Hiến kế giúp Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn  - Ảnh 1
Hiến kế giúp Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn  - Ảnh 2

Bán dẫn đang là một trong những ngành công nghiệp phát triển rất “nóng” trên thế giới? Ông có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?

Điều đầu tiên tôi muốn chia sẻ là công nghệ bán dẫn hiện đang là một từ khóa rất “hot”. Không chỉ riêng ở Việt Nam, mà còn trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những quốc gia có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và các quốc gia liên quan khác.

Trong bối cảnh hiện tại, công nghệ bán dẫn rất được coi trọng bởi vì các thiết bị điện tử, công cụ liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (ML), Internet vạn vật (IoT) đều dựa vào chip bán dẫn. Với sự gia tăng nhanh chóng của các thiết bị máy tính và tự động hóa, nhu cầu về chip bán dẫn ngày càng lớn. Một số yếu tố quan trọng đã góp phần thúc đẩy và nâng tầm ngành công nghiệp bán dẫn trở thành một trong những ngành được quan tâm hàng đầu hiện nay.

Trước hết, chúng ta cần nói đến lợi nhuận mà ngành công nghiệp bán dẫn mang lại. Từ những năm 2000, doanh thu của ngành này đạt khoảng 300 tỷ USD, đến năm 2022, con số này đã tăng lên 520 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt 600 tỷ USD vào năm 2024. Theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn, doanh thu của ngành này có thể đạt tới 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Khi công nghệ bán dẫn mới ra đời, việc phát triển các con chip, transistor và diode thường chỉ do một hoặc hai tập đoàn đảm nhiệm. Tuy nhiên, với sự hiện đại hóa và bùng nổ của công nghệ thông tin, nhu cầu về các con chip đa tính năng và hiện đại tăng cao. Điều này khiến cho việc phát triển một con chip không còn là nhiệm vụ của một tập đoàn đơn lẻ mà cần đến sức mạnh của nhiều tập đoàn, nhiều quốc gia cùng tham gia.

Điều này đã tạo ra một chuỗi cung ứng phức tạp liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn. Trong chuỗi cung ứng đó, nếu một tập đoàn hay một quốc gia thay đổi chiến lược phát triển, sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các quốc gia còn lại.

Việc các công ty, tập đoàn chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á đã tạo ra cơ hội cho các quốc gia như Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Singapore phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Cơ hội này được chia đều, quốc gia nào có thể khai thác tốt thế mạnh của mình sẽ có khả năng thu hút các tập đoàn lớn và phát triển ngành công nghiệp này. Đây là một cơ hội rất mở cho tất cả các nước, trong đó có Việt Nam.

Hiến kế giúp Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn  - Ảnh 3

Hiện nay, các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, và Singapore cũng đang có chiến lược phát triển riêng. Xin ông cho biết các quốc gia này đang áp dụng những chiến lược gì, liệu những chiến lược đó có thể mang lại bài học kinh nghiệm cho Việt Nam? Việt Nam cần làm gì để có thể cạnh tranh trong cuộc đua toàn cầu này?

Như đã trao đổi, cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn được chia đều cho tất cả các quốc gia Đông Nam Á. Một trong những chiến lược đầu tiên mà các nước này sử dụng để thu hút các tập đoàn lớn, chẳng hạn như TSMC, là đưa ra các chính sách ưu đãi về thuế, khoản vay, xây dựng nhà máy.

Đối với Việt Nam, tôi cho rằng để thu hút các tập đoàn lớn, chúng ta cần xây dựng một cơ sở hạ tầng vững chắc và thiết lập những chính sách thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Bởi vì ngoài việc Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ, các địa phương cũng cần có những chính sách riêng.

Ngoài ra, Việt Nam có vị trí địa lý rất thuận lợi, nằm ở trung tâm kết nối các nước trong khu vực và liên thông với Trung Quốc, Ấn Độ. Vị trí chiến lược này giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong việc thu hút các tập đoàn lớn.

Một yếu tố rất quan trọng khác là con người. Hiện nay, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, thông minh và có khả năng nắm bắt công nghệ số rất tốt. Việt Nam cũng là quốc gia thứ hai trên thế giới có trữ lượng đất hiếm lớn. Đây là một điểm thu hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư và các tập đoàn lớn, vì đất hiếm không chỉ hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn mà còn có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp khác, góp phần tạo ra một hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ.

