10:49 15/02/2023

Kiến nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Đỗ Như

Cử tri kiến nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, giao lại cho các các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thi hoặc có hình thức xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh lớp 12 của địa phương…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản trả lời cử tri tỉnh Lâm Đồng liên quan đến kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Cử tri phản ánh, việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay với tỷ lệ đạt rất cao, nên việc tổ chức thi liệu có cần thiết nữa hay không?

Thứ hai, việc lấy kết quả điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển vào đại học, chưa thật sự đảm bảo chất lượng đầu vào cho bậc học đại học; đặc biệt là các ngành có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, sức khỏe của người dân và phát triển xã hội lâu dài của đất nước như các ngành an ninh, quốc phòng, giáo dục, y tế, kỹ thuật, nghiên cứu khoa học…

NGHIÊN CỨU TỔ CHỨC THI, XÉT CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP THPT TỪ NĂM 2025

Trả lời vấn đề trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo trích dẫn khoản 3 Điều 34 Luật Giáo dục 2019. Theo đó, Luật Giáo dục yêu cầu cần phải thi và đáp ứng chuẩn đầu ra sẽ được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tỷ lệ này có thể cao tùy theo chất lượng, mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của học sinh các địa phương, các nhà trường, tương ứng với điều kiện kinh tế xã hội và điều kiện giáo dục của từng vùng miền.

“Việc phân hóa này rất có ý nghĩa cho công tác quản lý giáo dục, tạo động lực để chất lượng giáo dục được duy trì ổn định và không ngừng nâng cao (không có điểm dừng của chất lượng giáo dục)”, công văn trả lời nhấn mạnh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, năm 2024 theo hướng giữ ổn định như năm 2022. Giai đoạn từ năm 2025 và các năm tiếp theo, Bộ nghiên cứu tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 bảo đảm phù hợp với lộ trình đổi mới đánh giá quá trình học Giáo dục phổ thông năm 2018. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu để phân cấp trách nhiệm nhiều hơn nữa cho các địa phương chủ động trong tổ chức thi.

Còn về việc tuyển sinh đại học thì Luật Giáo dục đại học đã quy định các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh.

Quy chế tuyển sinh đại học; tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 của Bộ GDĐT (tại điều 12, 13, 14, 15 quy định về tổ chức thi tuyển sinh), Bộ đã cụ thể hóa quy định của Luật Giáo dục đại học, trong đó cũng chỉ quy định về mặt nguyên tắc để bảo đảm công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo; đồng thời để các cơ sở giáo dục đại học thống nhất thực hiện trong việc thi tuyển sinh và quy định Bộ chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế.

TỶ LỆ THU HỒI CHI PHÍ ĐÀO TẠO ĐẠT 40%

Cử tri tỉnh Lâm Đồng còn phản ánh tình trạng du học sinh Việt Nam được hưởng học bổng từ ngân sách nhà nước đi du học ở nước ngoài để phục vụ cho đất nước sau khi hoàn thành khóa học. Tuy nhiên, phần lớn các du học sinh sau khi tốt nghiệp đã ở lại nước ngoài sinh sống và làm việc.

Vậy, Nhà nước có ban hành quyết định thu hồi kinh phí nhà nước đầu tư cho du học sinh không về nước hay không? Tỷ lệ thu hồi đạt kết quả như thế nào? Đề nghị có giải pháp để thu hồi đạt kết quả cao nhất.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường hợp du học sinh không hoàn thành khóa học, không thực hiện quy định của người được hưởng học bổng ngân sách nhà nước phải thực hiện xét bồi hoàn chi phí đào tạo theo quy định hiện hành.

Chính phủ đã ban hành các quy định xử lý bồi hoàn chi phí đào tạo đối với du học sinh đi học ở nước ngoài có sử dụng ngân sách nhà nước tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 143/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo; Nghị định số 86/2021/NĐ-CP.

Đối với du học sinh có cơ quan công tác thuộc diện bồi hoàn chi phí đào tạo sẽ do cơ quan quản lý trực tiếp của du học sinh thực hiện xử lý và thu hồi chi phí; đối với du học sinh không có cơ quan công tác sẽ do cơ quan nhà nước cấp học bổng cho du học sinh thực hiện xử lý và thu hồi chi phí.

Du học sinh được học bổng ngân sách nhà nước do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý về cơ bản học xong về nước, một số không hoàn thành khóa học hoặc đã tốt nghiệp nhưng xin thôi việc hoặc chuyển cơ quan công tác.

Du học sinh ở lại nước ngoài chủ yếu là du học sinh học bổng khác và du học sinh tự túc (du học sinh học bổng khác và tự túc chiếm khoảng 97% trong tổng số khoảng 190.000 du học sinh Việt Nam đang học tại nước ngoài theo thống kê năm học 2019-2020).

Trong danh sách du học sinh phải bồi hoàn hiện nay, tỷ lệ thu hồi chi phí đào tạo đạt khoảng 40% do có du học sinh không có khả năng hoàn trả hoặc xin hoàn trả dần. Đối với trường hợp chưa thu hồi được chi phí, Bộ thường xuyên có văn bản nhắc nhở cơ quan quản lý trực tiếp của du học sinh, phối hợp các cơ quan có liên quan, Đại sứ quán Việt Nam nước sở tại, địa phương nơi du học sinh cư trú, cung cấp thông tin cho Cục A03 - Bộ Công an để yêu cầu họ bồi hoàn.

Về các giải pháp thu hồi chi phí, Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định về bồi hoàn chi phí đào tạo tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP, cụ thể bổ sung quy định cho phép du học sinh hoàn trả chi phí theo nhiều đợt phù hợp hoàn cảnh của cán bộ, công chức, viên chức và đồng thời bổ sung thêm chế tài xử phạt đối với trường hợp không chấp hành quyết định bồi hoàn chi phí đào tạo.

Việc bổ sung các chế tài xử phạt cần có sự phối hợp của các cơ quan có liên quan.

Sau khi Nghị định số 101/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung, các đối tượng phải bồi hoàn khác được quy định tại các Nghị định số 143/2013/NĐ-CP, Nghị định số 86/2021/NĐ-CP sẽ được điều chỉnh cho phù hợp, thống nhất.

Ngoài việc bổ sung thêm quy định thu hồi chi phí đào tạo, cần có giải pháp thu hút du học sinh về nước công tác.

Theo đó cần triển khai các cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương về trọng dụng, đãi ngộ đối với trí thức trẻ nói chung và đội ngũ du học nói riêng; cải thiện môi trường nghiên cứu, làm việc trong nước theo hướng hiện đại, công bằng, lành mạnh và bảo đảm điều kiện làm việc thuận lợi; bố trí nguồn kinh phí thỏa đáng để thực hiện các chính sách thu hút và đãi ngộ nhân tài như trả lương, phụ cấp, nhà ở, điều kiện làm việc, xây dựng quy định hỗ trợ tài năng, khen thưởng, vinh danh, cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ …