Giới trẻ Việt chuộng mua hàng qua phiên livestream
Livestream shopping, hay mua sắm qua video phát trực tiếp, xuất phát từ mạng xã hội ở Trung Quốc. Đến nay, theo công ty nghiên cứu thị trường Coresight Research, hình thức này đã phát triển thành một thị trường trị giá 512 tỷ USD…
Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) 2024 của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) vừa công bố ngày 24/4/2024, năm 2023 bối cảnh nền kinh tế Việt Nam được xem là gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. VECOM ước tính tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này tăng trên 25% so với năm 2022 và đạt 25 tỷ USD. Trong đó, quy mô bán lẻ hàng hoá trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD.
NGƯỜI VIỆT DÀNH 13 GIỜ/TUẦN ĐỂ XEM LIVESTREAM BÁN HÀNG
Khảo sát của Nielsen IQ Việt Nam chỉ ra, với dân số đông, tỷ lệ sử dụng internet tốt, Việt Nam là thị trường màu mỡ cho thương mại điện tử phát triển. Có khoảng 95% người mua sắm trực tuyến đã mua hàng từ các phiên livestream trong 3 tháng đầu năm 2024.
Cũng theo Nielsen IQ, những yếu tố thúc đẩy chính của mua sắm trực tuyến đối với người dùng là khả năng mua sắm tiện lợi của các sàn TMĐT (hàng hóa nhiều mẫu mã đa dạng, nắm bắt được số lượng hàng hóa có sẵn, phương thức thanh toán thuận tiện,…). Ngoài ra, xu hướng tìm kiếm các khuyến mãi, ưu đãi của nhãn hàng và trải nghiệm mua sắm trọn vẹn cũng thúc đẩy hành vi mua sắm trên các sàn TMĐT.
Thông tin từ AccessTrade Việt Nam thì cho biết, việc mua sắm trực tiếp qua livestream có tiềm năng thúc đẩy tới 20% tổng doanh số bán hàng thương mại điện tử vào đầu năm 2026. Trong đó, 3 nền tảng livestream bán hàng phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,2%). Bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, có sự tham gia của hơn 50 nghìn nhà bán. Người Việt dành 13 giờ/tuần để xem livestream bán hàng, rút hầu bao mua hàng online đứng thứ 11 thế giới.
Theo báo cáo “Những xu hướng mới của người tiêu dùng Việt” do Cốc Cốc vừa phát hành, có 77% đã từng xem livestream bán hàng, 71% trong số đó đã mua hàng trong livestream. 67% người được hỏi thuộc thế hệ Millennials (sinh năm 1981 - 1996) và 51% thuộc thế hệ Gen Z ( 1997 - 2012) cho biết đã từng xem và mua hàng qua livestream. Đây cũng là lực lượng chính trong xu hướng mua sắm này.
Tương tự là nội dung báo cáo mới nhất về hành vi mua sắm của thế hệ Gen Z tại Việt Nam do Kantar Profiles thực hiện: 2/3 Gen Z xem các nền tảng TMĐT là điểm khởi đầu cho hành trình mua sắm của họ, đồng thời thể hiện sự tin tưởng vào các nền tảng này để tìm hiểu về sản phẩm trước khi mua. Đáng chú ý, một nửa số người tham gia khảo sát ban đầu chọn tìm hiểu sản phẩm trên các nền tảng thương mại xã hội nhưng sau đó quay trở lại các nền tảng TMĐT để hoàn tất giao dịch.
Khảo sát này cũng cho thấy, cứ 2 Gen Z sẽ có 1 người dành ít nhất 5 ngày để tìm hiểu về sản phẩm trước khi mua, bao gồm đọc đánh giá (26%), xem video giới thiệu sản phẩm (20%) và tìm kiếm thông tin giá cả. Bên cạnh việc dành nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi mua hàng, nhóm người trẻ này còn xem miễn phí vận chuyển và sử dụng voucher giảm giá dễ dàng là những yếu tố cần được quan tâm hàng đầu. Thậm chí, 4/5 người dùng Gen Z tham gia khảo sát cho biết giá cả thấp là ưu đãi hấp dẫn nhất để khuyến khích họ thêm sản phẩm vào giỏ hàng.
GEN Z TIN TƯỞNG VÀO INFLUENCERS Ở MỨC ĐỘ CAO NHẤT
Cũng theo số liệu thống kê, các video được sáng tạo bởi chính người dùng mang lại hiệu quả chuyển đổi cao hơn 184% so với các video thông thường được phân phối bởi các nhãn hàng. Từ đó, khái niệm Influencers xuất hiện, đây là những “chuyên gia” trong một vài lĩnh vực, có tầm ảnh hưởng đối với tập người dùng nhất định.
Tính giải trí, phong cách nói chuyện, ứng xử và kiến thức chuyên môn là tốp ba lý do người dùng yêu thích Influencers. Gen Z và Millennials là hai thế hệ đặt “niềm tin” nhiều nhất vào nhóm này, với 33% người được hỏi lựa chọn tin tưởng vào những đề xuất, gợi ý từ Influencers ở mức độ cao nhất.
Điển hình là câu chuyện cây gắp đá chục triệu đến từ Thái Công - công ty chuyên thiết kế, kinh doanh nội thất sang chảnh. Phiên livestream thu hút lượt xem cực lớn, chỉ 4 phút đầu đã có tới 6.700 lượt xem, đến phút 20 có hơn 1 triệu người thả tim. Quần áo, phụ kiện thời trang cũng là sản phẩm thu hút lượt quan tâm nhiều nhất trong các phiên livestream. Từng là một thương hiệu sáng trọng, nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường cũng đạt những mốc doanh thu ngày càng cao nhờ các phiên livestream “chốt” hàng chục nghìn đơn.
Anh cho biết: “Tìm hiểu ở Việt Nam, tôi biết có những phiên live đạt doanh thu vài chục tỷ đồng. Có thể những người chưa từng bước chân vào mảng này sẽ thấy mơ hồ và cho rằng dấu mốc 5 tỷ, 10 tỷ, 30 tỷ hay 75 tỷ mỗi phiên live là những con số kinh khủng khiếp. Nhưng khi trực tiếp tham gia, tôi thấy đó là điều hoàn toàn khả thi," nhà thiết kế nói.
Tại Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024, thông qua khảo sát của NielsenIQ Việt Nam, bà Lê Minh Trang, Bộ phận Nghiên cứu bán lẻ NIQ cho biết, người Việt dành 13 tiếng/tuần để xem livestream bán hàng. Trong đó, 64% người xem livestream được thúc đẩy mua hàng ngẫu hứng nhiều hơn bình thường, 78% khách hàng cho biết họ thấy rất khi xem các buổi livestream bán hàng. 90% người tiêu dùng có ý định duy trì hoặc thậm chí tăng cường sử dụng sàn thương mại điện tử trong mua sắm trong 12 tháng tới dù không phải là không có rủi ro.
Dù bị mua trúng hàng nhái nhiều lần nhưng Nguyễn Giang, sinh viên trường Đại học Kinh Tế TP.HCM thừa nhận bản thân vẫn sẽ tiếp tục “chốt đơn” qua các phiên livestream do có nhiều mã giảm giá và giá thành sản phẩm thấp. “Số lượng sản phẩm không đủ khi mình đặt nhiều sản phẩm cùng loại, khi mua quần áo thì chất liệu vải không được như trên livestream”, Giang bộc bạch. Tương tự, Hữu Tín, sinh viên năm hai của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết: “Mỹ phẩm hay quần áo dễ gặp rủi ro nhất vì mỹ phẩm không phải loại nào cũng hợp da mình, còn quần áo thì khó thấy được chất liệu vải cho đến khi nhận hàng”.
Bộ Công Thương cũng cho biết thời gian qua đã xử lý nhiều vụ việc liên quan đến buôn bán hàng gian, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên nền tảng thương mại điện tử. Bộ đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành quyết định 319 phê duyệt đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các bộ, ngành, lực lượng chức năng thực hiện đồng bộ các giải pháp, phục vụ công tác đấu tranh chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT.