16:59 17/01/2025

Hoạch định chính sách để thúc đẩy hệ thống nông nghiệp sinh thái tuần hoàn

Chu Khôi

Hơn 50 nhà khoa học đến từ châu Á, châu Âu và châu Phi đã đến Hà Nội cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, phát triển chuỗi giá trị nông sản, cải thiện sinh kế cho nông dân, đặc biệt trước bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp…

Nông nghiệp sinh thái, thông minh là hướng đi tất yếu.
Nông nghiệp sinh thái, thông minh là hướng đi tất yếu.

Từ ngày 14 đến 16/1/2025, tại Hà Nội, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) phối hợp Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm Hợp tác quốc tế về Nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển (CIRAD) tổ chức hội thảo Ngày hội Kết nối DeSIRA (Phát triển Đổi mới thông minh thông qua nghiên cứu trong nông nghiệp).

ĐỔI MỚI NÔNG NGHIỆP THÔNG MINH

Phát biểu tại sự kiện, ông Gonzalo Serrano - Tham tán thứ nhất, Phó Trưởng Ban Hợp tác của EU tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng đóng góp quan trọng của các tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm.

Theo ông Gonzalo Serrano, sáng kiến DeSIRA do Liên minh EU tài trợ đã tập hợp được sự tham gia của nhiều dự án, nhiều tổ chức quốc tế, các Viện nghiên cứu trên thế giới hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cùng hướng tới đổi mới nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh thông qua nghiên cứu trong nông nghiệp.

Các diễn giả tại Ngày hội Kết nối DeSIRA. Ảnh chụp bởi Pascal - Chuyên gia nghiên cứu của CIRAD.
Các diễn giả tại Ngày hội Kết nối DeSIRA. Ảnh chụp bởi Pascal - Chuyên gia nghiên cứu của CIRAD.

Tại hội thảo, các chuyên gia của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm từ dự án Chuyển đổi Nông nghiệp sinh thái và Hệ thống Thực phẩm an toàn (ASSET); chương trình Chuyển đổi nông nghiệp sinh thái nhằm xây dựng hệ thống nông nghiệp và thực phẩm toàn diện, bền vững (TRANSITIONS); dự án Chuyển đổi hệ thống canh tác nông nghiệp sinh thái thông minh hướng đến khả năng phục hồi và bền vững tại các vùng giữa và ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (STAR- FARM)…

 

“Khi EU tiếp tục mở rộng kết nối với các đối tác toàn cầu, trong đó có Việt Nam, các dự án DeSIRA đóng vai trò nền tảng để thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác. Những thay đổi mang tính hệ thống tại Việt Nam sẽ góp phần nâng cao hiệu quả chuyển giao công nghệ, đưa nông nghiệp trở thành trọng tâm trong các sáng kiến về khí hậu và kinh tế".

Ông Gonzalo Serrano - Tham tán thứ nhất, Phó Trưởng Ban Hợp tác của EU tại Việt Nam.

Theo PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), Liên minh Học tập Sinh thái Nông nghiệp ở Đông Nam Á (ALiSEA) đã trở thành một nền tảng khu vực, hình thành trong dự án ACTAE Hướng tới chuyển đổi sinh thái nông nghiệp ở Đông Nam Á do AFD (Quỹ phát triển của Pháp) thành lập và CIRAD (Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế của Pháp) điều phối. Cho đến nay, Mạng lưới ALiSEA đã tập hợp hơn 150 thành viên từ các nền tảng và cách tiếp cận khác nhau đối với sinh thái nông nghiệp.

“ALiSEA là một mạng lưới để quy tụ, thúc đẩy và phát triển các tri thức địa phương, áp dụng tiến bộ khoa học với tất cả các bên liên quan trong xã hội/nền kinh tế như nhà nước, nhà nghiên cứu, nhà nông, nhà kinh doanh, người tiêu dùng,.. để hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động Nông nghiệp sinh thái ở khu vực Đông Nam Á”, ông Đào Thế Anh chia sẻ.

PGS.TS Đào Thế Anh trình bày trước các diễn giả quốc tế. Ảnh chụp bởi Pascal - Chuyên gia nghiên cứu của CIRAD. 
PGS.TS Đào Thế Anh trình bày trước các diễn giả quốc tế. Ảnh chụp bởi Pascal - Chuyên gia nghiên cứu của CIRAD. 

Tại Việt Nam, đến nay ALiSEA đã đồng hành cùng bà con tại hai tỉnh Sơn La và Điện Biên, giúp phát triển một số mô hình nông nghiệp sinh thái bền vững giúp bà con tạo ra được những chu trình nông nghiệp tuần hoàn và khép kín. 

