Kinh tế 2023 đối mặt với “cơn gió ngược” - Ảnh 1
Kinh tế 2023 đối mặt với “cơn gió ngược” - Ảnh 2

Nhìn lại kinh tế năm 2022, có thể thấy kinh tế quý 3/2022 đạt mức tăng trưởng ngoạn mục với tốc độ tăng trưởng hai con số. Nhờ đó, kinh tế cả năm 2022 phục hồi mạnh mẽ so với năm 2021, ông nhận xét xu hướng này thế nào?

Năm 2022, Việt Nam có kết quả kinh tế vĩ mô tốt. Nền kinh tế dự kiến sẽ tăng trưởng 7,2% và là kết quả đáng chú ý. Tuy nhiên, năm 2023 sẽ là một năm khó khăn hơn rất nhiều và chúng tôi dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại trong những tháng tới do triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm và điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh tế của Việt Nam.

Kinh tế 2023 đối mặt với “cơn gió ngược” - Ảnh 3

Vậy theo ông, đâu là động lực chính thúc đẩy thành tích của Việt Nam trong năm 2022?

Kết quả kinh tế tích cực của Việt Nam trong năm 2022 được thúc đẩy bởi 4 yếu tố chính.

Thứ nhất, đó là động lực xuất khẩu của đất nước. Mặc dù WB cho rằng tăng trưởng xuất khẩu sẽ chậm lại do nhu cầu toàn cầu đang suy yếu, nhưng xuất khẩu sẽ tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ hai, tiêu dùng trong nước và doanh số bán lẻ là động lực tăng trưởng mạnh mẽ của đất nước trong năm qua. Điều này được thể hiện qua sự phục hồi mạnh mẽ của doanh số bán lẻ, tăng 17%/năm vào tháng 10 năm 2022 so với mức 0,4%/năm vào tháng 1/2022. Nhu cầu trong nước dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi lạm phát trong nước gia tăng trong thời gian tới nhưng sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào tăng trưởng trong năm 2023.

Thứ ba, đầu tư tư nhân đóng một vai trò quan trọng. Trong 11 tháng năm 2022, giải ngân vốn FDI tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2021.

Cuối cùng, hiệu quả kinh tế mạnh mẽ trong năm 2022 cũng là kết quả của hiệu ứng xuất phát điểm thấp của năm 2021 do những ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid và các đợt giãn cách kéo dài.

Kinh tế 2023 đối mặt với “cơn gió ngược” - Ảnh 4

Nhiều dự báo cho thấy năm 2023 kinh tế thế giới tiếp tục có những diễn biến khó lường. Điều này sẽ tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam, thưa ông?

Hiện nay đang là một thời điểm đầy thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu. Đại dịch Covid đã gây ra những tổn thất lâu dài và sự kết hợp của nhiều cú sốc liên quan đang kéo nền kinh tế toàn cầu đi xuống và dự kiến sẽ dẫn đến sự giảm tốc mạnh của tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2023.

Ba lực cản mạnh đã và đang tác động đến kinh tế toàn cầu trong năm 2022 và có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023. Đó là áp lực lạm phát dai dẳng, điều kiện tài chính xấu đi và suy thoái kinh tế ở Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác. Trong bối cảnh đó, triển vọng kinh tế toàn cầu rất u ám. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ giảm tốc mạnh và các cú sốc kinh tế bổ sung, chẳng hạn như thắt chặt tiền tệ mạnh hơn dự kiến, có thể dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với những “cơn gió ngược” mạnh vào năm 2023 ở cả bên ngoài và bên trong. Trong đó, rủi ro bên ngoài bao gồm áp lực lạm phát toàn cầu dai dẳng, tiếp tục thắt chặt tiền tệ và suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn dự kiến của các đối tác thương mại chính của Việt Nam, cũng như sự gián đoạn liên tục trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trong nước, lạm phát cao hơn và sự không chắc chắn liên quan đến rủi ro cao trong lĩnh vực tài chính có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng.

Kinh tế 2023 đối mặt với “cơn gió ngược” - Ảnh 5

Trước những khó khăn đó, theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để hạn chế những thách thức này?

Bối cảnh toàn cầu có đặc trưng là sự không chắc chắn và rủi ro hiện nay đặt các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam vào thế khó trong việc cân bằng giữa nhu cầu tiếp tục hỗ trợ chính sách để củng cố quá trình phục hồi với nhu cầu kiềm chế lạm phát và rủi ro tài chính mới nổi.

Mức độ không chắc chắn cao sẽ đòi hỏi tổ hợp chính sách phải thích ứng với hoàn cảnh thay đổi. Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất và áp lực tỷ giá vẫn còn, cơ quan quản lý tiền tệ Việt Nam có thể cân nhắc cho phép tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn nữa, bao gồm tốc độ giảm của tỷ giá tham chiếu nhanh hơn. Với áp lực tỷ giá hối đoái dai dẳng, việc bán ngoại tệ trực tiếp có thể được sử dụng rất thận trọng để duy trì dự trữ ngoại hối.

