06:13 22/07/2008

Tăng giá xăng và lạm phát 5 tháng cuối năm?

Minh Tuấn - Thái Lĩnh

Việc giá xăng dầu tăng hôm 21/7 sẽ tác động đến lạm phát cuối năm ở ngưỡng nào?

Xu thế của lạm phát trong dài hạn dường như không bị ảnh hưởng bởi việc tăng giá xăng mà chỉ ảnh hưởng trong ngắn hạn.
Xu thế của lạm phát trong dài hạn dường như không bị ảnh hưởng bởi việc tăng giá xăng mà chỉ ảnh hưởng trong ngắn hạn.
Hôm 21/7, Bộ Tài chính quyết định tăng giá xăng lên 4.500 đồng/lít và dầu lên thêm 3.900 đồng/lít. Gần như ngay lập tức, đã có những hiệu ứng sau đó liên quan đến việc tăng giá xăng.

Chứng khoán cả hai sàn cùng đồng loạt giảm mạnh. Thị trường ngoại tệ, thị trường vàng đột ngột nóng lên do tâm lý mua tài sản dự trữ tăng cao... Một số nhà đầu tư đã tỏ ra lo lắng về quyết định này, cho rằng tình hình sẽ xấu trong trước mắt và báo hiệu một xu thế giảm sâu của thị trường chứng khoán.

Trước tình hình này, chúng tôi xin đưa ra một vài quan sát và nhận định của mình với một cái nhìn cố gắng bao quát hơn, nhằm đưa ra bức tranh tác động rõ ràng của việc tăng giá xăng ra sao.  

Những mặt tích cực…

Có thể mức tăng giá xăng hơn 30% là khá cao và gây bất ngờ với không ít người, vì vậy đáng ra việc tăng giá nên được thực hiện một cách có lộ trình từ từ, phù hợp với kỳ vọng của nhiều người. Trong ngắn hạn, việc tăng giá này có thể sẽ tác động nhất định đến thị trường, song với góc nhìn dài hạn đây chưa hẳn đã là tác động tiêu cực.

Thứ nhất, mức tăng hơn 30% gần như sẽ giúp ngân sách giảm gánh nặng trợ giá và được phân bổ vào những việc cần thiết và có ích hơn, nhất là vấn đề an sinh xã hội.

Thứ hai, giá tăng theo sát giá thế giới sẽ theo quy luật kinh tế thị trường. Kết quả lớn nhất thu được là các hành vi kinh tế của doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh theo hướng tiết kiệm và có cân nhắc để sử dụng hiệu quả hơn. Tính thị trường của việc này được thể hiện ở chỗ lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước được điều chỉnh để phù hợp hơn với tình hình giá xăng dầu thế giới .  
 
Thực tế cho thấy, thời gian qua giá xăng dầu tăng cao gần như không làm ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ ở các nước đang có chính sách trợ giá xăng dầu.

Thứ ba, thời gian qua mức chênh lệch giữa giá xăng dầu tại Việt Nam và thế giới đã cao rất đáng kể, gây áp lực thị trường khá lớn. Lượng tiêu thụ tại Việt Nam theo thống kê đã tăng hơn so với năm trước mặc dù nền kinh tế đang có dấu hiệu chững lại cho thấy việc sử dụng xăng dầu chưa thực sự hiệu quả và còn nhiều lãng phí. Việc điều chỉnh để cơ cấu lại hành vi sử dụng xăng dầu là cần thiết để phù hợp với tình hình khó khăn chung của thế giới.

Thứ tư, về mặt tiêu dùng khi trợ cấp xăng dầu, người hưởng lợi chủ yếu là những người có thu nhập cao vì nhóm người này sử dụng nhiều ôtô và những phương tiện tiêu tốn năng lượng hơn so với những người nghèo.

Thứ năm, sẽ loại bỏ được việc xuất lậu xăng qua các nước sát biên giới (Campuchia) khi mức giá ở mức cân bằng và không tạo chênh lệch đáng kể.

Lạm phát 5 tháng cuối năm?

