14:50 05/08/2024

Kiến nghị đưa nghề Y vào nhóm ngành nặng nhọc, độc hại, được nghỉ hưu sớm 5 năm

Phúc Minh

Cử tri tỉnh Lâm Đồng đề nghị xem xét, bổ sung nghề Y vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, từ đó được nghỉ hưu sớm 5 năm...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đây là một trong những kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng gửi đến Bộ Y tế trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

BỔ SUNG NGHỀ Y VÀO DANH MỤC NGHỀ NẶNG NHỌC, ĐỘC HẠI

Theo đó, cử tri tỉnh Lâm Đồng đề nghị Bộ Y tế xem xét, bổ sung nghề Y vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưu trước 5 năm, để đảm bảo sức khỏe cho viên chức, người lao động, và chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Trả lời vấn đề cử tri nêu, Bộ Y tế cho biết việc nghỉ hưu trước tuổi, nhưng không quá 5 năm đối với các ngành nghề nặng nhọc, độc hại được quy định tại Bộ Luật Lao động, và Luật Bảo hiểm xã hội.

Do vậy, việc xem xét bổ sung nghề Y vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để được nghỉ hưu trước 5 năm không thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.

Bộ Y tế ghi nhận kiến nghị, đề xuất của cử tri, và sẽ tích cực tham gia ý kiến khi có yêu cầu từ các cơ quan có thẩm quyền.

Theo Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định về nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như sau: Nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được phân loại căn cứ vào đặc điểm, điều kiện lao động đặc trưng của mỗi nghề, công việc.

 

Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019, và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu, từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình.

Mỗi năm tăng thêm 3 tháng cho đến khi đạt 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028; tăng thêm 4 tháng cho đến khi đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sau khi có ý kiến của Bộ Y tế; quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động.

Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được ban hành tại Thông tư 11/2020 và Thông tư 19/2023 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, với hơn 1.800 nghề, công việc.

Người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hộ lao động, và chăm sóc sức khỏe đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật.

Người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được hưởng chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019.

Đơn cử như, chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp, và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động.

Mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm sẽ tùy theo sự thỏa thuận giữa người lao động và cơ quan, doanh nghiệp sử dụng lao động, khi giao kết hợp đồng lao động.

Và nhiều chế độ khác mà người lao động có thể được hưởng khi làm các công việc thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm...

SẼ XÂY DỰNG QUY ĐỊNH MỚI VỀ CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ƯU ĐÃI NGHỀ

Ngoài kiến nghị cho phép nghỉ hưu sớm, cử tri tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị bổ sung phụ cấp ưu đãi nghề vào đóng bảo hiểm xã hội cho viên chức, người lao động ngành y tế, để đảm bảo quyền lợi và đời sống cho viên chức khi nghỉ hưu theo chế độ.

Đồng thời, đề nghị cho nhân viên y tế hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề như ngành Giáo dục.

Nhân viên y tế đang thực hiện lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: Tuấn Dũng.
Nhân viên y tế đang thực hiện lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: Tuấn Dũng.

Về các nội dung trên, Bộ Y tế cho biết hiện nay, chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập được thực hiện theo quy định tại các văn bản sau: Nghị định số 56/2011/NĐ-CP, Nghị định số 05/2023/NĐ-CP; Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC hướng dẫn Nghị định số 56.

Ngày 21/5/2018, Hội nghị lần thứ VII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) ban hành Nghị quyết số 27- NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, và người lao động trong doanh nghiệp.

Theo đó, về nội dung cải cách chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang khu vực công, đã nêu: “Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề, trừ quân đội, công an, cơ yếu, để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức".

Do vậy, khi thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, không còn chế độ phụ cấp thâm niên nghể để đề xuất thực hiện đối với cán bộ, viên chức ngành y tế.

Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội về giám sát chuyên đề việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề, thay thế Nghị định số 56.

Theo Bộ Y tế, quy định này dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 11/2024, và ban hành ngay trong năm nay.

Nội dung sửa đổi, bổ sung bao gồm: (i) Tăng tiền phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; tăng mức tiền trực và tiền ăn cho cán bộ y tế phù hợp với chỉ số trượt giá, và giá tiêu dùng hiện nay.

(2) Áp dụng quy định thời giờ làm việc, làm thêm, và thanh toán chế độ làm thêm giờ đối với thời gian trực 24/24 giờ của viên chức, người lao động theo Bộ luật Lao động.

(3) Áp dụng chế độ phụ cấp đặc thù đối với các đối tượng hợp đồng lao động, đã được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, bao gồm bảo vệ, lái xe, hộ lý, hợp đồng chuyên môn trong thời gian chờ thi tuyển viên chức.

Bộ Y tế ghi nhận kiến nghị, đề xuất của cử tri để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phù hợp với tình hình thực tế, và các văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.