Kiến nghị tăng trợ giá, kéo dài thí điểm 5 tuyến xe buýt điện tại TP.HCM
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố nâng tỷ lệ trợ giá đối với 5 tuyến xe buýt điện đang hoạt động trên địa bàn Thành phố từ mức 44,1% lên 64,8%...
Tháng 2/2022, UBND TP.HCM đồng ý thí điểm 5 tuyến xe buýt điện trong 24 tháng kể từ khi các tuyến bắt đầu hoạt động. Các tuyến được đặt hàng với đơn giá xe buýt CNG, tỷ lệ trợ giá/chi phí là 44,1%, trên cơ sở thống kê tỷ lệ trợ giá bình quân từ năm 2009 - 2019 của hệ thống xe buýt có trợ giá.
Tuy nhiên, theo thống kê của Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thì giai đoạn từ 2020 - 2023, tỷ lệ trợ giá/chi phí bình quân toàn hệ thống là 63,7%.
Cụ thể, năm 2020 là 59,7%, năm 2021 là 58,3%, năm 2022 là 68,5% và năm 2023 là 64,8%. Do vậy, tỷ lệ trợ giá của tuyến D4 hiện nay là thấp so với bình quân toàn hệ thống.
Do đó, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị UBND Thành phố chấp thuận chủ trương tiếp tục thí điểm 5 tuyến xe buýt điện hoạt động trên địa bàn thành phố và áp dụng trợ giá với tỷ lệ 64,8% theo đơn giá cố định đối với loại xe CNG nhóm 4-CNG.2 để gỡ khó cho loại hình xe buýt này. Thời gian thực hiện thí điểm tính từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2025.
Trường hợp UBND Thành phố ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đối với loại hình xe buýt điện trong thời gian thí điểm thì áp dụng theo đơn giá mới trong thời gian thí điểm còn lại.
Cụ thể, nếu đơn giá mới được ban hành thấp hơn đơn giá đang tạm áp dụng là đơn giá xe buýt CNG nhóm 4, thực hiện thu hồi phần kinh phí trợ giá chênh lệch trong thời gian từ 1/1/2023 đến khi ban hành đơn giá mới.
Trường hợp đơn giá mới cao hơn đơn giá đang tạm áp dụng từ ngày 1/1/2023 đến khi ban hành đơn giá mới, thực hiện theo đơn giá tạm trong thời gian thí điểm.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải cũng kiến nghị UBND TP.HCM cho phép tiếp tục áp dụng phương thức đặt hàng cung ứng sản phẩm dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá trên địa bàn đối với 5 tuyến xe buýt điện trong thời gian thí điểm.
Theo Sở Giao thông Vận tải, tuyến buýt điện D4 thuộc hệ thống các tuyến xe buýt có trợ giá, hành trình tuyến mang tính chất độc đạo, gần 70% hành trình hoạt động trên những tuyến đường chưa có xe buýt phục vụ, kết nối nhiều điểm thu hút hành khách quan trọng.
Bên cạnh đó, xe buýt điện còn giúp giảm lượng phương tiện giao thông cá nhân lưu thông trên đường, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và đặc biệt giảm lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, quá trình hoạt động thời gian qua, mặc dù sản lượng hành khách tăng trưởng ổn định nhưng tuyến này vẫn gặp nhiều khó khăn phát sinh như ảnh hưởng của dịch Covid-19; tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ; trạm nạp điện chưa kịp thời, bị kéo dài…
Đến nay, sản lượng hành khách bình quân thực hiện năm 2022 đạt 22,5 hành khách/chuyến và trong 6 tháng đầu năm 2023 bình quân đạt 27,6 hành khách/chuyến. Khối lượng vận chuyển liên tục tăng, từ trung bình 14,1 lượt hành khách/chuyến lên 28,7 hành khách/chuyến (tháng 6/2023).
Doanh thu vé bình quân mỗi chuyến tăng từ 80.900 đồng lên mức 154.000 đồng. Tuy nhiên, mức doanh thu này chỉ đạt khoảng 20,9% chi phí hoạt động (tính theo đơn giá xe sử dụng khí CNG).
D4 là tuyến xe buýt có trợ giá sử dụng năng lượng điện thí điểm đầu tiên tại Thành phố. Tuyến có cự ly 29km, hoạt động từ 5 giờ đến 21 giờ 15 phút hàng ngày, tần suất 20 phút/chuyến. Giá vé là 3.000 đồng/lượt đối với học sinh, sinh viên và 7.000 đồng/lượt với nhóm khách còn lại. Vé tập bán trước có giá 157.500 đồng/tập 30 vé.
Kết quả khảo sát hài lòng của hành khách, đánh giá theo quý đều đạt trên 89 - 95 điểm (thang điểm 100). Kết quả đánh giá tuyến theo bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, tuyến này được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ với số điểm tuyệt đối (100/100 điểm).