17:58 10/12/2020

Kodak: Từ đế chế máy ảnh số 1 nước Mỹ thành nhà sản xuất dược phẩm

Ngọc Trang

Khi ký sắc lệnh cho phép cấp khoản vay để Kodak bắt đầu sản xuất thuốc, Tổng thống Donald Trump gọi đây là "một trong những thương vụ quan trọng nhất lịch sử ngành dược phẩm Mỹ"

Từng là một biểu tượng trong ngành máy ảnh phim, Kodak rơi vào khủng hoảng trong nhiều thập kỷ trước khi trở lại là một nhà sản xuất thuốc vào năm 2020 - Ảnh: CNBC
Từng là một biểu tượng trong ngành máy ảnh phim, Kodak rơi vào khủng hoảng trong nhiều thập kỷ trước khi trở lại là một nhà sản xuất thuốc vào năm 2020 - Ảnh: CNBC

Trong suốt gần một thế kỷ, Kodak đã gần như thống trị hoàn toàn thị trường máy ảnh phim tại Mỹ và trên cả thế giới. Tuy nhiên, biểu tượng của nước Mỹ này không thể giữ được hào quang khi máy ảnh kỹ thuật số ra đời. Trải qua nhiều thập kỷ thăng trầm, Kodak gần đây gây chấn động khi tuyên bố bắt đầu sản xuất thuốc với khoản vay 765 triệu USD từ chính phủ Mỹ.

Với nhiều người, câu chuyện Kodak cố gắng trở thành một công ty dược cũng kỳ lạ chính thông báo về việc này của họ. Vậy con đường trở thành một công ty dược của hãng máy ảnh khổng lồ này bắt đầu như thế nào? 

BIỂU TƯỢNG MÁY ẢNH PHIM SỐ 1 NƯỚC MỸ

Nhắc tới ngành công nghiệp máy ảnh phim của thế kỷ trước thì không thể không nhắc tới thương hiệu Kodak. Trong gần một thế kỷ, Kodak là biểu tượng cho những thứ tuyệt vời nhất của nước Mỹ, gần như chiếm lĩnh độc quyền thị trường máy ảnh phim. 

Được George Eastman thành lập vào năm 1888, Kodak ra đời với sứ mệnh tạo ra cuộc cách mạng chụp ảnh toàn cầu.

Kodak: Con đường từ đế chế máy ảnh số 1 nước Mỹ thành nhà sản xuất dược phẩm - Ảnh 1.

George Eastman (trái) - người sáng lập Kodak chụp ảnh cùng Thomas Edison - Ảnh: Edward Samuels

“Eastman muốn máy ảnh trở thành một thứ phổ cập và dễ dùng như bút chì vậy. Chiến lược kinh doanh của ông ấy là nói với khách hàng rằng: ‘Bạn chỉ cần bấm nút, phần còn lại để chúng tôi lo’”, Matty Latteson, cựu phó chủ tịch của Eastmand Kodak, cho biết. 

"Phần còn lại" đó của Kodak là chiến lược kinh doanh cực kỳ hiệu quả. Trong 40-50 năm đầu thế kỷ 20, Kodak bắt đầu chiếm lĩnh thị trường với việc thâu tóm hàng loạt công ty nhỏ và thống trị cả thị trường máy ảnh cũng như thị trường phim dùng cho máy ảnh. 

Theo Matty Latteson, một trong những lý do khiến Kodak trở nên quyền lực là nhà lập Eastman biết cách vừa bán máy ảnh với mức giá rẻ vừa tặng không máy ảnh bởi vì công ty đã kiếm đủ tiền từ việc bán phim và xử lý hình ảnh. 

Trong phần lớn thế kỷ 20, mọi sản phẩm của Kodak từ các máy ảnh như Brownie, Instamatic, cho tới các loại phim như Kodachrome, Ektachrome, đều trở thành "bom tấn". Thương hiệu Kodak thậm chí tấn công lấn sâu vào cả nền văn hóa âm nhạc. 

Theo CNBC, khi đó, Kodak không chỉ thành công trong lĩnh vực sản xuất phim và máy ảnh, mà họ chính là cả ngành công nghiệp phim và máy ảnh. Vào giữa những năm 1970, Kodak nắm giữ 95% thị phần thị trường phim và 85% thị phần thị trường máy ảnh tại Mỹ. Thời điểm những năm 1980, Kodak có tới 150.000 nhân viên, nằm trong top 50 công ty trong danh sách Fortune 500 doanh nghiệp lớn nhất tại Mỹ.

Kodak là thương hiệu mà bất kỳ ai cũng biết. Khi đó, Kodak không chỉ kinh doanh máy ảnh và phim. Với những hóa chất sử dụng trong sản xuất phim, họ cũng phát triển máy phân tích máu, máy chụp x-quang, dược phẩm và máy photocopy. 

