16:30 11/12/2024

Chuyển đổi nông nghiệp sinh thái để giảm phát thải khí nhà kính

Chu Khôi

Nông nghiệp là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn. Việc sử dụng phân bón hoá học quá mức cũng đã làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sản xuất. Do đó, chuyển đổi nông nghiệp sinh thái tại Việt Nam là cần thiết…

Nông nghiệp hữu cơ là một trong 6 nhóm mô hình nông nghiệp sinh thái.
Nông nghiệp hữu cơ là một trong 6 nhóm mô hình nông nghiệp sinh thái.

Tại diễn đàn “Nông nghiệp sinh thái: Kinh nghiệm từ các đối tác và triển khai thực hiện tại Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 10/12, PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam, cho biết hiện nay nền nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, đặc biệt là biến đổi khí hậu và thiên tai. Tài nguyên đất canh tác giảm 0,2% mỗi năm, trong khi ô nhiễm nguồn nước làm ảnh hưởng đến sản xuất.

5 CẤP ĐỘ CHUYỂN ĐỔI NÔNG NGHIỆP SINH THÁI

“Nông nghiệp là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn, chiếm khoảng 30% tổng lượng CO2. Bên cạnh đó, dịch bệnh mới nổi, như dịch tả lợn Châu Phi và sự thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao về an toàn thực phẩm và môi trường cũng là một thách thức đáng quan ngại”, PGS.TS Đào Thế Anh nêu thực trạng và nhấn mạnh sự hình thành mạng lưới nông nghiệp sinh thái tại Việt Nam là cần thiết.

Theo PGS.TS Đào Thế Anh, thời gian gần đây, nhiều chính sách liên quan Nông nghiệp sinh thái đã được đề cập, như Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khoá 13; Chiến lược phát triển nông nghiệp và Nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống Lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững đến 2030 (3/2023)…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đưa nông nghiệp sinh thái vào trong nhiều Đề án, như: Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ban hành tháng 12/2023); Đề án Phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030 (ban hành tháng 12/2023); Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030 (ban hành tháng 6/2024); Đề án Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ban hành tháng 10/2024).

Quang cảnh Diễn đàn Nông nghiệp sinh thái.
Quang cảnh Diễn đàn Nông nghiệp sinh thái.
 

"Nông nghiệp sinh thái phổ biến trong sản xuất ở Việt Nam có 6 nhóm mô hình chính: Nông lâm kết hợp; Thực hành nông nghiệp tốt, an toàn thực phẩm (GAP); Nông nghiệp hữu cơ; Nông nghiệp bảo tồn; Quản lý dịch hại cây trồng tổng hợp (IPM); Hệ thống tổng hợp trồng trọt-chăn nuôi -  thuỷ sản (VAC)".

PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

PGS.TS Đào Thế Anh nêu lên 5 cấp độ chuyển đổi nông nghiệp sinh thái. 

Thứ nhất, tăng hiệu quả của yếu tố phân bón, thuốc trừ sâu/cỏ  hoá chất và giảm đầu vào gây hại cho môi trường. 

Thứ hai, thay thế các đầu vào và thực hành truyền thống bằng các giải pháp sinh học. 

Thứ ba, thiết kế lại các hệ thống sản xuất nông nghiệp sinh thái dựa trên nguyên tắc nông nghiệp sinh thái.

Thứ tư, liên kết người tiêu dùng và nhà sản xuất thông qua phát triển các chuỗi thực phẩm nông nghiệp sinh thái. 

Thứ năm, xây dựng một hệ thống lương thực nông nghiệp sinh thái cấp vùng, toàn quốc dựa trên sự tham gia, bản sắc vùng miền, bình đẳng và công bằng.

Chỉ ra các vấn đề còn tồn tại trong phát triển nông nghiệp sinh thái ở Việt Nam, PGS.TS Đào Thế Anh cho rằng các chính sách nông nghiệp sinh thái còn thiếu hướng dẫn cụ thể nên các địa phương chưa triển khai đồng bộ. Hiện vẫn thiếu bộ tiêu chí thống kê báo cáo về nông nghiệp sinh thái ở cấp địa phương; thiếu thông tin và công cụ phục vụ công tác quản lý về nông nghiệp sinh thái (cơ sở dữ liệu về nguồn lợi, bản đồ số…); thiếu cơ chế và phương thức phối hợp liên ngành ở địa phương thực hiện chuyển đổi nông nghiệp sinh thái… Các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái còn ở quy mô hộ, phân tán, thiếu phương pháp mở rộng ở cấp vùng lãnh thổ.

