06:30 13/10/2020

Hành trình tới đỉnh cao của tỷ phú giàu nhất châu Á Mukesh Ambani

Bình Minh

Giờ đây Mukesh được xem như cánh cửa để tiến vào nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ của Ấn Độ

Tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani - Ảnh: FT.
Tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani - Ảnh: FT.

Khi đặt chân tới Mumbai vào tháng 12 năm ngoái, Ajit Mohan - một nhà điều hành của Facebook - mang theo một sứ mệnh quan trọng: vực dậy vận mệnh của mạng xã hội lớn nhất thế giới tại Ấn Độ.

Dù có 300 triệu người dùng tại Ấn Độ, nhiều hơn ở bất kỳ một quốc gia nào khác, một số bước đi sai lầm cộng thêm những rào cản pháp lý khiến Facebook gần như không kiếm được tiền ở nước này. Cùng với David Fischer - Giám đốc phụ trách doanh thu của Facebook - ông Mohan nhanh chóng bắt tay vào thực thi kế hoạch cải thiện tình hình. Trọng tâm của kế hoạch này là thiết lập một liên minh với Mukesh Ambani, người giàu nhất châu Á.

Bên ngoài biên giới Ấn Độ, Mukesh là cái tên không được biết đến rộng rãi. Được tờ Financial Times mô tả là một người dáng đậm, bọng mắt lớn, thường mặc áo sơ mi trắng cộc tay và thường khá ngại ngùng trước ống kính máy ảnh, vị doanh nhân 63 tuổi mang một hình ảnh đối lập với các sếp lớn trong ngành công nghệ Mỹ. Nhưng hình ảnh của Mukesh, và sức mạnh từ khối tài sản 80 tỷ USD mà ông sở hữu - có tầm quan trọng lớn ở đất nước 1,4 tỷ dân.

ĐỈNH CAO SỰ NGHIỆP

Vào năm 2005, 3 năm sau ngày người cha thân sinh qua đời, Mukesh được trao quyền tiếp quản công ty gia đình mang tên Reliance Indutries. Vào thời điểm đó, Reliance đã là một hãng hóa dầu ăn nên làm ra, nhưng hầu như không được biết đến ở nước ngoài.

Hành trình tới đỉnh cao của tỷ phú giàu nhất châu Á Mukesh Ambani - Ảnh 1.

Mukesh Ambani (giữa) tại đám cưới con gái ở Mumbai vào năm 2018 - Ảnh: Reuters/FT

Hơn một thập kỷ sau, Ambani bắt tay vào một dự án khiến ông trở thành một trong những nhân vật được nói đến nhiều nhất ở Thung lũng Silicon. Jio - nhà mạng viễn thông ra đời năm 2016 - nhanh chóng vượt qua mọi đối thủ cạnh tranh để trở thành nhà mạng lớn nhất Ấn Độ. Ambani hy vọng Jio sẽ trở thành câu trả lời của Ấn Độ đối với Alibaba của Trung Quốc - một "gã khổng lồ" công nghệ ra đời tại chính một trong những thị trường Internet tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Theo Financial Times, đối với hai nhà điều hành của Facebook là Fischer và Mohan, bắt tay với Jio - vốn được xem là "nhân tố thay đổi cuộc chơi" - chính là cơ hội không thể bỏ qua. Sau nhiều nỗ lực, vào tháng 4/2020, Facebook đạt thỏa thuận rót 5,7 tỷ USD vốn đầu tư vào Jio, và đây là vụ đầu tư ở nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay của Facebook. Sau đó, hàng chục nhà đầu tư nước ngoài khác, bao gồm cả Google, ký thỏa thuận đầu tư hàng tỷ USD vào Jio.

Đối với Mukesh, những thương vụ này đánh dấu một đỉnh cao sự nghiệp trong quá trình nỗ lực đưa công ty năng lượng của người cha trở thành một tập đoàn đa lĩnh vực phù hợp với thực tiễn thế kỷ 21. Ngoài vị thế thống lĩnh trong ngành năng lượng và viễn thông, Reliance còn vận hành hãng bán lẻ lớn nhất Ấn Độ. Bên cạnh đó, Mukesh và gia đình ông cũng sở hữu nhiều kênh thông tin, một trường học, một bệnh viện, và đội bóng cricket rất thành công có tên Mumbai Indians.