Kodak: Con đường từ đế chế máy ảnh số 1 nước Mỹ thành nhà sản xuất dược phẩm - Ảnh 2.

Kodak không chỉ thành công trong lĩnh vực sản xuất phim và máy ảnh, mà họ chính là cả ngành công nghiệp phim và máy ảnh của thế kỷ 20 - Ảnh: CNBC.

Tuy nhiên, thời điểm đó, điều mà Kodak không biết là một kỹ sư của công ty đã phát minh ra một thứ mà sau này đặt dấu chấm hết cho thương hiệu biểu tượng nước Mỹ này. Steven Sasson, kỹ sư của Kodak, là người đã phát minh ra một nguyên mẫu mà sau này trở thành máy ảnh kỹ thuật số. Khi đó, ai cũng cho rằng đây là thứ không khả thi và Kodak cũng đinh ninh rằng họ sẽ tiếp tục kinh doanh máy ảnh phim trong nhiều thập kỷ nữa. Đại gia máy ảnh này không mấy lo lắng về cơn lốc cạnh tranh mang tính sống còn mang tên máy ảnh kỹ thuật số và tin rằng mình có rất nhiều thời gian để chuẩn bị.

CÚ SỐC MÁY ẢNH KỸ THUẬT SỐ

Tới đầu những năm 1980, nhận ra sự dịch chuyển này, Kodak thành lập các cơ sở đào tạo nội bộ và đưa các kỹ sư hóa học của mình tới đó để đào tạo họ trở thành những kỹ sư điện tử. Nhưng chiến lược này bị nhiều người chỉ trích và bị xem là vô nghĩa bởi vì nếu nhìn vào báo cáo tài chính của công ty, người ta sẽ đặt câu hỏi là "tại sao phải làm vậy". Khi đó, Kodak vẫn đang có lãi.

Tuy nhiên, "con gà đẻ trứng vàng" của Kodak bắt đầu già cỗi. Dù thống trị trong ngành công nghiệp máy ảnh phim, Kodak không thể ngăn được sự bùng nổ của những công nghệ mới mang tính đột phá. Theo nhiều nhà phân tích, chính thành công rực rỡ của những thập kỷ trước khiến Kodak do dự trong việc đổi mới chính mình.

Vào những năm 1990, Kodak dồn tổng lực chuyển đổi sang máy ảnh kỹ thuật số. CEO Georg Fischer, người điều hành Kodak từ năm 1993-1999, đầu tư 2 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển công nghệ kỹ thuật số. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của Kodak khi đó đều đã quá muộn. Những sản phẩm mới của công ty như máy ảnh DCS 100 hay CD ảnh đều nhanh chóng trở nên lỗi thời bởi sự phát triển quá mạnh của ổ đĩa cứng. DC 20, một máy ảnh có mức giá khá rẻ của Kodak, bị đánh giá là chụp ảnh quá xấu. Còn phát minh máy ảnh phim dạng đĩa của Kodak thậm chí trở thành thảm họa khi cho ra những tấm ảnh phim nhỏ và xấu xí.

Kodak: Con đường từ đế chế máy ảnh số 1 nước Mỹ thành nhà sản xuất dược phẩm - Ảnh 3.

Hai lần chuyển sang sản xuất máy ảnh kỹ thuật của Kodak đều không thành công - Ảnh: Marketpalce

Những năm 1990 là thời điểm Kodak bắt đầu quay sang các lĩnh vực kinh doanh khác để có tiền trả nợ. Công ty đã phải bán toàn bộ mảng kinh doanh hình ảnh, mảng máy in kỹ thuật số, máy photocopy và đưa mảng kinh doanh hóa phẩm thành Eastman Chemical. 

Sang đầu thế kỷ 21, năm 2003, dưới thời tân CEO Antonio Pérez, người từng làm việc cho Hewlett Packard, một lần nữa Kodak tuyên bố muốn trở thành công ty dẫn dầu trên thị trường máy ảnh kỹ thuật số. 

“Kodak đã trở lại. Chúng tôi sẽ biến máy ảnh kỹ thuật số trở thành thứ mà mọi người đều mơ ước”, Antonio Pérez tuyên bố.

Tuy nhiên, một lần nữa Kodak lại đi vào vết xe đổ của chính mình khi không thể theo kịp công nghệ mới. Thất bại trong lần hai thử sức với lĩnh vực máy ảnh kỹ thuật số, ngày 19/1/2012, Kodak đệ đơn xin bảo hộ phá sản và bắt đầu quá trình tái cấu trúc. Đây là thời điểm Kodak chấm dứt thương hiệu máy ảnh phim Kodak và bắt đầu chuyển sang nhiều lĩnh vực mới. 

