bình-Quảng Ninh tăng từ 60.000 đồng lên 70.000 đồng/khách...

Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ lâm vào cảnh khốn đốn, nhiều doanh nghiêp có qui mô lớn, tên tuổi trong làng vận tải cũng chịu cảnh lỗ nặng nếu không tăng giá. Ông Vũ Văn Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Long cho biết, hiện giá cước vận tải khách tuyến Hà Nội-Tp.HCM của Hoàng Long là 800.000 đồng/vé.

Trong đợt tăng giá xăng dầu trước Hoàng Long chịu lỗ 13 tỉ đồng riêng trong quý 2/2008, do đó công ty đã phải điều chỉnh tăng thêm 10% giá cước. Lần này lại tăng quá cao như vậy, Hoàng Long cũng sẽ buộc phải điều chỉnh giá cước tăng thêm trong những ngày sắp tới.

Xăng dầu tăng kỷ lục khiến vận tải đường sắt – vốn được coi là ngành ít “lung lay” nhất cũng buộc phải tính toán giá cước mới. Ông Nguyễn Đạt Tường, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, do xăng dầu tăng giá, đẩy Đường sắt Việt Nam lâm vào thế vô cùng khó khăn, tính chung năm nay sẽ lỗ 310 tỷ đồng.

Với phương tiện giao thông đường sắt, nhiên liệu chiếm 15% giá thành, nên cứ mỗi đợt điều chỉnh tăng giá nhiên liệu, Đường sắt Việt Nam đều phải tính toán để tiết kiệm nhiên liệu, hạ giá thành. Nhưng với đợt điều chỉnh tăng lần này thì việc triệt để tiết kiệm là không thể được nữa, mà phải tính đến việc phụ thu giá nhiên liệu vào giá vé.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuyên, Trưởng ban kinh doanh vận tải, mức tăng giá cước sẽ không đồng đều, cụ thể, ghế ngồi cứng sẽ giữ nguyên (số này chiếm khoảng 5%); còn ghế thuộc các toa có điều hòa mức tăng sẽ từ khoảng 1-15%.

Tổng bình quân giá cước đường sắt điều chỉnh cho vận tải hành khách khoảng 4%, còn đối với hàng hóa là 5%. Nếu được Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính chấp thuận, thì có khả năng đến ngày 10/8 sẽ chính thức điều chỉnh giá cước theo mức tính toán mới ở trên.

*Trước thực trạng thị trường vận tải đang diễn biến nóng bỏng, ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói: “Tăng giá xăng dầu khiến các doanh nghiệp vận tải bị tăng chi phí 12%-14%, nên mức tăng giá cước chỉ dao động trong khoảng đó là phù hợp. Doanh nghiệp nào tăng đến 20% là hoàn toàn không hợp lý. Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước sẽ có trách nhiệm kiểm tra và giám sát về giá cả thị trường trên địa bàn cả nước. Theo đó, UBND các thành phố chú ý kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn, không để tăng giá cước bất hợp lý; đồng thời yêu cầu doanh nghiệp giải trình về cơ sở tăng giá cước, tránh việc tăng giá dây chuyền, vì vận tải là đầu vào của rất nhiều ngành”.