"Ông ấy là sự kết hợp của tầm nhìn khác biệt, tham vọng lớn và năng lực điều hành xuất sắc" - Harsh Goenka, một doanh nhân kỳ cựu ở Mumbai, đồng thời là một người bạn của Ambani, nhận xét về ông.

Nhưng được ngưỡng mộ bao nhiêu, Ambani cũng gây tranh cãi bấy nhiêu. Những tham vọng của Ambani gắn liền với tham vọng của Ấn Độ. Quyết tâm thành công của ông cũng đồng nghĩa với việc không ngại nhấn chìm những ai ngáng đường, bao gồm cả chính người em trai của ông.

Trong quá trình làm giàu cho bản thân, Ambani nhận thức rõ lợi ích mà ông mang lại cho đất nước. Năm 2018, ông lập luận rằng Jio là "động lực mạnh nhất cho sự thay đổi ở Ấn Độ hiện nay". Thông điệp có thể rút ra từ phát biểu này: nói không với việc phát triển kinh doanh của Mukesh Ambani chính là nói không với tăng trưởng kinh tế Ấn Độ.

Giới quan sát nhận thấy ở Ambani một khả năng vô song trong việc dùng đòn bẩy là khối tài sản khổng lồ, lý trí chính trị và quy mô của Reliance để xây dựng một hệ  sinh thái mang lại lợi ích cho ông. Người ta vừa nể vừa sợ Ambani: bạn bè thường tìm kiếm lời khuyên từ ông trước khi đảm nhiệm vai trò mới, trong khi đối thủ luôn cố gắng tránh việc đối đầu trực tiếp với ông.

Một quan chức Chính phủ Ấn Độ ví sức mạnh của Reliance giống như sức mạnh của một quốc gia thay vì một doanh nghiệp tư nhân: "Reliance hoạt động như một nhà nước độc lập bên trong một nhà nước. Các bộ trưởng dè chừng với Mukesh Ambani vì ông ấy quá mạnh, và có cảm giác như phải thận trọng trong ứng xử với ông ấy".

Các lợi ích kinh doanh trải rộng của Mukesh, cũng như ảnh hưởng chính trị to lớn của ông, đồng nghĩa với việc giờ đây ông được xem như cánh cửa để tiến vào nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ của Ấn Độ. Sau khi hoàn thành việc huy động vốn cho Jio, Ambani hiện đang huy động thêm hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư lớn cho mảng bán lẻ của tập đoàn. Tuy nhiên, các nhà phê bình lo ngại rằng "đế chế" mà Ambani đang xây dựng có thể nắm độc quyền và "nghiền nát" mọi đối thủ, dẫn  tới những thiệt hại mà người tiêu dùng Ấn Độ phải gánh chịu.

Trong văn phòng rộng lớn của Ambani ở phía Nam của Mumbai có treo một bức chân dung lớn của cha ông, cố doanh nhân Dhirubhai Ambani. Nếu như Mukesh đang trở thành doanh nhân quan trọng nhất của Ấn Độ vào đầu thế kỷ 21, thì Dhirubhai chính là doanh nhân số 1 của nước này vào cuối thế kỷ 20.

HUYNH ĐỆ TƯƠNG TÀN

Dhirubhai sinh năm 1932 tại một vùng nông thôn nghèo ở bang Gujarat thuộc miền Tây Ấn Độ. Ở tuổi thiếu niên, ông nhập cư vào Yemen và làm thuê cho một công ty thương mại. Về nước vào cuối thập niên 1950, Dhirubhai ban đầu buôn chỉ tổng hợp, rồi chuyển sang sản xuất polyester, xây dựng những nhà máy đưa Reliance trở thành một tập đoàn công nghiệp lớn.

Sau khi hoàn thành việc học ở trường kinh doanh Stanford ở tuổi ngoài 20, Mukesh bắt đầu làm việc trong công ty gia đình, từ vị trí điều hành một nhà máy sản xuất polyester rồi dần thăng tiến lên các vị trí cao hơn. Cái chết của người cha vào năm 2002 đã mở ra trận chiến huynh đệ tương tàn giữa Mukesh và người em trai Anil quanh việc vận hành tập đoàn.

