12:09 20/07/2010

Kể chuyện “hậu trường” 10 năm chứng khoán

Minh Đức

Thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên một phần từ những câu chuyện thật của một thời để trở thành chuyện vui của hôm nay

Đến nay, cả hai sàn HNX và HOSE đã có gần 560 doanh nghiệp niêm yết.
Đến nay, cả hai sàn HNX và HOSE đã có gần 560 doanh nghiệp niêm yết.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên một phần từ những câu chuyện thật của một thời để trở thành chuyện vui của hôm nay.

Với những người ngày đầu gây dựng thị trường chứng khoán Việt Nam, tham gia thị trường trước và nay, hẳn đã có ít nhiều kỷ niệm. Nay, sau 10 năm thị trường hình thành và đã có bước tiến dài, họ nhớ lại và vẫn nguyên vẹn cảm xúc.

HNX đi xin… 100 triệu

Ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), đến giờ vẫn chưa quên cảm giác thiếu tự tin khi lần đầu tiên “đi xin” cấp trên 100 triệu đồng kinh phí hỗ trợ công tác tạo hàng cho sàn Hà Nội những ngày đầu.

Thiếu tự tin vì điều đó chưa có trong tiền lệ, là một “khoản riêng” ngoài kinh phí đã được cấp. Công tác tạo hàng lúc đó cũng còn mới mẻ và còn thụ động. Mặt khác, không hoài nghi nhưng vẫn có những đắn đo về khả năng thành công khi thành lập Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC, và nay là HNX).

Trước ngày mở sàn, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán lúc bấy giờ (năm 2005), ông Trần Xuân Hà đưa ra yêu cầu: đã mở cửa thị trường thì phải đảm bảo có giao dịch, cố gắng đạt được 2 tỷ đồng một phiên, tối thiểu cũng phải được 500 triệu. Ngày 14/7/2005, HASTC mở sàn với 6 doanh nghiệp đăng ký giao dịch.

“Câu hỏi cứ lơ lửng trên đầu chúng tôi trong suốt quá trình chuẩn bị là lấy đâu ra hàng để mở cửa thị trường”, ông Dũng nhớ lại. Và kế hoạch xin Ủy ban Chứng khoán 100 triệu đồng được đưa ra và được chấp thuận. Số tiền này được dùng để tiếp thị về thị trường chứng khoán và lợi ích của nó, về HASTC đến các doanh nghiệp niêm yết tiềm năng.

Sau này thì đã khác, hoạt động tạo hàng cho thị trường đã được đầu tư với quy mô lớn, mở rộng và có chiến lược. Nhưng đó cũng chỉ mới từ một phía. Phía còn lại là sự “hợp tác” và chủ động của các doanh nghiệp.

Ông Đỗ Văn Trắc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SACOM - một trong hai doanh nghiệp đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán (mã SAM-HOSE), kể lại: “Thời điểm đó, niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán là một khái niệm khá mới mẻ và hầu như các doanh nghiệp đều e dè vì sợ phải công khai, minh bạch mọi thông tin hoạt động của mình. Vì vậy, việc thực hiện niêm yết quả thực là quyết định rất khó khăn vào thời điểm đó”.

Thậm chí tâm lý nhiều doanh nghiệp lo ngại các đối thủ, đối tượng cạnh tranh sẽ lợi dụng chính sự công khai, minh bạch đó đó để hưởng lợi.

Nhưng đến nay, cả hai sàn HNX và HOSE đã có gần 560 doanh nghiệp niêm yết. Ở thời điểm thị trường bùng nổ như năm 2007, có ngày thị trường chứng kiến cả chục doanh nghiệp cùng “chen chân” bật sâm-banh chào sàn…

Bố, mẹ, em gái là… khách hàng đầu tiên

Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital là nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên tại thị trường chứng khoán Việt Nam nhận được mã số lưu ký chứng khoán. 5 năm trước khi thị trường chính thức vận hành, công ty này đã tổ chức vận động vốn, và đó là một quá trình chật vật.

Theo ông Dominic Scriven, một trong những thành viên sáng lập và là Tổng giám đốc Dragon Capital, thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tại thời điểm đó rất khó, vì phải chứng minh được họ có thể hưởng lợi bằng với đầu tư vào các nước khác; kế đó là cần chứng minh được chúng tôi có kinh nghiệm sử dụng vốn để thực hiện đầu tư.