Trong trường hợp trượt giá nhanh hơn dẫn đến lạm phát gia tăng đáng kể và kỳ vọng lạm phát tăng lên, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét sử dụng lại lãi suất tham chiếu. Tuy nhiên, dư địa chính sách hạn chế do lãi suất đã ở mức cao. Phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa sẽ giúp hạn chế tối đa việc tăng thêm lãi suất. Các cơ quan chức năng xem xét hạn chế chi tiêu công, ưu tiên chi cho phát triển nguồn nhân lực và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công đã được chọn có tác động dự kiến cao nhất đến tăng trưởng kinh tế. Quản lý đầu tư công hiệu quả có ý nghĩa rất quan trọng đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh lạm phát.

Đối với chính sách trong lĩnh vực tài chính, để giải quyết những thách thức về thanh khoản trong ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước có thể giúp khôi phục niềm tin thông qua cung cấp hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp với điều kiện là các ngân hàng phải có kế hoạch khôi phục khả năng thanh khoản thỏa đáng, không phụ thuộc thường xuyên vào nguồn vốn vay của Ngân hàng Nhà nước. Trong trung hạn, cần hoàn thiện khung xử lý ngân hàng của Việt Nam để tiếp tục nâng cao sự ổn định tài chính và tăng cường khung giám sát hợp nhất để theo dõi và đánh giá hiệu quả rủi ro hệ thống trên các thị trường, bao gồm ngân hàng, thị trường vốn và các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản.

Kinh tế 2023 đối mặt với “cơn gió ngược” - Ảnh 6

Đầu tư công là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội khi giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA trong thời gian qua còn thấp. Nguyên nhân đằng sau những vấn đề này là gì và ông có đề xuất gì với các cơ quan chức năng để giải quyết những nguyên nhân đó?

Trên thực tế, một số yếu kém về thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản trong những năm qua đã hạn chế hiệu quả chính sách tài khóa của Chính phủ và tác động của chính sách này đối với tăng trưởng kinh tế.

Chi tiêu công gặp nhiều khó khăn do những thách thức trong quá trình triển khai, bao gồm các vấn đề như thu hồi đất và tái định cư. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng đối với các dự án sử dụng vốn ODA mà việc thu hồi đất và tái định cư được thực hiện bằng nguồn vốn đối ứng thường bị dự toán thấp trong quá trình chuẩn bị dự án, dẫn đến không đủ vốn ở giai đoạn thực hiện.

 Để tăng cường hiệu quả quản lý đầu tư công, các cơ quan chức năng có thể nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án bằng cách thúc đẩy ước tính chính xác hơn về chi phí và lợi ích, bao gồm cả chi phí giải quyết đất đai. Nếu dự án được đánh giá là không khả thi sau khi phân tích chi tiết, đơn giản hóa thủ tục hành chính để cho phép điều chỉnh kịp thời đề xuất dự án.

Kinh tế 2023 đối mặt với “cơn gió ngược” - Ảnh 7

Dù kinh tế 2023 được dự báo khó khăn song như ông đã biết Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, cải cách thể chế là một trong những ưu tiên hàng đầu, thưa ông?

Hiện đại hóa thể chế hiện là một ưu tiên chính trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội được Đại hội Đảng thông qua vào tháng 2 năm 2021.

GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp 5 lần trong 3 thập kỷ qua, trong khi các thể chế của Việt Nam không thích ứng kịp với tốc độ tương tự. Một loạt cải cách thể chế có thể giúp đất nước tránh bẫy thu nhập trung bình bằng cách nâng cao năng lực ứng phó với những thách thức mới và phức tạp trên toàn cầu cũng như trong nước.

Theo báo cáo đánh giá quốc gia gần đây của Nhóm Ngân hàng Thế giới với tiêu đề “Để Việt Nam tươi sắc đào xuân”, cần thực hiện 5 cải cách thể chế để Việt Nam cải thiện hiệu quả.

Đó là: (1) cần tạo nền tảng thể chế vững chắc cho từng ưu tiên phát triển nhằm biến những ưu tiên phát triển đó thành hành động cụ thể; (2) đơn giản hóa thủ tục hành chính để nâng cao hiệu lực của chính quyền các cấp; (3) sử dụng các công cụ dựa trên thị trường để tạo động lực cho các bên liên quan thuộc khu vực công và khu vực tư; (4) thực thi hiệu quả các quy tắc và quy định để tăng cường động lực, niềm tin và sự công bằng; và (5) áp dụng các quy trình có sự tham gia để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn.

Khi áp dụng những cải cách thể chế này một cách có hệ thống hơn, Việt Nam sẽ củng cố tầm nhìn phát triển kinh tế, tăng cường năng lực thực hiện các chiến lược quốc gia và nâng cao năng lực tạo ra kết quả trong một số lĩnh vực then chốt giúp đất nước đạt được các mục tiêu phát triển.

Kinh tế 2023 đối mặt với “cơn gió ngược” - Ảnh 8

VnEconomy 22/01/2023 09:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Kinh tế 2023 đối mặt với “cơn gió ngược” - Ảnh 9