09:34 29/01/2019

Hương nếp xanh cho mùa xuân an yên…

Băng Hảo

Đối với tôi, những ngày sống cùng ông bà ngoại, cùng đón những cái tết ở quê là những kỷ niệm đẹp nhất trong miền thơ ấu.


Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ đưa ông Táo về trời thì ở khắp nơi trên quê tôi như đã vào xuân, ai cũng nô nức đón đợi sự khởi đầu mới với một năm an lành, sung túc.Còn nhớ, năm nào tôi cũng lẽo đẽo theo ông ngoại đi kiếm thật nhiều củi, ông nói tết trong nhà phải cần thật nhiều củi chắc để còn nấu bánh tét. Vậy là chỉ vài ba hôm củi trong nhà đã được chất đầy sau chái bếp. Sau đó là đến công đoạn đi cắt lá chuối. Những tàu lá được hơ trên ngọn lửa cho dai và mềm ngả sang màu sậm như những tấm vải được xếp ngay ngắn.Người dân quê coi ăn Tết là cả một quá trình thưởng ngoạn chơi xuân, là dịp để mở lòng ra bày tỏ tâm tình. Mà bao giờ cũng vậy, công đoạn đầu tiên bắt đầu từ việc chuẩn bị nguyên liệu cho bánh trái. Từng hạt nếp được làm ra từ cánh đồng sâu nơi hốc núi triền khe, từ thửa ruộng ở cồn, ở bãi. Làm được hạt nào phơi phong xong bỏ vào lu, vào hũ hạt đấy, đậy kín nắp lại cất giữ như hạt ngọc trời cho, như ủ lại một làn hương đến từ thinh không.
Hương nếp xanh cho mùa xuân an yên… - Ảnh 1.
Thau nếp trắng được bà ngoại ngâm lá dứa, chuyển sang màu xanh nhạt, toả ra một mùi thơm thơm ngọt ngào mà quá đỗi mơ hồ. Nhìn bàn tay đã chai sần sương gió của ngoại khi vốc lên những hạt nếp xanh nhạt, khi vỗ vào đòn bánh cho nếp lèn chặt vào nhau, khi nhanh tay thắt những sợi lạt… tự dưng thấy thương ngoại. Cuộc đời ngoại cứ lặng lẽ, tần tảo như vậy.Người người gói bánh, nhà nhà gói bánh, làm bánh. Xóm này qua xóm khác, làng này qua làng khác, bếp được nhóm đỏ rực trong nhà ngoài sân, có khi ra tận đầu ngõ. Những chiếc nồi, chiếc thùng to đùng được bắc lên, lửa củi cháy đỏ hết lòng, từng nồi bánh nước réo sôi sùng sục. Khói tỏa ra khắp mọi con đường làng, lơ lửng bay ra tận ngoài đồng ngoài bãi. Khói bay đến đâu mùi hương nếp ngào ngạt đến đấy. Lan xa, mỏng mảnh mà nồng nàn hơi ấm, mà đủ sức xô giạt từng cơn gió cuối đông giá lạnh, mang cái thông điệp vừa ấm áp reo vui vừa hối hả thúc giục. Tết đang về thật gần!
Hương nếp xanh cho mùa xuân an yên… - Ảnh 2.
Những ngày tiếp theo, trong không khí luôn vương vấn những mùi hương đặc biệt, và đâu đâu cũng ngập màu của Tết. Một thúng nan nâu chứa đầy ăm ắp một thứ nguyên liệu màu trắng ngà, toả ra mùi nồng nồng quen thuộc lắm. Không cần chạy xuống bếp, cũng biết ngoại đã mua liền mấy thúng củ kiệu về chuẩn bị ngâm chua. Cái mùi củ kiệu ấy còn vương bám trên mọi ngóc ngách trong nhà dai dẳng đến vài ngày sau, qua mấy công đoạn ngâm, phơi, cắt... cho đến khi đã yên vị hẳn trong lọ, những củ kiệu trắng tinh, ngon lành, sạch sẽ.Tiếp đến là mùi măng khô đang luộc trong nồi, màu nâu dịu dàng như màu đất mới sau cơn mưa. Đây là mùi thịt kho hột vịt, nghe thoang thoảng vị béo của mỡ, ánh lên màu cánh gián như ráng chiều. Đây là mùi ngọt gắt của đường cát chưa tan hết trong chảo mứt đang sên, những trái quất được ép hình hoa màu cam rực rỡ. Đây là mùi hoa vạn thọ, hẳn ba vừa mua mấy chậu về đặt trước hiên nhà, vàng ươm hân hoan. Và đây, mùi nhang trầm – hôm nay đã là ba mươi rồi đó, dậy đi thôi để chuẩn bị rước ông bà về ăn Tết với cháu con.
Hương nếp xanh cho mùa xuân an yên… - Ảnh 3.
Lạ vậy đó, mỗi năm Tết lại đến một lần, nhưng lần nào ngửi thấy mùi gạo nếp ngâm lá dứa chuyển sang màu xanh, hay mùi củ kiệu... tôi đều có cảm giác như sắp được đón Tết lần đầu. Phải chăng vì vậy, mà khi nhớ Tết quê nhà, chúng ta không chỉ nhớ màu mai vàng rực rỡ, đào phai thắm hồng, màu dưa hấu đỏ, bánh chưng xanh, mà còn nhớ cả những mùi hương nhẹ tênh mà quấn quýt mãi trong tiềm thức.