06:00 05/08/2023

TP.HCM mong được tháo gỡ loạt vướng mắc về đất đai

Ban Mai

TP.HCM kiến nghị 29 nội dung về đất đai (với 13 nhóm vấn đề) và 06 nội dung về môi trường…

Nhà hát Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, TP.HCM đang dừng thực hiện.
Nhà hát Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, TP.HCM đang dừng thực hiện.

Tại buổi làm việc giữa UBND TP.HCM với Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đã nêu các vướng mắc và kiến nghị tháo gỡ đối với nhiều nội dung thuộc lĩnh vực đai và môi trường.

BỎ KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT HẰNG NĂM?

Về nhóm kiến nghị trong công tác quản lý đất đai, TP.HCM kiến nghị bỏ căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích là kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Thay vào đó, chỉ quy định căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích là quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được phê duyệt.

“Quy hoạch sử dụng đất đã đảm bảo có tầm nhìn dài hạn, gắn với thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. TP.HCM đã có quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất 5 năm và 10 năm được Thủ tướng duyệt, UBND thành phố có thể căn cứ trên các quy hoạch này để kiểm soát việc giao, thuê, chuyển mục đích sử dụng đất”, ông Thắng dẫn giải.

Đồng thời, từ bước chuẩn bị đến phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm mất rất nhiều thời gian và gần như không thể ban hành trước ngày 31/12 hằng năm. Ngoài ra, việc đăng ký kế hoạch sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân cũng có nhiều bất cập như người đăng ký rồi thì không có nhu cầu, người có nhu cầu thực sự thì đăng ký không kịp.

Về vấn đề sử dụng đất khi doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thì tài sản trên đất đã được xác định và đưa vào giá trị doanh nghiệp Nhà nước để cổ phần hóa và thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp cổ phần (có trường hợp đã xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị doanh nghiệp).

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp cổ phần hóa đang sử dụng đất thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất để sử dụng phù hợp với quy hoạch, trong đó có trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất cơ sở sản xuất, kinh doanh sang đất ở để thực hiện dự án nhà ở.

Pháp luật đất đai qua các thời kỳ quy định người sử dụng đất đang sử dụng đất hợp pháp được chuyển mục đích sử dụng đất nếu phù hợp quy hoạch và phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định.

Thực tế, tại TP.HCM hiện nay có nhiều dự án bất động sản chuyển mục đích sử dụng đất có nguồn gốc đất do Nhà nước giao hoặc cho thuê đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng công trình, đã được nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng, đã bán nhà ở và người dân đã vào ở, sinh sống ổn định nhưng chưa phê duyệt giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, chưa cấp được giấy chứng nhận về nhà, đất cho người dân.

 
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM phát biểu tại hội nghị.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM phát biểu tại hội nghị.

Do vậy, TP.HCM kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ đầu tư dự án bất động sản chuyển mục đích sử dụng đất từ đất có nguồn gốc của doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa được tiếp tục thực hiện hoàn thành dự án, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai theo đúng giá thị trường để thu nộp ngân sách Nhà nước.

Về quản lý, sử dụng đất của các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, UBND TP.HCM nhận thấy hầu như toàn bộ tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính đều không có khả năng nộp tiền thuê đất. Trường hợp cơ cấu khoản chi tiền thuê đất vào chi thường xuyên thì tổ chức sự nghiệp công lập sẽ không còn đủ điều kiện là tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính. Do đó, cần có hướng xử lý, đảm bảo quy định pháp luật được áp dụng phù hợp với thực tế.

SẼ XỬ LÝ NHANH NHẤT

Trả lời các kiến nghị của TP.HCM, ông Vũ Sĩ Kiên, Cục phó Cục Quy hoạch quản lý và Phát triển tài nguyên, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hóa không có phương án sử dụng đất. Hiện nay, việc xử lý vấn đề này đang vướng về quản lý tài sản công, vướng về pháp luật nhà ở. TP.HCM cũng có hẳn 1 ban để giải quyết về vấn đề này. Do đó, đề nghị TP.HCM phân loại các vướng mắc để tiếp tục xử lý trong thời gian tới.

Về kiến nghị xử lý tiền thuê đất đối với các đơn vị công lập có thu, Bộ Tài chính đã có hẳn một cơ quan để tham mưu Chính phủ. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để tham mưu Chính phủ.

Về kiến nghị bỏ đăng ký kế hoạch sử dụng đất, đối với hộ gia đình, cá nhân theo dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ không còn đăng ký kế hoạch sử dụng đất, đó là hướng mở trong thời gian tới. Tuy nhiên, các dự án nhà ở, các dự án khác vẫn phải tuân thủ vì thực hiện một dự án phải tuân theo rất nhiều quy định, luật liên quan.

Người sử dụng đất sẽ được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhà nước.

Tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng những nội dung kiến nghị về đất đai, môi trường mà thành phố kiến nghị có những nội dung liên quan đến Nghị quyết 98 vừa ban hành. Do đó, thành phố cần sự hướng dẫn, hỗ trợ từ bộ.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng, cho biết những vướng mắc thuộc thẩm quyền của Bộ thì sẽ phối hợp với TP.HCM giải quyết ngay, vấn đề nào thuộc các bộ ngành khác hay Chính phủ thì Bộ sẽ phối hợp, tham mưu để xử lý nhanh nhất.