Khởi động dự án giải quyết các bệnh dịch liên quan đến biến đổi khí hậu
Hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng gia tăng ở đồng bằng sông Cửu Long có thể dẫn đến nguy cơ bùng phát bệnh sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác cũng như lây lan các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người…
Ngày 7/06/2024 tại Cần Thơ, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) khởi động một sáng kiến tại thành phố Cần Thơ và tỉnh An Giang nhằm nâng cao năng lực cấp tỉnh/thành phố trong việc phát hiện, ngăn ngừa và ứng phó trước các bệnh truyền nhiễm mới nổi liên quan đến biến đổi khí hậu.
Tham dự sự kiện có ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Cần Thơ, bà Aler Grubbs, Giám đốc USAID Việt Nam, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam và đại diện các sở, ban, ngành của thành phố Cần Thơ và tỉnh An Giang.
Bà Aler Grubbs, Giám đốc USAID Việt Nam, cho biết Hoa Kỳ là đối tác cam kết của Việt Nam trong nỗ lực giải quyết các mối đe dọa bệnh truyền nhiễm đã tồn tại từ lâu cũng như mới nổi, phù hợp với các ưu tiên chung của hai nước trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện. USAID và Việt Nam sẽ phát huy nền tảng hợp tác gần 20 năm trong lĩnh vực Một sức khỏe với trọng tâm mới là biến đổi khí hậu.
“Dự án Một sức khỏe đầu tiên do USAID tài trợ, tập trung vào mối liên quan giữa sức khỏe công cộng và biến đổi khí hậu sẽ được triển khai tại thành phố Cần Thơ và tỉnh An Giang. Cùng nhau chúng ta sẽ bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hỗ trợ một Việt Nam vững mạnh, kiên cường, độc lập và thịnh vượng”, bà Aler Grubbs chia sẻ.
"Lũ lụt và bão ngày càng gia tăng cũng có nguy cơ gây thiệt hại cho hạ tầng y tế địa phương và tác động đến khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân, gây ảnh hưởng đến công tác phòng ngừa, phát hiện và kiểm soát dịch bệnh của đội ngũ cán bộ y tế".
Bà Aler Grubbs, Giám đốc USAID Việt Nam.
Theo bà Aler Grubbs, Việt Nam là quốc gia có nguy cơ cao về xuất hiện và tái xuất hiện các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Nguy cơ này càng gia tăng do Việt Nam dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm thay đổi mô hình mưa, xâm nhập mặn và các sự kiện thời tiết và thiên tai thường xuyên hơn và dữ dội hơn, dẫn đến sự gia tăng tiếp xúc giữa động vật hoang dã, gia súc và con người và do đó làm tăng nguy cơ lan truyền bệnh.
Sáng kiến công bố ngày hôm nay sẽ được triển khai Cần Thơ và An Giang, là hai địa phương dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thông qua tham vấn với các bên liên quan tại địa phương, trong đó có các doanh nghiệp và hội phụ nữ, sáng kiến sẽ thử nghiệm các mô hình cấp tỉnh nhằm tăng cường khả năng ứng phó "Một sức khỏe" liên quan đến biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực: sức khỏe con người, sức khỏe động vật và sức khỏe môi trường.
Các hoạt động dự kiến triển khai bao gồm nâng cấp các cơ sở y tế ban đầu để hỗ trợ cung cấp các dịch vụ y tế liên tục khi xảy ra các sự kiện thời tiết cực đoan, tăng cường các dịch vụ y tế từ xa và trang bị tốt cho các cơ quan chức năng cũng như hệ thống y tế địa phương để tăng khả năng sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng có liên quan đến biến đổi khí hậu.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, cho hay: "Dự án sẽ hỗ trợ các cơ quan chính quyền, cộng đồng và các đối tác khác ở Cần Thơ và An Giang phát hiện, ngăn ngừa và ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng liên quan đến biến đổi khí hậu, đồng thời nhận thức rõ mối liên quan chặt chẽ giữa sức khỏe con người với sức khỏe động vật và sức khỏe môi trường".
Còn theo ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, hiện nay biến đổi khí hậu đang là một thách thức, tác động tiêu cực đến mọi khía cạnh của đời sống của người dân. Các hiện tượng thời tiết cực đoan, ô nhiễm môi trường và sự thay đổi hệ sinh thái do biến đổi khí hậu gây ra là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khở của con người.
“Đối với Cần Thơ, hiểu rõ các thách thức đó, thành phố đã sớm ban hành và triển khai thực hiện “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, thành phố đã tập trung huy động các nguồn lực, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trên địa bàn”, ông Hiện thông tin.
Thời gian qua, thành phố Cần Thơ đã nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường ứng phó biến đổi khí hậu, cụ thể như: dự án thu gom rác trên sông Cần Thơ; dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị; các dự án kè chống sạt lở thích ứng biến đổi khí hậu…
"Thành phố Cần Thơ rất vinh dự là một trong các địa phương được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và Chương trình Phát triển liên hợp quốc chọn là địa điểm để triển khai thực hiện Dự án Tăng cường tiếp cận Một sức khỏe trong bối cảnh biến đổi khí hậu và môi trường", ông Hiện bày tỏ.
"Các hoạt động của dự án rất có ý nghĩa và hữu ích, nhằm giúp thành phố nâng cao năng lực phát hiện, ngăn ngừa và ứng phó với các bệnh truyền nhiễm mới nổi liên quan đến biến đổi khí hậu, cũng như tăng cường thực hiện các chiến lược điều phối tiếp cận nguồn nhân lực trong lĩnh vực sức khỏe tại thành phố”, ông Hiện nhấn mạnh.