Người viết cho rằng việc tăng giá xăng trước hết là xu thế tất yếu, sau nữa là không có sự ảnh hưởng căn bản đến tình hình lạm phát cũng như sự hồi phục của thị trường chứng khoán trong dài hạn.

Tăng giá xăng hay một vài mặt hàng không phải là yếu tố chính ảnh hưởng đến mức lạm phát về dài hạn ở Việt Nam, vì yếu tố tiền tệ mới là tác nhân chính quyết định lên bài toán lạm phát của Việt Nam.

Có thể thấy từ trước đến nay việc tăng giá xăng dầu vẫn xảy ra trong các năm trước cùng với sự leo thang của giá dầu thế giới, tuy nhiên trong những năm trước đó, lạm phát của Việt Nam cũng không hề cao.

Một nghiên cứu về sự liên quan giữa tăng giá xăng và CPI của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy, trước kia CPI phản ứng thường trễ so với thời điểm tăng giá xăng từ 1-2 tháng. Hay nói cách khác, sau khi giá xăng tăng 1 đến 2 tháng thì mới tác động mạnh đến CPI, nhưng sau đợt tăng đó, CPI lại về mức ổn định trở lại (hình dưới).
Tăng giá xăng và lạm phát 5 tháng cuối năm? - Ảnh 1
Do vậy có thể thấy xu thế của lạm phát trong dài hạn dường như không bị ảnh hưởng bởi việc tăng giá xăng mà chỉ ảnh hưởng trong ngắn hạn. Các tác động nhanh và tức thời trong ngắn hạn này có thể được khuyếch đại chủ yếu qua kênh tâm lý.

Chẳng hạn các cửa hàng kinh doanh đồ ăn, uống có thể “sẵn sàng” cho tăng ngay giá khi biết tin xăng tăng giá, thậm chí nhiều nơi còn tăng cao hơn mức cần thiết để “hớt váng”.

Tuy vậy, việc tăng giá xăng sẽ không ảnh hưởng đến mức tăng CPI tháng 7. Do công tác thống kê sẽ không tính đến các ngày sau ngày 20 hàng tháng. Vì vậy, có thể dự đoán việc lựa chọn thời điểm tăng giá xăng sao cho nó có thể kéo được một phần tâm lý ổn định hơn khi công bố CPI tháng 7 (thường vào các ngày 25 hàng tháng) là tương đối hợp lý. Theo nhiều nguồn tin, mức lạm phát tháng 7 chỉ khoảng 1-1,2%.

Đối với sự ảnh hưởng lên lạm phát tháng 8, theo tính toán và ước đoán sơ bộ của BVSC, dựa theo cơ cấu rổ CPI và một số giả thiết về tác động trực tiếp và tác động gián tiếp của việc tăng giá xăng dầu, ảnh hưởng của tăng giá xăng sẽ làm tăng giá các mặt hàng trong cơ cấu CPI (đặc biệt chú ý đến nhóm phương tiện đi lại và hàng ăn uống) và cho ra kết quả là mức tăng CPI của tháng 8 ước tính tăng khoảng 3,5 - 4%.  
 
Tuy nhiên, cùng với việc trung hoà tác động gây tăng giá bởi chính sách tiền tệ từ đầu năm đã phát huy tác dụng, người viết cho rằng ảnh hưởng của đợt tăng giá này sẽ khiến lạm phát tháng 8 ở vào khoảng 3%. Đây có thể là mức tăng khá cao so với tốc độ tăng trong một tháng, song vẫn có thể chấp nhận được.  

Dự báo, lạm phát sẽ dần ổn định từ tháng 9 và các tháng tiếp theo sẽ thấp trở lại ở mức dưới 1-1,5%/tháng đến cuối năm. Do vậy, có thể hy vọng đến cuối năm, lạm phát vẫn sẽ được kiềm chế ở mức dưới 30% so với đầu cùng kỳ năm trước.

*Các tác giả thuộc bộ phận nghiên cứu của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC). Bài viết thể hiện quan điểm của nhóm tác giả.