Nở rộ dịch vụ “chữa lành”
Trên nền tảng TikTok, các hashtag “chữa lành” hay “healing” lọt top 100 hashtag được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam. Có thể thấy xu hướng này phản ánh nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần của giới trẻ ngày càng tăng…
“Healing" là một khái niệm đã xuất phát từ nhiều thế kỷ, có sự hiện diện trong hệ thống tôn giáo và triết học ở cả phương Đông và Phương Tây từ lâu đời. Đây là thuật ngữ để chỉ sự hàn gắn, xoa dịu những vết thương tinh thần, giúp con người hồi phục và mạnh mẽ hơn trong cuộc sống. Sau nhiều mất mát và khó khăn giai đoạn dịch Covid-19 bùng nổ, chữa lành trở thành cụm từ bùng nổ trên internet toàn cầu.
Theo thống kê xu hướng tìm kiếm của Google năm 2021, "how to heal" (làm sao để chữa lành) là câu hỏi được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới, đạt mức cao nhất mọi thời đại. Kể từ đó, trên các trang mạng xã hội tại Việt Nam, hàng loạt hội nhóm liên quan đến chữa lành cũng ra đời: "chữa lành tự nhiên", "chữa lành miễn phí", "cộng đồng chữa lành", "du lịch chữa lành"…, thu hút hàng trăm ngàn thành viên tham dự.
Trên mạng xã hội TikTok - nơi thể hiện rõ ất thị hiếu người dùng, thống kê tại Việt Nam, hashtag #chualanh có tổng 194.000 bài viết với 2 tỷ lượt xem. Tính ra trung bình mỗi ngày có khoảng 1.857 bài viết liên quan đến cụm từ "chữa lành". Với hashtag #healing cũng thống kê tại Việt Nam, có tổng 11 triệu bài viết với 58 tỷ lượt xem. Đi kèm với từ khóa đó là không ít những chia sẻ cho rằng họ có những bất ổn về tâm lý cần được chữa lành.
Từ đó, những người làm kinh doanh hay doanh nghiệp cũng đã nhanh chóng sử dụng cụm từ này trong tiếp thị, truyền thông để bán hàng hiệu quả. Dịch vụ liên quan tới chữa lành có mặt tại khắp mọi miền với nhiều hình thức khác nhau: thiền định, du lịch, âm nhạc, phim ảnh, sách, các podcast, workshop… Bên cạnh các hội nhóm miễn phí, ở không ít trường hợp, người sử dụng phải bỏ ra số tiền không nhỏ để tham gia các hoạt động này.
Đơn cử, các loại thực phẩm và đồ uống được giới thiệu là có nguồn gốc tự nhiên, có công dụng thanh lọc, tốt cho hệ tiêu hóa, sức khỏe, có tác dụng "chữa lành" cho cơ thể, có giá từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng/món hoặc combo. Cùng với đó là các "vật phẩm chữa lành", từ đồ trang sức đến các liệu pháp hương thơm như tinh dầu, nến… giúp thư giãn. Những người có nhu cầu còn được mời các dịch vụ "chữa lành" như: workshop, khóa học, tour du lịch, thiền…
Hình thức tham gia cũng rất linh hoạt, từ trực tuyến đến trực tiếp, từ các lớp học tập thể đến những buổi đào tạo chuyên sâu 1 giảng viên và 1 học viên. Tùy theo từng nội dung, những sản phẩm, dịch vụ này có thể có giá dao động từ 250.000 đồng/buổi đến hàng chục triệu đồng.
Có thể thấy các sản phẩm hay dịch vụ trên đều là những thứ mà khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận với nhu cầu đại trà. Ở một mức độ cao hơn, có những dịch vụ được người cung cấp cho là "chuyên sâu" trong việc "chữa lành" được gọi tên là "khóa học chữa lành" hay "trị liệu chữa lành" nhưng rất nhiều người sau khi tham gia đã bị cài cắm mua hàng, mua thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ… rồi rước họa vào thân.
Thực tế, đúng là tỷ lệ người cần chăm sóc sức khỏe tâm thần đang ngày một tăng nhanh và có xu hướng trẻ hóa. Tại Việt Nam, 14,9% dân số (khoảng 15 triệu người) bị mắc các rối loạn về tâm thần. Trong đó, tỷ lệ bị trầm cảm, lo âu chiếm tới 5,4% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác.