“Họ đưa chúng tôi 1 triệu Đô la, nhưng chúng tôi chỉ đưa lại cho họ “một tờ giấy” mà thôi và nói: “Ông hiện đang sở hữu 1 triệu cổ phiếu quỹ này”. Chính vì vậy, mình phải lập một quỹ hợp pháp nữa ở nước ngoài, chứng minh cách làm, trách nhiệm của quỹ, đăng ký quỹ trên một thị trường chứng khoán ở nước ngoài để các nhà đầu tư có khả năng giao dịch cổ phiếu quỹ”, ông Dominic kể lại.

Tuy thế cũng không phải dễ mà nhận được tiền. Dragon Capital đã gặp gỡ và vận động các công ty tài chính ở Mỹ, châu Âu, châu Á. Ở đâu có công ty tài chính là tới. Nhưng tỷ lệ khoảng 140/150 công ty từ chối. Nguyên nhân chủ yếu là họ thấy Việt Nam chưa hấp dẫn, hoặc Dragon Capital lúc đó chưa có nhiều kinh nghiệm…

Đến năm 1995, công ty quản lý quỹ này huy động được một quỹ đầu tiên (VEIL) ở nước ngoài, được 16,5 triệu USD. Để có được con số đó, Dominic Scriven phải huy động cả từ bạn bè, người thân, ngay cả mẹ, em gái và bố. Họ chính là những khách hàng đầu tiên.

Nay thì Dragon Capital đã quản lý một lượng vốn khoảng 1,4 tỷ USD.

Bốc thăm… đặt lệnh

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã hoạt động được 10 năm. Khoảng 2/3 quãng đường đó, việc viết lệnh và xử lý lệnh của nhà đầu tư được thực hiện thủ công, hay “mổ cò” theo cách gọi vui của nhân viên nhập lệnh.

Trong khoảng 5 năm đầu, lượng tài khoản của nhà đầu tư chưa đầy con số 30.000, nhưng phương thức giao dịch và trở ngại về công nghệ tạo nên những nút cổ chai ở những thời điểm sôi động.

Nhớ lại thời kỳ đó, ông Nguyễn Quang Vinh, nguyên là Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) và nay là Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), không quên một sáng kiến thú vị của mình.

“Thời đó, nhà đầu tư nào đến sớm thì lấy phiếu viết lệnh, ai viết xong trước thì đưa lệnh cho nhân viên công ty chứng khoán nhập vào hệ thống. Dần dà, nhà đầu tư có sáng kiến là thủ sẵn phiếu lệnh hôm nay cho ngày hôm sau để được vào lệnh trước”, ông Vinh kể với VnEconomy.

Trước “tình trạng” trên, ông Vinh quyết định đưa ra “giải pháp” làm phiếu thăm để nhà đầu tư bốc phiếu lệnh theo thứ tự cho khách quan và công bằng. Mỗi ngày thu hẳn 5 phiếu đầu theo số thứ tự để nhà đầu tư có động lực bốc tiếp…

Từ năm 2006 - 2007, giao dịch trực tuyến bắt đầu mở rộng. Nhà đầu tư bắt đầu tiếp cận công nghệ để chủ động nắm bắt thời cơ. Tại Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS), một trong những thành viên đầu tiên áp dụng phương thức này, hiện tượng lệnh trực tuyến xếp hàng từ đêm trước cho đến sáng hôm sau vào cuộc cũng là kỷ niệm của một thời.

Còn nay, hầu hết các công ty chứng khoán đều đã có dịch vụ giao dịch trực tuyến với công nghệ hiện đại; việc nắm bắt cơ hội, nhập lệnh, hủy lệnh, ứng tiền… được tính theo từng giây. Và theo đó, sự công bằng giữa các nhà đầu tư cũng được cải thiện hơn, thay cho “hú họa” bốc thăm của những năm trước đó.

* Là nhà đầu tư, bạn có những kỷ niệm vui, buồn gì với thị trường chứng khoán trong nước những năm qua? Hãy chia sẻ với VnEconomy qua địa chỉ editor@vneconomy.vn. VnEconomy xin cảm ơn sự tham gia của bạn.