DƯỢC PHẨM - ÁNH SÁNG CUỐI ĐƯỜNG HẦM?

Đầu năm 2018, Kodak ra mắt tiền kỹ thuật số riêng có tên KodakCoin, cho phép các nhiếp ảnh gia đăng ký các tác phẩm để bán bản quyền. Đó là thời điểm cơn sốt tiền ảo đang nóng hơn bao giờ hết và Kodak trở thành công ty niêm yết đầu tiên có mặt trong lĩnh vực này. Cổ phiếu Kodak lập tức tăng vọt từ 3,1 USD lên 10 USD/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 9/1/2018 nhưng không kéo dài lâu. Tới đầu năm nay, cổ phiếu này tụt xuống 36,88 xu và có thời điểm chỉ khoảng 2,7 xu/cổ phiếu khoảng tháng 6/2020. Số nhân viên của Kodak đã giảm từ 145.000 nhân viên vào năm 1987 xuống chỉ còn khoảng 4.900 vào đầu năm 2020 và đang tiếp tục giảm.

Tuy nhiên, vận may lại đến với Kodak khi cuối tháng 7/2020, công ty này nhận được khoản vay trị giá 765 triệu USD từ chính phủ Mỹ để bắt đầu sản xuất nguyên liệu dùng trong thuốc gốc, giúp Mỹ chống lại đại dịch Covid-19. Thông tin này trở thành bom tấn thời điểm đó khi được Tổng thống Mỹ Donald Trump, Bộ trưởng Thương mại Peter Navarro hay cả Thị trưởng thành phố New York nhắc tới trên truyền hình. 

Khi ký sắc lệnh cho phép cấp khoản vay nay, Tổng thống Trump đã gọi đây là "một trong những thương vụ quan trọng nhất lịch sử ngành dược phẩm Mỹ", đồng thời gọi Kodak là "một công ty tuyệt vời của Mỹ - mọi người hãy nhớ đến công ty này".

"Kodak tự hào khi góp phần giúp tăng khả năng tự cung cấp các thành phần dược phẩm chính mà nước Mỹ cần để người dân luôn được an toàn", Chủ tịch Jim Continenza của Kodak cho biết. cho biết. Tại sự kiện ra mắt Kodak Pharmaceuticals, ông Continenza cho biết công ty sẽ mất 3-4 năm để đạt được quy mô sản xuất lớn.  

Kodak: Con đường từ đế chế máy ảnh số 1 nước Mỹ thành nhà sản xuất dược phẩm - Ảnh 4.

Kodak bất ngờ trở lại với tư cách một công ty sản xuất thuốc - Ảnh: Shutterstock

Cũng giống như thời điểm Kodak công bố KodakCoin, giá cổ phiếu Kodak lúc này tăng vọt lên 60 USD sau nhiều tháng chỉ giao dịch quanh mức 3 USD.

Khoản vay này được cấp bởi Tập đoàn Tài chính phát triển Quốc tế Mỹ (IDFC). CEO Adam Boehner của IDFC cho biết đây không chỉ là khoản đầu tư vào một công ty sẽ sản xuất 25% thuốc gốc cần thiết tại Mỹ mà còn đầu tư vì sự ổn định về tài chính trong dài hạn. 

"Họ đã có đơn đặt hàng lớn và chúng tôi có thể cho họ vay 765 triệu USD lấy đó là tài sản thế chấp. Chúng tôi sẽ tạo ra một thương hiệu mới, giúp người Mỹ được an toàn hơn và chúng tôi sẽ kiếm được lợi nhuận cho người dân Mỹ", CEO của IDFC cho biết,

Nhiều người cho rằng đây thực sự là một tin tốt, với một công ty từng là biểu tượng của Mỹ và đang trở lại ngoạn mục với một lĩnh vực khác. Truyền thông đưa tin rầm rộ về sự kiện này nhưng với câu hỏi chung là “liệu Kodak thực sự có thể sản xuất thuốc không?"

Trong khi một số nhà phân tích nhận xét đây là quyết định “ngu ngốc nhất” trong lịch sử doanh nghiệp Mỹ, nhiều người khác lại cho rằng dù Kodak đang phải chật vật để tồn tại và tìm lại bản sắc của mình, điều đó không có nghĩa rằng đây là quyết định sai lầm. 

"Các công ty không sinh ra để tồn tại mãi mãi. Và sứ mệnh của bộ máy lãnh đạo là giúp công ty tạo ra của cải", Matty Latteson, cựu phó chủ tịch của Eastmand Kodak, nói.