16:36 30/11/2021

Đưa Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp sinh thái

Chu Khôi

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ ban hành ngày 1/10/2021 đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững, ít phát thải theo hướng kinh tế tuần hoàn, thông minh thích ứng với khí hậu…

Diễn đàn chuyển đổi nông nghiệp xanh, phát thải thấp.
Diễn đàn chuyển đổi nông nghiệp xanh, phát thải thấp.

Phải xây dựng và phát triển nông thôn mới theo hướng xanh, bền vững với các mô hình làng sinh thái, làng thông minh thích ứng với khí hậu. Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao “Chuyển đổi sang Hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp”, ngày 30/11.

ĐỨNG GẦN CUỐI VỀ CHỈ SỐ SỨC SỐNG HỆ SINH THÁI

Tiến sỹ Channing Arndt, Trưởng ban Môi trường và công nghệ sản xuất, Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế, cho hay hiện nay biến đổi khí hậu làm nhiệt độ gia tăng ở gần như mọi nơi trên thế giới, đi kèm với đó là tổng lượng mưa trên toàn cầu tăng mạnh nhưng vị trí xảy ra mưa lại rất khó dự đoán.

Về "Phát thải từ nông nghiệp, lâm nghiệp và các mục đích sử dụng đất khác (AFOLU)”, Tiến sỹ Arndt khẳng định 21% lượng phát thải toàn cầu là từ AFOLU và đây cũng là nguồn phát thải khí metan chính, một loại khí nhà kính mạnh dù tồn tại trong thời gian ngắn.

Cùng chung nhận định này, bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng nông nghiệp là một trong những tác nhân chính gây nên biến đổi khí hậu khi phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực này chiếm 18% tổng lượng phát thải.

 

Lượng khí phát thải trong nông nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ lên tới 120 triệu tấn CO2 vào năm 2030, trong đó có tới một nửa xuất phát từ ngành lúa gạo. Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ tại COP26 đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, giảm khí thải Metan 30% tính đến năm 2030… và đây là thách thức đối với ngành lúa gạo Việt Nam.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam

Giám đốc WB tại Việt Nam cho rằng trong tương lai nông nghiệp Việt Nam sẽ dựa vào tri thức nhiều hơn trong khi tập quán thâm dụng tài nguyên và dấu chân carbon cần phải giảm thiểu. Việt Nam cũng cần nhạy bén hơn những nhu cầu trên toàn cầu để sản xuất sản phẩm an toàn hơn với môi trường.

Ông Steven Jaffee, Cựu Trưởng Chuyên gia Kinh tế tại Khu vực EAP của WB dẫn Chỉ số Hiệu quả môi trường của Đại học Yale nhằm đo sức khỏe môi trường và sức sống hệ sinh thái của 180 quốc gia, Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình về sức khỏe môi trường nhưng đứng gần cuối về sức sống của hệ sinh thái so với các nước trong cùng khu vực. Vị trí địa lý, nhân khẩu học và khí hậu khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất ở châu Á trước biến đổi khí hậu.

Tác động lớn đến môi trường của ngành nông nghiệp Việt Nam là do nhiều nguyên nhân, bao gồm sử dụng vật tư đầu vào quá mức, quản lý chất thải kém và suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên...

“Để đi sâu và đẩy nhanh chương trình về môi trường nông nghiệp, Việt Nam cần có một chiến lược và kế hoạch hành động chuyên sâu được xây dựng dựa trên bốn trụ cột bao gồm chính sách khuyến nghị, đổi mới sáng tạo, thể chế và chính sách hỗ trợ. Điều quan trọng là cần xem xét các giải pháp ở nhiều cấp độ, từ cấp độ nông hộ cho đến cấp quốc gia”, ông Steven Jaffee khuyến nghị.

HƯỚNG TỚI NHỮNG GIÁ TRỊ XANH

Bà Carolyn Turk, Trưởng đại diện WB tại Việt Nam, khuyến cáo Việt Nam cần thay đổi chi tiêu công trong nông nghiệp. Cần chuyển dịch cơ cấu sở hữu đất để giải quyết vấn đề sản xuất nhỏ lẻ manh mún. Các giải pháp công nghệ và chuyển đổi số đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn dọc theo chuỗi giá trị. Cần thực hiện các quy trình và giải pháp một cách khôn ngoan để đảm bảo sản xuất và cung ứng cho người tiêu dùng.

WB và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các tỉnh, thành phố đang xây dựng một dự án hỗ trợ Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp giảm phát thải trong tương lai, nhằm huy động đầu tư tư nhân vào nông nghiệp và các khâu trong chuỗi giá trị; tìm hiểu các cơ chế tiếp cận tài chính carbon.

“Chúng ta cần phải cùng nhau suy nghĩ về việc khu vực tư nhân có thể làm gì và khu vực công sẽ hỗ trợ thế nào trong quá trình tăng trưởng do khu vực tư nhân làm chủ đạo, dẫn dắt. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp cấp các nguồn lực đầu tư cho các dự án có thể mang lại sự chuyển đổi ở quy mô lớn, không chỉ dừng lại mức độ thí điểm", bà Turk nhấn mạnh.

TS. Jikun Huan, Giám đốc Trung tâm Chính sách Nông nghiệp Trung Quốc (Đại học Bắc Kinh) chia sẻ kinh nghiệm của Trung Quốc về chuyển đổi sang nền nông nghiệp giảm phát thải. Trung Quốc đã phải trả giá đắt cho việc tăng trưởng sản lượng lương thực trong những năm trước bằng sự suy thoái tài nguyên và môi trường đe dọa tới phát triển bền vững.

Vì vậy, Trung Quốc đã ban hành chiến lược Dự trữ thực phẩm trong công nghệ từ năm 2015. Điểm nổi bật trong chiến lược là việc nâng cao, đổi mới năng lực nghiên cứu và phát triển, cụ thể là công nghệ sinh học và công nghệ kỹ thuật số. Chiến lược Dự trữ thực phẩm trong đất từ năm 2015 của Trung Quốc đã đặt ra giới hạn về canh tác đất và đẩy mạnh cải thiện chất lượng đất đai dựa trên việc xây dựng các nông trại tiêu chuẩn cao.

 

"Ngành nông nghiệp Việt Nam đang chuyển đổi từ tư duy ngắn hạn sang tư duy dài hạn và bền vững, từ tư duy khai thác sang tư duy nuôi dưỡng, hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đáp lại lời khuyến cáo của WB và các đối tác quốc tế, người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam cho rằng vấn đề của chúng ta không phải là lựa chọn, mà là hành động. Phải có những “passport” trong ngành nông nghiệp để giúp chúng ta mở ra thêm nhiều cánh cửa.

“Xanh hóa nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội, cần xác định tâm thế này để thay đổi. Đây còn là trách nhiệm với hàng chục triệu hộ nông dân. Từng cơ quan trong Bộ như Cục Trồng trọt, Chăn nuôi, Thủy sản... những cơ quan liên quan đến nông nghiệp xanh cần có những bước đi cụ thể, những gạch đầu dòng để bắt đầu thực hiện từ ngày hôm nay”. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc lại tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu (COP26), tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cam kết Việt Nam sẽ trở thành quốc gia trung hòa về carbon vào năm 2050.

"Với tư duy mới, chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp sinh thái, trung hòa carbon thay vì chỉ là cường quốc về sản lượng lương thực. Với tư duy sáng tạo, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cường quốc đổi mới sáng tạo tích hợp các giá trị văn hoá, đa dạng sinh học, cảnh quan trong nông nghiệp và thực phẩm”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.