Những tiềm năng này sẽ giúp chúng ta biến cơ hội thành đòn bẩy để phát triển nhanh chóng và tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ trong thời gian tới.

Hiến kế giúp Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn  - Ảnh 4

Như ông đã chia sẻ, trong ngành công nghiệp bán dẫn, không một quốc gia hay tập đoàn lớn nào có thể đảm nhận toàn bộ các công đoạn và đáp ứng tất cả nhu cầu bán dẫn trên toàn cầu. Thay vào đó, cần có sự liên kết giữa các quốc gia và tập đoàn. Vậy trong chuỗi cung ứng này, Việt Nam đang ở đâu và có thể đáp ứng được những khâu nào?

Theo tôi, sự thay đổi trong chuỗi cung ứng dẫn đến những thách thức, nhưng cũng mở ra cơ hội cho Việt Nam. Thách thức chính là làm sao để thu hút các thành viên tham gia vào chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo sự ổn định và phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn.

Việt Nam có thể xây dựng các trung tâm chuyên về lắp ráp, đóng gói, kiểm thử để đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn quốc tế. Thực tế, Việt Nam đang làm rất tốt ở mảng lắp ráp và kiểm thử và nên khai thác mạnh các lĩnh vực này.

Việc xác định những phần trong ngành công nghiệp bán dẫn mà Việt Nam có thể triển khai ngay lập tức và tạo ra giá trị cũng như lợi nhuận là rất quan trọng. Chúng ta cần tập trung vào những lĩnh vực có tiềm năng cao và khả năng thực hiện nhanh chóng để tối ưu hóa lợi ích từ ngành công nghiệp này.

Hiến kế giúp Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn  - Ảnh 5

Như đã nói, Việt Nam có nhiều cơ hội và chiến lược để cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, Việt Nam còn đang đối mặt với những thách thức gì cần phải vượt qua để gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu về bán dẫn, thưa ông?

Cơ hội luôn đi kèm với thách thức; ngược lại, thách thức cũng tạo ra cơ hội. Thứ nhất, Việt Nam còn một số hạn chế, như cơ sở hạ tầng chưa được đồng bộ, đặc biệt là cơ sở hạ tầng liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn. Thứ hai, nguồn lực lao động chất lượng cao vẫn còn thiếu.  Thứ ba, là xây dựng chính sách để thu hút các tập đoàn lớn và đảm bảo họ nhìn thấy cơ hội hợp tác, phát triển lâu dài. Chính phủ và thành phố Hà Nội hiện đang rất quyết tâm phát triển công nghệ bán dẫn, và đây là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối đa, cần có sự lan tỏa chính sách đến các địa phương. Bởi vì các tập đoàn không chỉ tìm đến Hà Nội mà còn có thể mở rộng hoạt động ra các địa phương lân cận, vì vậy, chính sách tại các địa phương, dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của Chính phủ, là rất quan trọng.

Một bài toán thực tế nữa là khi các tập đoàn muốn mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam, vấn đề về năng lượng điện và nguồn nước rất quan trọng. Nếu không đảm bảo được năng lượng và nguồn nước, các tập đoàn sẽ ngần ngại đầu tư vào khu vực đó.

Một vấn đề quan trọng khác là việc khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn. Trong khi chúng ta chào đón các tập đoàn nước ngoài lớn, chúng ta cũng cần đặt câu hỏi về cách thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa. Việc này không chỉ giúp họ có cơ hội hợp tác song phương với các doanh nghiệp nước ngoài, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ là một nhiệm vụ ngắn hạn mà là một chiến lược lâu dài. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đóng vai trò then chốt trong việc phát triển công nghệ lõi và duy trì sự phát triển bền vững trong tương lai. Để làm được điều này, họ cần sự hỗ trợ từ Chính phủ để kết nối và hợp tác hiệu quả với các doanh nghiệp nước ngoài.

Hiến kế giúp Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn  - Ảnh 6

Liên quan đến câu chuyện điện, nước, theo ông, Việt Nam cần giải quyết bài toán này như thế nào để đảm bảo nguồn cung và đặc biệt là đảm bảo phát triển bền vững cho ngành bán dẫn?