Năm 2005, theo một "thỏa thuận hòa bình" do người mẹ dàn xếp giữa hai anh em, Mukesh và Anil chia đôi công ty. Anil - người có lối sống phô trương hơn và kết hôn với một ngôi sao điện ảnh Bollywood - nhận các mảng tài chính, phát điện và viễn thông khi đó của Reliance, rồi mở thêm một công ty sản xuất phim. Mukesh nhận mảng dầu khí vốn là cốt lõi của tập đoàn.

Hành trình tới đỉnh cao của tỷ phú giàu nhất châu Á Mukesh Ambani - Ảnh 2.

Ba cha con nhà Ambani vào năm 1986: Mukesh Ambani (phải), cùng em trai Anil Ambani (trái) và cha Dhirubhai Ambani - Ảnh: Magnum/FT.

Tưởng mọi chuyện đã đâu vào đấy, nhưng hai anh em nhà Ambani vẫn lời qua tiếng lại và cản trở hoạt động kinh doanh của nhau. Việc mở nhà mạng Jio đã mang lại cho Mukesh ưu thế trong cuộc chiến đối đầu huyền thoại với người em trai.

Trước đây, Mukesh đã cùng cha mở một công ty viễn thông trong tập đoàn Reliance, nhưng phải nhương lại công ty này cho Anil theo thỏa thuận chia tài sản vào năm 2005. Sau đó, ông dùng quyền từ chối đầu tiên của mình theo chính thỏa thuận đó để phá vụ sáp nhập giữa công ty viễn thông Reliance Communications của Anil với nhà mạng MTN của Nam Phi. Tiếp theo, vào năm 2010, Mukesh xin cấp phép phổ tần viễn thông cho nhà mạng mà ông dự định mở, và đây là động thái mang tính quyết định trong việc "hạ gục" người em.

Việc Mukesh một lần nữa nhảy vào lĩnh vực viễn thông gây ngạc nhiên cho không ít người, bởi họ không hiểu vì sao vị tỷ phú đang nắm một trong những nhà máy lọc dầu làm ăn tốt nhất thế giới lại đầu tư hàng tỷ USD vào một dự án kinh doanh mạo hiểm vào lúc tiêu thụ năng lượng của Ấn Độ đang tăng chóng mặt. Nhưng những người gần cận với Mukesh đều biết rằng từ lâu ông đã nhấn mạnh rằng sẽ đến lúc kỷ nguyên dầu lửa đi vào thoái trào.

Hiện nay, năng lượng vẫn là trụ cột chính trong Reliance, nhưng Mukesh đã và đang đẩy mạnh chiến lược đưa tập đoàn đạt mục tiêu dấu ấn carbon bằng 0. Năm ngoái, Reliance cho biết có kế hoạch bán lại 20% cổ phần mảng lọc hóa cho Saudi Aramco với giá khoảng 15 tỷ USD. Tuy nhiên, thương vụ này đã lâm bế tắc vì Saudi Arabia chê mức giá đắt trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm mạnh vì đại dịch Covid-19.

Trong quá trình dịch chuyển về hướng công nghệ, Mukesh thường nhấn mạnh rằng "dữ liệu là dầu lửa mới". Ấn Độ chắc chắn là một trong thị trường công nghệ hứa hẹn nhất thế giới, với hàng trăm triệu người Ấn mua điện thoại di động lần đầu. Kế hoạch của Jio là vượt qua các đối thủ bằng cách tung ra dịch vụ 4G với mức giá phải chăng.

ANH GIÀU NHẤT CHÂU Á, EM TRẮNG TAY

Khi chính thức "lên sóng" vào năm 2016, Jio nhanh chóng thu hút hàng triệu người sử dụng nhờ các dịch vụ có giá siêu rẻ và các chương trình khuyến mại lớn. Các đối thủ của Jio không còn cách nào khác đành phải giảm giá dịch vụ. Tuy nhiên, thành công của Jio cũng bị bủa vây bởi những cáo buộc liên tiếp cho rằng nhà mạng này sử dụng các chiến thuật "bắt nạt" để đè bẹp đối thủ cạnh tranh. Các nhà phê bình cũng cho rằng Jio được nhà chức trách ưu ái, theo Financial Times.