TS. Nguyễn Quang Tân, đại diện Tổ chức Nông lâm kết hợp thế giới (ICRAF) tại Việt Nam, chia sẻ về thách thức trong chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái ở Tây Bắc. Theo TS Tân, trình độ của người dân trong áp dụng các kỹ thuật nông nghiệp sinh thái còn thấp. Mặt khác, thói quen canh tác lâu đời của người dân khiến họ ngần ngại thay đổi phương thức sản xuất. Người dân chỉ thực sự thay đổi khi thấy các mô hình mẫu thành công và có hiệu quả rõ rệt.

TS. Tân cho biết vốn đầu tư ban đầu cho nông nghiệp sinh thái đòi hỏi nguồn lực lớn. Bên cạnh đó, năng lực của cán bộ địa phương trong việc hướng dẫn và theo dõi quá trình chuyển đổi vẫn còn hạn chế.  Thị trường cho sản phẩm nông nghiệp sinh thái hiện nay chưa có sự phân biệt rõ ràng so với sản phẩm thông thường, khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn.

NHIỀU KINH NGHIỆM THỰC TIỄN TẠI VIỆT NAM

Tại hội thảo, nhiều tổ chức, chuyên gia đã chia sẻ những kết quả, kinh nghiệm khi thực hiện các dự án nông nghiệp sinh thái tại Việt Nam, từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách và kỹ thuật để thúc đẩy những mô hình này.

TS. Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), cho biết hiện nay IRRI đang tích cực nghiên cứu các giống lúa và phương pháp sản xuất theo hướng nông nghiệp sinh thái. Trong đó, xây dựng các gói kỹ thuật canh tác bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, đồng thời đáp ứng yêu cầu về phát triển nông nghiệp sinh thái.

“Viện IRRI phối hợp tích cực với các tổ chức quốc tế, đồng hành cùng Chính phủ để phát triển kế hoạch xây dựng nền nông nghiệp sinh thái cụ thể. Đồng thời, tích cực triển khai để Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao hiệu quả và thành công, đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ của nông nghiệp Việt Nam”, TS. Cao Đức Phát khẳng định.

Chia sẻ về các mô hình tái sinh được xây dựng trên nguyên tắc và thực hành nông học (NESCAFÉ Plan) do Công ty Nestlé Việt Nam triển khai, bà Lê Thị Hoài Thương, Trưởng phòng Đối ngoại cấp cao của Nestlé Việt Nam, cho biết dự án NESCAFÉ Plan đã gắn kết chặt chẽ với nông dân khu vực Tây Nguyên, nâng cao chất lượng hạt cà phê, cải thiện phương pháp canh tác và tái canh cây cà phê già cỗi.

“Chúng tôi duy trì các chương trình tập huấn cập nhật kiến thức mới nhất về phương pháp canh tác cà phê tiên tiến tại Việt Nam và trên thế giới. Trong đó, công ty ưu tiên quản lý nông nghiệp tái sinh bằng các công cụ số như FARMS và Nhật ký nông hộ số nhằm cung cấp kiến thức về khởi nghiệp cho nông dân. Nhờ đó, nông dân có thể chủ động trong quản lý kinh tế nông hộ, trong khi đó Nestlé sẽ có số liệu nhanh chóng trong quản lý kinh tế vi mô”, bà Thương chia sẻ.

Dựa trên kinh nghiệm thực hiện dự án Sinh thái nông nghiệp tạo cảnh quan bền vững cho người nghèo ở miền núi phía Bắc (A4P), TS Nguyễn Quang Tân đề xuất nông nghiệp sinh thái cần được phát triển mạnh, đặc biệt trên các sườn dốc. 

Theo TS. Tân, việc thiết lập mô hình nông nghiệp sinh thái đòi hỏi đầu tư lớn, vì vậy cần hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho nông dân. Nên bắt đầu với những mô hình dễ áp dụng sẽ giúp người dân dễ dàng tiếp cận và mở rộng.

 

"Khung chính sách cần có hướng dẫn cụ thể về chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái, hỗ trợ thị trường và chuỗi giá trị cho sản phẩm sinh thái”.

TS. Nguyễn Quang Tân, đại diện ICRAF tại Việt Nam.

Ngoài ra, TS. Tân cũng đề nghị cần nâng cao học hỏi và trao đổi kinh nghiệm giữa nông dân và có lộ trình từng bước giảm sử dụng hóa chất để thay đổi nhận thức và hành động của người dân.

Tại diễn đàn, đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã giới thiệu về công cụ đánh giá hiệu suất nông sinh thái (TAPE). TAPE được sử dụng để thiết lập đường cơ sở về tính bền vững của nông nghiệp cho thiết kế, giám sát và đánh giá dự án, và để chẩn đoán, so sánh hiệu suất của các hệ thống nông nghiệp khác nhau theo thời gian, ở cấp độ trang trại và lãnh thổ. Do đó, hỗ trợ việc định hướng lại đầu tư công theo hướng nông nghiệp và hệ thống thực phẩm bền vững hơn.