Từ góc độ người cung cấp dịch vụ, chị Nguyễn Ngọc Anh, đại diện một đơn vị tổ chức workshop tại Hà Nội, chia sẻ: "Mục đích của các workshop chữa lành là thông qua hoạt động như vẽ tranh, cắm hoa, làm bánh…, giúp mọi người có thời gian thư giãn, giao lưu, cân bằng cuộc sống. Còn các hoạt động trị liệu tâm lý, xoa dịu những tổn thương trong tâm hồn, chị em cần tìm đến các chuyên gia tâm lý, hay các cá nhân, tổ chức có chức năng, được đào tạo và có bằng cấp chuyên môn".
Duới góc độ tâm lý học, TS. Trần Thu Hương, Chủ nhiệm bộ môn Tâm lý học xã hội, Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng tất cả mọi người ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời đều có thể cần đến sự trợ giúp tâm lý. “Âm nhạc chữa lành”; “hội họa chữa lành”; “phim ảnh chữa lành”; “Du lịch chữa lành”… là những hình thức trị liệu tâm lý giúp cho những người có tổn thương, lo lắng, chán nản, mất cân bằng… giải tỏa được những cảm xúc tiêu cực, tìm thấy lại niềm vui, động lực, cảm hứng để sống và làm việc.
Theo TS. Trần Thu Hương, thực tế đang xuất hiện tình trạng thương mại hóa dịch vụ “chữa lành” khi ngày càng nhiều người quan tâm đến các vấn đề, sức khỏe tâm thần. “Hoạt động chữa lành là một trong những kỹ thuật đã được ứng dụng trong tâm lý học lâm sàng và phải được thực hiện bởi những người được đào tạo, có bằng cấp chuyên môn và cần tuân thủ đạo đức hành nghề. Lĩnh vực này cần có sự quản lý của pháp luật,” TS. Trần Thu Hương nói.
Cũng liên quan đến các dịch vụ “chữa lành” nở rộ hiện nay, TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), lưu ý “chữa lành” không phải là phương pháp chữa bệnh vì nó không phải là bệnh. Người có dấu hiệu trầm cảm, âu lo hoặc rối loạn tâm thần phải do các bác sĩ chuyên khoa, thầy thuốc có chứng chỉ hành nghề khám, chẩn đoán và điều trị bằng phương pháp dùng thuốc hoặc không dùng thuốc.
“Hiện nở rộ các dịch vụ chữa lành, thậm chí có người mạo nhận là chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm lý, thu tiền giá cao. Chữa lành không còn là hiện tượng đơn lẻ nữa mà trở thành trào lưu. Nếu tiếp tục để tự phát nở rộ mà không có biện pháp quản lý sẽ gây ảnh hưởng và hệ lụy nhiều người,” TS. Nguyễn Huy Quang nhận định.
Tránh “tiền mất tật mang” hay rơi vào tình trạng tâm lý hoặc bệnh lý của bản thân và gia đình ngày một nặng nề hơn, các chuyên gia khuyến cáo: Khi gặp các vấn đề tâm lý, người dân cần đến các cơ sở uy tín như bệnh viện, cơ sở được cấp phép, có đội ngũ chuyên môn rõ ràng để được hỗ trợ. Ngoài ra, cũng cần thừa nhận rằng việc “mình có vẻ khá hơn” sau một khóa học nào đó, chưa chắc đã là cái thiện triệu chứng hay chỉ là cảm giác do tâm lý. Người dùng sản phẩm, dịch vụ nên có thời gian để kiểm chứng, kiểm duyệt dưới nhiều phương thức của các đơn vị, tổ chức, cá nhân có chuyên môn.
Khi có nhu cầu tham gia các dịch vụ chữa lành, người dân cần phải xác minh chất lượng, uy tín người dạy. Hãy tìm kiếm trên mạng về thông tin của người đứng lớp và đơn vị tổ chức; đề nghị công khai bằng cấp, chứng chỉ, lý lịch khoa học; xác nhận/kiểm tra độ uy tín qua người quen, các nhà chuyên môn…