Ngành công nghiệp bán dẫn tiêu tốn rất nhiều năng lượng và yêu cầu nguồn nước sạch để sản xuất các vật liệu tinh khiết và trang thiết bị có tính năng cao. Để thu hút các tập đoàn lớn, Việt Nam cần đảm bảo nguồn năng lượng ổn định và nước sạch. Khi một nhà máy bị mất điện, ảnh hưởng sẽ rất lớn không chỉ đến hoạt động của nhà máy mà còn đến toàn bộ quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Vì vậy, việc đảm bảo nguồn cung cấp điện và nước là yếu tố quan trọng để phát triển bền vững ngành công nghiệp bán dẫn.

Để giảm thiểu rủi ro, bên cạnh việc cải thiện nguồn năng lượng quốc gia, chúng ta cũng cần xây dựng các nguồn năng lượng tại chỗ để đảm bảo sự ổn định và liên tục trong cung cấp năng lượng. Đây là một thách thức, đồng thời cũng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, mặc dù không trực tiếp liên quan đến ngành bán dẫn, nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Đó là những doanh nghiệp phát triển nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các nguồn năng lượng sạch khác…

Hiến kế giúp Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn  - Ảnh 7

Chúng ta đã thảo luận nhiều về tầm quan trọng của nguồn nhân lực. Hiện nay Việt Nam đang đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn. Ông đánh giá như thế nào về con số mục tiêu này?

Việc đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn là một mục tiêu lớn, nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu toàn cầu. Đặc biệt, điều quan trọng là chúng ta cần đào tạo ra nguồn nhân lực có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường. Khi các công ty và tập đoàn quốc tế vào Việt Nam, họ có những yêu cầu cụ thể về nguồn nhân lực. Để đáp ứng hiệu quả, chúng ta cần nắm bắt rõ các yêu cầu này và điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp.

Đây là một vấn đề không chỉ của Việt Nam mà còn của Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản. Mặc dù Chính phủ có kế hoạch đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn, việc phân bổ đầu tư cần phải được cân nhắc để tránh chồng chéo hoặc trùng lặp. Điều quan trọng là xây dựng một hệ sinh thái bán dẫn toàn diện, trong đó việc đào tạo lực lượng lao động liên quan đến nhiều lĩnh vực. Ngành bán dẫn không chỉ cần các chuyên gia vật lý và khoa học vật liệu, mà còn cần nguồn nhân lực từ các ngành STEM khác như toán học, cơ học, điện tử, và viễn thông. Sự kết hợp này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn.

Để có chương trình đào tạo phù hợp, cần hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, bao gồm việc mời các doanh nghiệp tham gia vào quá trình phát triển chương trình đào tạo, đảm bảo rằng các yêu cầu và nhu cầu của họ được phản ánh trong nội dung đào tạo. Ngược lại, các doanh nghiệp cũng phải nhận thấy lợi ích từ việc tham gia vào đào tạo và được chính sách địa phương hỗ trợ, bằng cách như giảm thuế cho doanh nghiệp trong những năm đầu, điều này giúp họ chuyển đổi một phần nguồn kinh phí để đầu tư vào đào tạo.

Ngoài ra, việc phát triển các chương trình đào tạo liên kết giữa các trường là rất quan trọng. Mỗi trường có điểm mạnh riêng, và việc liên kết các trường lại sẽ tạo ra sức mạnh chung, giúp đào tạo đội ngũ chất lượng và đảm bảo đầu ra tốt. Những chiến lược này sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng hệ thống đào tạo hiệu quả và đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.

Hiến kế giúp Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn  - Ảnh 8

Ở đây có một điểm mấu chốt là mối quan hệ giữa doanh nghiệp - nhà nước và các viện, trường. Theo ông, làm thế nào Việt Nam có thể tạo ra mối hợp tác giữa ba nhà này một cách thực chất nhất?