Các hoạt động của ALiSEA tập trung vào việc hỗ trợ bà con cải thiện kỹ thuật canh tác, từ việc sử dụng phân bón hữu cơ, trồng xen canh cây đa dụng, đến việc xây dựng hệ thống tưới tiêu tiết kiệm và bảo vệ đất đai. ALiSEA không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức mà còn đầu tư vào cơ sở hạ tầng cần thiết, như xây dựng các trạm xử lý phụ phẩm nông nghiệp để tái chế thành phân hữu cơ, hay cung cấp giống cây trồng chất lượng cao phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng vùng cao. Đồng thời ALiSEA cũng đóng vai trò cầu nối quan trọng trong việc liên kết bà con với thị trường tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh đó, ALiSEA cũng chú trọng xây dựng ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Các chương trình như “Tái tạo đất đai – Trồng rừng gắn liền với nông nghiệp” hay “Giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp” đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con, tạo ra sự thay đổi tích cực trong canh tác nông nghiệp.

CẦN SỰ CÂN BẰNG GIỮA TRI THỨC BẢN ĐỊA VÀ SÁNG KIẾN ĐỔI MỚI

Đại diện Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế của Pháp (CIRAD) chia sẻ: CIRAD Đông Nam Á là một trong những thành viên tích cực trong lĩnh vực nghiên cứu của Mạng lưới Nông nghiệp Sinh thái tại Đông Nam Á (ALiSEA). Trong khuôn khổ dự án ASSET, CIRAD là một đối tác chính triển khai khai các hoạt động thực địa và phối hợp với các tổ chức, chính quyền địa phương, chính phủ từng bước thực hiện thể chế hóa các chính sách thúc đẩy Nông nghiệp sinh thái thông qua bằng chứng nghiên cứu tại các địa phương...

CIRAD là đối tác chính của các cơ quan chính phủ và trường đại học Việt Nam trong gần 30 năm qua. Các ưu tiên chiến lược của CIRAD bao gồm: tăng cường sản xuất lương thực về mặt sinh thái để có được thực phẩm dễ tiếp cận, đa dạng và an toàn; phân tích và mô hình hóa sức khỏe đất trong các hệ thống sinh thái nông nghiệp; phân tích chuỗi giá trị sản xuất động thực vật từ góc độ kinh tế xã hội; thúc đẩy quản lý tổng hợp các rủi ro sức khỏe mới nổi và đặc hữu; phát triển các chính sách công nhằm giảm bất bình đẳng và giảm nghèo; Hỗ trợ quản lý bền vững nông thôn…

Về phía Hiệp hội các Viện nghiên cứu Nông nghiệp châu Á - Thái Bình Dương (APAARI), TS Murat Sartas, Giám đốc về Nhân rộng mô hình và tác động chia sẻ thông tin về đổi mới nông nghiệp dựa trên kinh nghiệm làm việc của ông tại 55 quốc gia.

 

“Nhiều tổ chức nghiên cứu của châu Âu vẫn gặp thách thức khi triển khai dự án ở châu Á. Các bạn có nhiều công nghệ tiên tiến, nhưng điều quan trọng là tiếp cận phù hợp với thực tiễn sản xuất ở các nước châu Á - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng dữ liệu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp các tổ chức hỗ trợ các khoản đầu tư tiềm năng, từ đó đảm bảo công nghệ có thể chuyển đổi nền sản xuất”.

TS Murat Sartas - Giám đốc về Nhân rộng mô hình và tác động thuộc Hiệp hội các Viện nghiên cứu Nông nghiệp châu Á - Thái Bình Dương (APAARI).

TS Sartas cho rằng cần tạo ra sự cân bằng giữa tri thức bản địa và các sáng kiến đổi mới. Với phần lớn dân số sinh sống ở vùng nông thôn, các dự án quốc tế cần xem xét các yếu tố liên quan đến văn hóa và tập quán canh tác để thực sự đóng góp cho cộng đồng.

Giáo sư về nông lâm kết hợp Fergus Sinclair (Đại học Bangor - Vương quốc Anh) cho rằng: “Quyền sở hữu phân bón sẽ được trao cho nông dân - cộng đồng được coi là trung tâm của sự đổi mới, từ đó giảm chi phí vật tư và tăng cường khả năng phục hồi môi trường ở cả cấp độ trang trại và quốc gia. Cách tiếp cận như vậy vốn phức tạp, đòi hỏi các chính sách phù hợp và chia sẻ kiến ​​thức tại địa phương”.

Tại sự kiện Kết nối DeSIRA, các chuyên gia cho rằng các kết quả nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp thông minh kỳ vọng sẽ trở thành công cụ hữu ích, hỗ trợ các quốc gia hoạch định chính sách, khai thác tiềm năng của nông nghiệp sinh thái.