Mặc tất cả mọi chỉ trích, Jio vẫn phát triển với một tốc độ không gì cản được, dẫn tới một làn sóng các công ty viễn thông hoặc phải rút khỏi lĩnh vực di động hoặc lâm cảnh phá sản. Chỉ có hai đối thủ của Jio trong khu vực tư nhân tồn tại đến hiện nay: Vodafone Idea và Airtel của tỷ phú Sunil Bharti Mittal.

Công ty của Anil, người em trai của Mukesh, chính là đối thủ chịu đòn đánh mạnh nhất, có thể xem là chí mạng, từ Jio. Reliance Communications phải rút khỏi mảng di động vào năm 2017 trước khi phá sản. Trong khi Mukesh phất lên "như diều gặp gió", Anil ngày càng lụi bại.

Năm ngoái, vấn đề nợ nần của người em trở nên nghiêm trọng đến nỗi ông suýt bị bỏ tù vì trễ hạn thanh toán khoản nợ 77 triệu USD cho tập đoàn Ericsson của Thụy Điển. Một cuộc giải cứu vào phút chót của Mukesh đã khiến Anil - trong một động thái đầu hàng -  phải gửi "lời cảm ơn chân thành từ trái tim tới người anh trai đáng kính của tôi".

Khó khăn chưa dừng lại với Anil: vị doanh nhân từng giàu thứ 6 thế giới này đang bị các chủ nợ Trung Quốc kiện. Tháng 5 năm nay, tòa án ở Anh đã ra phán quyết rằng Anil phải trả cho các chủ nợ Trung Quốc 717 triệu USD. Sức ép quá lớn buộc Anil phải tuyên bố trước tòa rằng tài sản của ông giờ chỉ còn là một con số 0 tròn trĩnh.

Hành trình tới đỉnh cao của tỷ phú giàu nhất châu Á Mukesh Ambani - Ảnh 3.

Dinh thự Antilia của nhà Mukesh Ambani ở Mumbai - Ảnh: Reuters/FT.

Trong khi đó, Mukesh đang ở vị trí giàu thứ 6 thế giới trong xếp hạng tỷ phú của tạp chí Forbes. Ông cùng gia đình sống trong một cao ốc 27 tầng ở Mumbai, với đầy đủ bãi đỗ trực thăng, phòng tập thể thao, và hàng trăm nhân viên phục vụ. Dinh thự có tên Antilia này được cho là ngôi nhà đắt nhất thế giới, với mức giá có thể lên tới 1 tỷ USD.

Tháng 12/2018, Mukesh tổ chức đám cưới xa hoa cho con gái Isha, với chi phí được đồn là lên tới 100 triệu USD. Đám cưới thế kỷ này có màn biểu diễn của danh ca Beyonce và sự xuất hiện của những thượng khách như cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và cựu Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon.

Dù vậy, Ambani và tập đoàn của ông vẫn cố gắng tạo dựng hình ảnh một doanh nhân có phong cách đơn giản. Reliance nói rằng Ambani tự đặt trần cho lương hàng năm của ông là 150 triệu Rupee, tương đương khoảng 2 triệu USD "để tạo ra một tấm gương về mức thù lao cho cấp quản lý". Ông cũng là một người sùng đạo và thường xuyên thực hiện các nghi lễ của đạo Hindu. Ông không ăn thịt và uống rượu.

Một người gần cận với Reliance cho biết Mukesh có "trí tò mò của một đứa trẻ" và ông thường thức khuya để đọc về các xu hướng kinh doanh đang nổi lên. Ông cũng là một người đàn ông của gia đình. "Bạn có thể nghe những câu chuyện về đám cưới xa hoa, về bãi đậu trực thăng của nhà Ambani. Nhưng thực ra, Mukesh không phải là một người tự cao tự đại. Ông ấy rất đơn giản", người này tiết lộ.