Theo tôi, Chính phủ có thể thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp vào đào tạo thông qua các chính sách khuyến khích như giảm thuế hoặc hỗ trợ tài chính. Doanh nghiệp sẽ hợp tác với các trường đại học để phát triển chương trình đào tạo phù hợp, đồng thời cung cấp cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên. Mô hình đào tạo đồng bộ giữa doanh nghiệp và các viện trường sẽ giúp đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của ngành và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Định hướng chỉ đạo của Chính phủ và các địa phương sẽ giúp các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia vào quá trình đào tạo. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm xã hội.

Hiến kế giúp Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn  - Ảnh 9

Ông có thể chia sẻ thêm về các chương trình ông đang tham gia để giúp thúc đẩy mối liên kết và hỗ trợ cho chiến lược đào tạo nhân lực bán dẫn của Việt Nam?

Sau chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam vào tháng 9/2023, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã được nâng tầm, mở ra cơ hội lớn cho hợp tác giữa hai quốc gia. Tháng 7/2024, các chuyên gia về công nghiệp bán dẫn của Hoa Kỳ đã đến Việt Nam để thảo luận và làm việc với các bên liên quan tại đây.

Chúng tôi đã thảo luận về mô hình đào tạo của Đại học Arizona, một mô hình rất phù hợp để phát triển trong ngành công nghiệp bán dẫn. Đại học Arizona đã phát triển một chương trình đào tạo đặc biệt cho ngành này và chúng tôi đang tìm cách điều chỉnh mô hình đó sao cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Hai trường đại học chính mà chúng tôi đang thảo luận cùng là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa, vì họ có chất lượng sinh viên, tiềm năng mạnh mẽ và cơ sở hạ tầng phù hợp để triển khai mô hình đào tạo này.

Chương trình đào tạo mà chúng tôi triển khai sẽ giúp Việt Nam giải quyết một phần lớn bài toán về nguồn nhân lực chất lượng cao trong những năm tới. Mô hình đào tạo này khuyến khích sinh viên từ các chuyên ngành khác nhau tìm hiểu và tham gia vào công nghệ bán dẫn. Họ cung cấp các khóa học chứng chỉ và đào tạo chuyên sâu từ sáu tháng đến một năm để giải quyết nhu cầu về nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, chương trình cũng tiếp cận học sinh cấp ba và phụ huynh để nâng cao nhận thức về công nghệ bán dẫn, giúp các em hiểu được giá trị của lĩnh vực này và vai trò của họ trong tương lai.

Mô hình này còn đặc biệt thành công trong việc kết hợp đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp, cũng như giữa các doanh nghiệp với nhau, tạo ra một hệ sinh thái giáo dục và đào tạo hiệu quả.

Chương trình đào tạo xây dựng một quy trình phân luồng rõ ràng để giúp sinh viên tiếp cận công nghệ bán dẫn một cách hiệu quả. Họ bắt đầu với các phòng thí nghiệm cơ bản, nơi sinh viên được làm quen với công nghệ và quy trình chế tạo chip thông qua các phòng thí nghiệm ảo. Đây là bước đầu tiên, giúp sinh viên hiểu biết cơ bản và có sự phấn khởi khi tiếp xúc với công nghệ.

Sau khi hoàn thành khóa học tại phòng thí nghiệm ảo và nhận chứng chỉ, sinh viên tiếp tục vào các phòng thí nghiệm trung cấp, nơi họ được làm việc trực tiếp với thiết bị và máy móc, học từ các lỗi và sai hỏng trong môi trường thực tế. Cuối cùng, những sinh viên đã vượt qua các giai đoạn trước sẽ được vào phòng thí nghiệm sạch, nơi họ có thể làm việc với công nghệ tiên tiến và được các tập đoàn lớn tìm kiếm.

Mô hình này giúp đảm bảo rằng sinh viên không chỉ có kiến thức lý thuyết mà còn có kinh nghiệm thực tiễn, sẵn sàng làm việc trong các môi trường công nghệ cao.

Mô hình đào tạo mở sẽ giúp chúng ta phát triển nguồn nhân lực đồng bộ và chất lượng cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu của một ngành nghề mà toàn bộ hệ thống. Trong chuyến đi vừa qua, đoàn đã ký kết thỏa thuận hợp tác song phương với hai trường đại học lớn tại Việt Nam và làm việc tích cực với Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các viện hàn lâm. Sự hỗ trợ từ các cơ quan này sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và gắn kết các trường đại học với nhau, giúp phát triển nguồn nhân lực hiệu quả hơn.

Chúng tôi cũng đã cùng nhau xây dựng một dự án chung và gửi đề xuất cho chương trình tài trợ. Đồng thời, chúng tôi cũng phát triển một chương trình “network to network” để liên kết giữa các trường ở Mỹ và các trường ở Việt Nam cũng như châu Á. Việt Nam có lợi thế về việc kết nối các trường trong khu vực Đông Nam Á và châu Á. Chính phủ Hoa Kỳ rất quan tâm đến việc tạo ra một mạng lưới như vậy, và đây là cơ hội lớn cho Việt Nam.

Hiến kế giúp Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn  - Ảnh 10

Công nghiệp bán dẫn là một ngành liên quan đến các công nghệ hiện đại. Vậy vai trò của các startups, những công ty được xem là luôn đi tiên phong phát triển các mô hình, công nghệ mới, là gì trong hệ sinh thái bán dẫn, thưa ông?

Đây là một khía cạnh rất quan trọng trong hệ sinh thái công nghệ bán dẫn. Khi nói về ngành bán dẫn, chúng ta phải đề cập đến nhiều hệ thống dịch vụ và quy trình, như chế tạo thiết bị, sản xuất vật liệu và linh kiện bán dẫn. Các startups trong ngành này có nhiều sự lựa chọn về định hướng, cho phép họ đóng góp vào chuỗi giá trị của ngành và tạo ra sân chơi riêng cho mình.

Khi trò chuyện với các bạn trẻ đã và đang có ý định khởi nghiệp trong lĩnh vực này, tôi thấy họ rất hứng khởi. Công nghệ bán dẫn mở ra rất nhiều cơ hội cho các dịch vụ liên quan. Các startups có thể phát triển các công cụ hỗ trợ nghiên cứu và phát triển chip, hay triển khai các chương trình đào tạo liên quan, mở ra những hướng đi mới cho ngành.

Những startups này đóng vai trò quan trọng, bởi chúng ta không thể tiến hành nghiên cứu hay phát triển mà thiếu các công cụ và dịch vụ hỗ trợ. Một số startups chọn tập trung vào việc nghiên cứu các vật liệu tiềm năng cho công nghệ bán dẫn trong tương lai, một sự đầu tư mạo hiểm nhưng có thể mang lại lợi nhuận lớn.

Bởi vì, khi phát triển công nghệ chip, chúng ta phải dựa trên nền tảng vật liệu. Với các con chip trong tương lai, công nghệ hiện tại sẽ dần gặp phải những hạn chế, và đến một thời điểm, chúng ta cần chuyển sang sử dụng các vật liệu mới. Những startups tiên phong trong việc nghiên cứu và phát triển công nghệ vật liệu mới sẽ gặp phải không ít khó khăn, đặc biệt khi thị trường chưa sẵn sàng cho sản phẩm của họ và thời gian để đưa sản phẩm ra thị trường có thể khá dài.

Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay, nhu cầu về vật liệu mới để sản xuất chip sẽ sớm tăng cao. Khi đó, những startups đã tiên phong nghiên cứu vật liệu mới sẽ có lợi thế rất lớn, trở thành nhà cung cấp quan trọng và có một thị trường rất độc đáo.

Hiến kế giúp Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn  - Ảnh 11

Làm thế nào để tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động, kết nối các startups với các doanh nghiệp lớn và các nhà đầu tư cũng như các quỹ đầu tư mạo hiểm trong chiến lược phát triển bán dẫn của Việt Nam?

Cơ hội này thực sự rất mở, và tôi tin rằng sự tham gia của các startups vào chuỗi giá trị này sẽ giúp cho quá trình phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam trở nên mạnh mẽ hơn. Tất nhiên, để đạt được điều này, các startups cần phải hợp tác và trao đổi với các doanh nghiệp lớn, hệ thống giáo dục và đào tạo. Việc xây dựng một hệ sinh thái mà tất cả các bên đều thấy lợi ích chung và cùng nhau phát triển là rất quan trọng.

Hiến kế giúp Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn  - Ảnh 12

VnEconomy 26/08/2024 08:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 35-2024 phát hành ngày 26/08/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Hiến kế giúp Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn  - Ảnh 13